Cá rồng nghìn đô trên đất Thăng Long
Thú chơi cá phong thuỷ, cá đẹp – lạ phát triển mạnh ở Việt Nam trong những năm gần đây. Để sở hữu được con cá “độc”, người ta không ngần ngại bỏ ra cả tỉ đồng và cả công sức để… chơi
Đam mê loài cá phong thuỷ – cá rồng, chỉ một thời gian ngắn anh Nguyễn Chính Ngọc ở quận Long Biên, Hà Nội đã trở thành “vua” cá rồng khi bỏ ra hơn 3 tỉ đồng đầu tư nuôi cá. Đặc biệt, anh đang sở hữu một đôi cá quá bố đầu vàng và một chú platium vào loại độc nhất vô nhị ở Việt Nam hiện nay, với giá hàng ngàn đôla/con...
Chơi cá tiền tỉ lắm công phu
Được giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà anh Ngọc ở đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội để được tận mắt chứng kiến những chú cá rồng trị giá hàng chục ngàn đôla. Ngay phòng khách là những bể cá rồng to đùng, hình dáng đẹp lạ. Bể lớn nhất dài hơn 4m và bể nhỏ cũng phải 2m, kính dùng làm bể là loại đặc biệt mới có thể chịu được áp lực hàng chục khối nước.

“Dân chơi cá miền Bắc khổ nhất vào mùa đông. Cá rồng vốn xuất xứ ở các nước như Singagore, Malaysia, Indonesia... nên không chịu được lạnh. Để sưởi ấm hàng chục mét khối nước, nếu đun bằng điện rất tốn, có thể cả chục triệu đồng/tháng. “Nên tôi làm một nồi nước to đun bằng than tổ ong để ngoài sân, rồi dẫn một hệ thống ống tuần hoàn ra vào”, anh Ngọc chia sẻ.
Ngoài những hệ thống trên, bóng đèn chiếu sáng cũng ngốn một khoản kha khá, mỗi bóng có giá khoảng 600 – 700 ngàn đồng và cá gì thì bóng màu đó. Vì vậy dân chơi cá thường nói: “Chơi cá là chơi đèn”. Cá huyết long hồng vĩ nhất thiết phải là nền xanh nước biển, đèn màu hồng; còn cá quá bối (cá rồng đầu vàng), thì phải nền vàng và đèn hơi vàng... Hệ thống bể này, anh Ngọc đầu tư gần 300 triệu đồng.
Mua cá rồng ngàn đô đổi lấy sự bình yên
Thông thường, thức ăn của cá rồng là tôm, cá trạch, thịt bò. Tôm còn có tác dụng lên màu và tốt cho lớp vảy cá rồng. Tuy nhiên, thức ăn cá rồng thích nhất là sâu, gián và thạch sùng. Anh Ngọc nói, ai chơi cá rồng mà thấy gián, thạch sùng... không vồ ngay là chưa biết chơi cá. Nhưng cần lưu ý, tránh bắt gián chết cho cá ăn, vì có thể gián đã ăn phải thuốc chuột. Rết là món đứng đầu bảng khoái khẩu của cá rồng, nhưng khó kiếm rết và thường phải nhập rết từ Trung Quốc, giá 10.000 đồng/con.
Anh Ngọc cho biết, từ năm 2007, tính riêng tiền mua cá, anh đã chi hơn 3 tỉ đồng và đã bán bớt chừng phân nửa, hiện còn 15 con cá rồng, trong đó có hai con quá bối đầu vàng và một con platium (cá rồng bị đột biến gien), có giá khoảng 400 triệu đồng/con.
“Tôi vào thấy ba con quá bối đầu vàng đẹp quá nên mua tất, với giá 200 triệu đồng/con. Đó là giá mua cả bầy đấy!”, anh Ngọc tấm tắc. Về nhà thả vào bể, sáng hôm sau một con chết cứng; chỉ một đêm đã mất 200 triệu. |
Con platium, được anh mua ở Sài Gòn năm 2008. Theo PGS.TS sinh học Hà Đình Đức và các chuyên gia cá rồng, thì platium là một loại cá rồng bị đột biến gien nên có màu trắng bạc. Loại này rất hiếm, có khi hàng chục ngàn con mới có một con. Hiện con platium thuộc dạng độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Cá rồng là một loại sống “đơn độc”, nhưng tuổi thọ cao, sống khoảng vài chục năm. Khi lớn cá có chiều dài chừng 60cm, mỗi chiếc vảy có thể to bằng cái thìa, trông màu sắc đẹp và khoẻ mạnh. Cá rồng đắt, vì nó được xếp vào loài sách đỏ. Theo dân gian, ai nuôi cũng tâm niệm rằng đây là loài cá tài – lộc, diệt trừ tà ma, giúp gia chủ mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt...
Hiện là giám đốc một công ty sản xuất kinh doanh hoá chất, anh Ngọc trong một lần đến thăm người bạn và bị cuốn hút bởi loài cá “vua” này. “Chơi cá rồng, có một điều rất hay là tôi tìm được sự bình yên sau những giờ làm việc căng thẳng”, anh Ngọc tâm sự.