Có hay không cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á?
Các nước châu Á đang đứng trước nhiều thử thách khiến các tổ chức tài chính trên thế giới cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc khủng hoảng năm 1997-1998. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế lại cho rằng vẫn còn nhiều dấu hiệu cho thấy có thể lạc quan về viễn cảnh kinh tế của khu vực này...
Những “thử thách quen thuộc”
Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính khu vực châu Á năm 1997-1998 đã làm cho nền kinh tế của các ''con hổ'' ở khu vực này đi lùi lại mười năm. Sau nhiều năm hồi phục, hiện nay các nước này đã đạt được mức thu nhập bằng với thời kỳ hưng thịnh trước cuộc khủng hoảng. Tình trạng đói nghèo ở một số nước cũng đã được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của các nước châu Á nay vẫn đang phải đương đầu với nhiều thử thách. Đó là làm thế nào để giảm bớt sự lệ thuộc vào xuất khẩu, tạo ra nguồn vốn giá rẻ trong nước cho các doanh nghiệp, và bảo vệ đồng tiền trong nước trước sự biến động của các yếu tố bên ngoài. Trong bản báo cáo thường niên ''Viễn cảnh Phát triển châu Á'', Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cảnh báo rằng nếu các nước châu Á không nới lỏng chính sách tỉ giá cố định và không quản lý chặt chẽ nguồn dự trữ ngoại hối, các nước này sẽ có nguy cơ đối diện với một cuộc khủng hoảng tài chính khác.
Gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã đưa ra những cảnh báo tương tự. Sáu năm trước đây, các nước châu Á đã tìm cách nâng cao nguồn dự trữ ngoại hối nhằm bảo đảm khả năng thanh toán nợ vay nước ngoài và chi trả cho nhập khẩu, giảm bớt rủi ro do những tác động bất ngờ bên ngoài như hiện tượng giá dầu tăng. Nhưng điều làm các nhà kinh tế lo lắng là hầu hết các nguồn dự trữ ngoại hối này đều ở dạng đô la Mỹ và trái phiếu kho bạc. Đây là một điều bất lợi vì hiện nay hầu hết các đồng tiền châu Á đang mạnh lên dẫn đến suy giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Trong khi đó, Mỹ đang áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nên các nguồn dự trữ ngoại hối này cũng không được hưởng lãi suất cao. Theo ADB, dự trữ ngoại hối ở châu Á, không kể Nhật, đã tăng 18%, đạt l.300 tỉ USD trong năm 2003, riêng khu vực Đông Á tăng 35%. Nguyên nhân chủ yếu là các nước châu Á muốn mua vào nhiều USD nhằm ngăn chặn tình trạng các đồng tiền ở khu vực này tiếp tục tăng giá.
Ngoài ra, ngân hàng ở các nước châu Á cũng đang ngập trong nợ xấu chưa giải quyết hết. Các ngân hàng này cũng chưa hoàn thiện được hệ thống sổ sách kế toán và phương pháp xác định rủi ro tín dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này làm cho mức xếp hạng tín dụng của các ngân hàng châu Á luôn mức thấp và họ luôn phải chịu lãi suất cao khi đi vay.
Trong khi đó, các công ty ở khu vực châu Á vẫn còn thiếu tính minh bạch và yếu kém về quản lý. Điều này làm các nhà đầu tư, nhất là trong các liên doanh, cảm thấy lo lắng. Luật về công khai hoạt động của các công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán ở khu vực này vẫn chưa có hiệu lực.
Đồng tiền chung sẽ giảm thiểu những rủi ro
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng liệu những thách thức nói trên có được xem là những dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng tài chính khác ở châu Á hay không vẫn còn là điều chưa chắc chắn. Vấn đề tùy thuộc vào phản ứng của các nhà hoạch định chính sách của khu vực này, nhất là đối với vấn đề chính sách tỉ giá.
Một điều khác biệt với cuộc khủng hoảng năm 1997-1998 là hiện nay hầu hết các nước châu Á đã giảm bớt sự lệ thuộc của đồng tiền nước mình vào đồng USD Mỹ. Thay vào cơ chế tỉ giá cố định dựa trên đồng USD Mỹ, các nước nay đã bắt đầu chuyển sang cơ chế hỗn hợp dựa vào ''rổ'' tiền tệ. Hồi tháng 4, Trung Quốc đã công bố sẽ phân tán một phần nguồn dự trữ ngoại hối 440 tỉ USD của nước này dưới dạng trái phiếu châu Âu và châu Á. Ấn Độ cũng xác định tỉ giá của đồng rupee dựa trên một rổ tiền tệ bao gồm USD, euro, bảng Anh, yên Nhật, trong đó euro được cho hệ số cao nhất.
Bên cạnh đó, so với hồi năm 1997-1998, tỉ lệ nợ ngắn hạn nước ngoài ở châu Á cũng giảm xuống đáng kể, từ 60% -70% tổng doanh số nợ xuống còn 20%-30%. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối trong một số trường hợp đã tăng gấp đôi.
Ngoài ra, các nước châu Á cũng đang theo đuổi việc thành lập một định chế tài chính, một đồng tiền chung cho khu vực nhằm giảm thiểu những rủi ro về biến động tỉ giá, tăng cường hợp tác kinh tế, tài chính trong khu vực. Trước mắt, các nước Đông Nam Á đang đàm phán ký kết 13 hiệp định song phương về trao đổi tiền tệ, tài chính nhằm sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối của các nước để hỗ trợ cho nhau khi cần thiết. Dự kiến, các nước này cũng sẽ phát triển một thị trường trái phiếu châu Á nhằm giảm áp lực về ngoại hối.