5 “ông lớn” vi phạm trên 30.000 tỉ đồng

Sau khi có kết luận thanh tra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các doanh nghiệp mắc sai phạm sớm khắc phục hậu quả

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra 5 tập đoàn, tổng công ty (Tập đoàn Sông Đà, Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Hóa chất Việt Nam, Viettel và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines). Kết quả đã phát hiện vi phạm của các tập đoàn, tổng công ty là trên 30.000 tỉ đồng, với 5 dạng sai phạm, vi phạm. Tuy vậy, ông Tranh cho biết cho đến nay, “chưa phát hiện thất thoát ở các tập đoàn, tổng công ty này, chỉ có một dự án của Tập đoàn Sông Đà (dự án xi măng Đồng Bành) đã chuyển cơ quan điều tra làm rõ về sai phạm có dấu hiệu tiêu cực”. Sau kết luận thanh tra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) này sớm khắc phục hậu quả.

Riêng về Vinalines, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết Thanh tra Chính phủ thanh tra giai đoạn 2007-2010, với 3 nội dung là: đầu tư mua sắm tàu; xây dựng cảng biển và các cơ sở hạ tầng khác; đầu tư tài chính dài hạn, qua đó cho thấy Vinalines có 3 vi phạm chính. Đặc biệt, theo ông Tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của Vinalines càng về sau càng kém.

Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết thanh tra Vinalines chỉ phát hiện một vụ vi phạm pháp luật là mua ụ nổi No.83M, với 4 vi phạm. Theo đó, cả dự án sửa chữa tàu phía Nam và ụ nổi No.83M chưa được duyệt quy hoạch; mua ụ nổi No.83M có tuổi thọ 43 tuổi, vượt 28 tuổi so với quy định; mua tàu chưa có đơn vị cam kết tài trợ với giá rất cao, với mức 70% giá đóng tàu mới, trong khi tàu vượt 28 tuổi; kéo dài thời gian đưa vào khai thác, mỗi tháng chi 1,6 tỉ đồng khi ụ nổi chưa hoạt động.

“Quả đấm thép” chỉ chờ “bầu sữa” ngân sách

Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, nhấn mạnh: “Nhà nước quá nuông chiều các “công tử” - tập đoàn, tổng công ty, sẵn sàng cung ứng bầu sữa ngân sách, nguồn lực đất đai mà chưa xem xét toàn diện đến năng lực. Mỗi khi DN Nhà nước hoạn nạn, Nhà nước dễ dàng mở ngân khố để giải cứu, đến nỗi DN không mặn mà cổ phần hóa, chỉ muốn bao cấp dài dài”.