Áp dụng phòng vệ thương mại với mía đường

Kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh, đạt xấp xỉ 1,3 triệu tấn trong 10 tháng đầu năm 2020.

Đây là thông tin được ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nêu ra tại hội thảo "Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới" do Bộ Công Thương phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức ở Hà Nội. Ông Nam cũng cho biết giá đường nhập khẩu hiện rất thấp, gây nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp sản xuất đường cũng như các hộ nông dân trồng mía trên cả nước.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tiếp tục bày tỏ lo ngại về đường nhập lậu, khi mà giá bán loại đường nhập ngoại ở Việt Nam còn thấp hơn cả giá mua mía tại Thái Lan. Hậu quả là hàng chục nhà máy sản xuất bị phá sản, dừng hoạt động; diện tích trồng mía của người dân ngày càng giảm. Do đó, ông Nguyễn Văn Lộc cho rằng để "cứu" ngành mía đường, Việt Nam hoàn toàn có thể quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho biết trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp mía đường, Bộ Công Thương ban hành 2 quyết định về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan và một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiện tại, cả hai vụ việc đều đang trong quá trình điều tra.