Có một thị trường "mua bán đồ ăn cắp"
Khi bị mất một đôi giày, ví da, phụ tùng ô tô, xe máy hay những vật dụng cá nhân quý hiếm, bạn không nên thất vọng mà hãy chịu khó “lục tung thành phố”. Hãy đến những nơi bạn chưa bao giờ đặt chân đến có thể bạn sẽ tìm thấy món đồ của mình. Chúng vẫn thuộc về bạn như xưa, nhưng thay vì tố cáo về hành vi tiêu thụ đồ kẻ gian, bạn phải trả cho người bán hàng một khoản tiền khá lớn, trước khi lấy chúng về
Mua lại đồ của mình
Muốn tìm mua lại chính đồ của mình vừa bị mất hãy đến ngay khi có thể một số chợ: Chợ Giời (chợ Hòa Bình), chợ đường sắt Khâm Thiên, chợ ban đêm ven đường La Thành,…
Chuyện mua lại đồ cũ này thường rơi vào những mặt hàng độc đáo của những người hoặc bị mất cắp hoặc bị đánh rơi. Anh Hùng ở Đội Cấn cho biết: Anh đã từng bị mất cốp xe máy và đã từng phải bỏ tiền ra mua lại đồ của chính mình.
Chợ Giời thì có đủ thứ, chợ đường sắt Khâm Thiên thì chủ yếu là giày dép, chợ đường La Thành thì bán rất nhiều thứ nhưng chủ yếu vẫn là điện thoại, ví da, thắt lưng, ... Ngoài ra, chợ đồ cũ cũng mọc ra dọc nhiều tuyến phố đông người qua lại.
Còn chị vợ anh Hiệu ở Láng Hạ thì mất một chiếc pha đèn xe SH. Sau hơn một giờ loay hoay tìm kiếm đã tìm thấy chính chiếc pha đèn của mình (có vết sơn lúc sơn lại nhà thợ vô tình làm bắn vào) đang treo bán trong chợ Giời… với giá 1,2 triệu đồng.
Một nạn nhân nữa cũng đã phải mua lại một đôi giày quý, quà của một người bạn đi Tây Ban Nha về tặng ở “phố đồ nhảy” Lê Duẩn với giá cắt cổ 2 triệu đồng.
Tại phố Lê Duẩn người có nhu cầu mua hàng đồ cũ sẽ thỏa thích tìm kiếm cho mình những món hàng ưng ý. Tôi hỏi một chị bán hàng ở đây, chị nói vui: Kể cả việc anh muốn mua 1 chiếc giày hay dép cũng có, vì chúng tôi hiểu rằng, khi mua của bọn lấy trộm một chiếc dép có nghĩa là vẫn có cơ hội gặp lại chủ nhân của chiếc dép còn lại để bán. Và, chị chỉ cho tôi một đống giày, dép xịn, song chỉ có một bên chân đang đổ đống dưới gậm giường.
Khu chợ vỉa hè Khâm Thiên, đoạn gần cầu vượt qua đuờng sắt có mấy người thường xuyên ngồi bán đồ giày, dép, mũ bảo hiểm cũ. Gặp khách họ sẵn sàng bán nếu bạn hỏi mua và ngược lại mua nếu bạn muốn bán.
Khó "sờ gáy"?
Bộ Luật hình sự quy định cả hành vi trộm cắp và tàng trữ đồ ăn cắp đều bị coi là vi phạm luật pháp. Tuy nhiên, bất cứ người nào, kể cả những người hiện đang công tác tại các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng phải thừa nhận tình trạng bán hàng phi pháp đang trở nên rất công khai ở nhiều nơi hiện nay, song cả người bán và người mua đều không hề hấn gì.
Đành là không bắt được quả tang thì không làm gì được ai, song nếu thẳng tay thì người bán hàng loại này vẫn “chết” vì họ đâu có chứng minh được nguồn gốc, hay xuất xứ của hàng hóa mình đang sở hữu.
Ông H.V, một sĩ quan công an, người đã trực tiếp tham mưu cho các cơ quan chức năng nhiều ý kiến xung quanh việc xử lý hình sự đối với các “việc hình” nói vui: Ở nước ta phàm cái gì bảo sai là sai, cái gì chưa sai thì khó đưa vào tội được. Ví như, chuyện anh mất một chiếc xe máy có khi giá trị chỉ có 5 triệu đồng. Song nếu phát hiện ra người đang lưu hành tài sản đó với số khung, số máy trùng khớp với tài sản người bị mất, người sử dụng đó sẽ bị bắt tức thì. Nhưng cũng có khi một tài sản có trị giá cao hơn nhiều bị mất, kẻ gian "vô tư" mua đi, bán lại nhưng khi bị phát hiện thì lại "vô tội" vì những tài sản đó chúng không thuộc về “nơi luật pháp muốn”.
Chợ Giời nói chung – một khái niệm chợ mua bán đồ không minh bạch về nguồn gốc đang la liệt bày bán đồ ăn cắp. Mặt được là mua gì có nấy, bất kể đồ ấy nguồn gốc ở đâu và mặt không được là nó bỗng nhiên trở thành nơi tiêu thụ đồ ăn cắp “hợp pháp” tới mức, ai bán, ai mua, thỏa sức mặc lòng.
Còn thị trường tiêu thụ đồ ăn cắp tức là còn kẻ cắp. Ai cũng biết vậy nhưng từ lâu sự hiện hữu của các loại chợ Giời ở Hà Nội được xem như điều "tất yếu" và chưa biết đến bao giờ chúng mới được các nhà quản lý "sờ gáy".