Các quỹ đầu tư mạo hiểm chưa dám... mạo hiểm!

Các quỹ đầu tư mạo hiểm tại VN thường chỉ chọn các thương hiệu có tên tuổi, các dự án nhiều tiềm năng để đầu tư

Thị trường tài chính, tiền tệ VN có tốc độ phát triển khá nhanh, tạo bệ phóng cho các quỹ đầu tư nước ngoài sát cánh cùng doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, phải đợi đến sau khi VN gia nhập WTO thì lĩnh vực này mới phát triển xứng tầm”. Giáo sư - tiến sĩ Alain Chevalier, Trưởng Khoa Tài chính Trường Quản trị châu Âu (ESCP-EAP, Pháp), đã nhận định như vậy.

Những cuộc “hôn phối” đầy hứa hẹn

Hai quỹ đầu tư mạo hiểm được biết đến nhiều nhất tại VN hiện nay có thể nói đến Mekong Capital và Dragon Capital. Sau một khoảng thời gian khá dài thăm dò thị trường, hai quỹ này đã đồng loạt tung vốn vào một số DN VN. Ngoài vốn đầu tư, các quỹ này cũng mang đến cho DN phương thức quản lý, sản xuất - kinh doanh tiêu chuẩn quốc tế sao cho lợi nhuận đạt mức cao nhất. Đổi lại, các quỹ cũng được hưởng lợi theo tỉ lệ thỏa thuận từ lợi nhuận đó của DN.

Giới doanh nhân đánh giá Mekong Capital đã có lý khi quyết định đầu tư vào Công ty Kiến trúc và Trang trí Nội thất AA. Sức hấp dẫn của AA đã thể hiện rất rõ qua quy mô, tầm vóc phát triển và hàng loạt dự án lớn trong và ngoài nước mà AA đã trúng thầu và thực hiện thành công. Công ty AA cũng khẳng định đã đi đúng hướng khi đã chọn Mekong Capital và áp dụng hệ thống tái cấu trúc sản xuất và kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế. Trước đó, Mekong Capital cũng đã bỏ ra hơn 1,5 triệu USD để đầu tư vào Công ty Nhựa Tân Đại Hưng để đẩy mạnh sức phát triển của DN này. Mới đây nhất, Mekong cũng đầu tư hơn 1,3 triệu USD vào Công ty Gỗ Đức Thành (đây là DN tư nhân thứ 7 của VN nhận vốn từ Mekong). Còn đối với Dragon Capital, ông Dominic - Giám đốc quỹ - cho biết đến thời điểm này, Dragon Capital đã bỏ ra khoảng 100 triệu USD để có gần 40 cuộc “hôn phối” với các DN trong nước. Trong đó, đa số là DN đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, có đường hướng phát triển ổn định.

Chỉ chấp nhận tỉ lệ rủi ro thấp

Thực tế từ những cuộc “hôn phối” trên cho thấy, tại VN, các quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ chấp nhận tỉ lệ rủi ro thấp, đa số tìm đến những DN đã thành công trên thương trường, khẳng định được tên tuổi và uy tín. Ngoài những DN nói trên có thể kể đến Kinh Đô. Tên tuổi của “ông lớn” này cũng đã được Vietnam Opportunity Fund (VOF) tìm đến. Theo ông Don Lam, Tổng Giám đốc Vina Capital (đơn vị quản lý quỹ VOF), trong tương lai, tiềm năng của Kinh Đô là rất lớn và đây chính là cơ sở để VOF đầu tư.

Lý giải cho điều này, ông Dominic cho biết: “Thị trường đầu tư mạo hiểm VN thật hấp dẫn, nhưng vẫn chưa đủ lớn để các nhà đầu tư mạnh dạn vì cơ hội chưa thật sự nhiều. Do vậy, đã đầu tư thì phải cho chắc!”. Còn theo giáo sư - tiến sĩ Alain Chevalier, trên thế giới có nhiều quỹ chuyên “ứng cứu” các DN bên bờ phá sản, hoặc mới thành lập, thiếu kinh nghiệm thương trường. Còn ở VN thì ngược lại, vì các quỹ hoạt động tại VN chưa đủ tầm vóc, hay nói cụ thể hơn là không đủ mạnh về nguồn vốn. Qua thực tế cho thấy không phải tham gia vào bất cứ dự án nào, các quỹ cũng thành công. Những lần thất bại ít ỏi cũng khiến các quỹ đầu tư thận trọng hơn.

Đẩy nhanh cổ phần hóa để phát triển xứng tầm

Ông Dominic cho biết trong 3 năm đầu làm ăn tại VN, Dragon Capital “không lời không lỗ”, 4 năm tiếp theo mới có lời và nay đã ổn định với mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình 10%/năm. Thế nhưng, Dragon Capital thường gặp phải tình trạng khát vốn. Đây là tình trạng mà các quỹ thường gặp phải, cũng là lý do khiến nhà đầu tư rút vốn sớm để tái đầu tư vào các dự án “béo bở” hơn. Trong nhiều trường hợp, các quỹ phải nhờ đến sự trợ giúp từ các ngân hàng quốc tế, như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chẳng hạn.

Thị trường tài chính – tiền tệ VN khá hấp dẫn. Tuy nhiên, đại diện các quỹ này đề xuất Chính phủ VN nên có chính sách ưu đãi thuế đối với thặng dư từ các dự án hợp tác giữa các quỹ và DN. Ngoài ra, ông Dominic cho rằng phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa vì các quỹ hiện đang rất chú trọng vào các DN cổ phần. “Trước và sau cổ phần hóa, DN đều cần phải cải tổ, do đó các quỹ đầu tư sẽ có cơ hội hợp tác. Và dĩ nhiên, hiệu quả làm ăn của các DN chính là sự lựa chọn đầu tư của các quỹ”, ông Dominic giải thích.