Dán nhãn xanh để vào thị trường thế giới

Một sản phẩm có “dán nhãn xanh” sẽ được người tiêu thụ ở các nước phát triển rất ưa chuộng, dẫu giá có cao hơn hàng không nhãn một chút. Và một khi sản phẩm đã vào được thị trường ấy sẽ bán được giá; ví dụ, giá bán 20 USD/gói thực phẩm vẫn có người mua, trong lúc đó bán ở nước kém phát triển 2 USD chưa hẳn đã có người mua

Các nước phát triển thường sử dụng những tiêu chuẩn môi trường như rào cản thương mại đối với các nước đang phát triển. Vì vậy, các công ty, xí nghiệp phải xây dựng ISO 14000 và LCA, mà trước hết là ISO 14001 để đối phó với những rào cản này. Nếu hàng hóa chúng ta có ISO 14001, phía đối tác, do cạnh tranh không lành mạnh, cũng không có “lý do môi trường” để ngăn chặn.

Phải thay đổi nhận thức

Trong lúc các nước đã và đang phổ thông hóa tiêu chuẩn ISO 14000, LCA, Việt Nam chỉ mới có khoảng 35 công ty, mà lại chủ yếu là công ty nước ngoài áp dụng. Hơn thế nữa, chúng ta lại đang say sưa chỉ với ISO 9000 mà quên mất phải là ISO 14000. Bởi vì ISO 9000 chỉ có giá trị chứng nhận chất lượng sản phẩm đã đăng ký chứ không có nghĩa là sản phẩm có ISO 9000 tốt hơn sản phẩm không có ISO 9000. Mặt khác, khi ta lấy chứng nhận ISO 14000 thì trong nội hàm của nó đã có nội dung ISO 9000. Hoặc khi có ISO 9000 ta có thể thêm một bước ngắn để có ISO 14000. Rõ ràng, ISO 9000 không có mấy giá trị hội nhập phi thuế quan; còn ISO 14000, LCA lại là giấy thông hành vào thị trường thế giới, thị trường nước lớn.

Thực hiện ISO 14000, LCA ở ta còn gặp nhiều khó khăn về vốn, về trình độ và nhận thức. Nhưng khó khăn nhất có lẽ là không ít lãnh đạo địa phương vừa nhận thức mơ hồ nhưng lại vừa cho ta là nhận thức đủ và đúng, coi nhẹ ý kiến chuyên gia. Nên nhớ rằng, áp dụng ISO 14000- LCA là rất cần thiết và cấp bách. Nhưng nó lại không có khuôn mẫu nào cả. Mỗi ngành khác nhau áp dụng khác nhau, mỗi tỉnh cũng áp dụng khác nhau. Đã đến lúc, ta tự hỏi: Thời gian cho hội nhập đến rồi sao các công ty chưa mặn mà với LCA, ISO 14000?

Nước đến chân, đừng chần chừ mãi

Đầu tiên, có thể áp dụng thí điểm trong ngành dịch vụ, du lịch, sau đó mở rộng cho tất cả các ngành, các lĩnh vực. Chính phủ Trung ương và chính quyền địa phương (tỉnh, TP) đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy LCA - ISO 14000 để bảo vệ môi trường, tăng sản phẩm hàng hóa hội nhập. Vì vậy, Chính phủ cần phải có những chính sách và lộ trình đúng. Cần đưa vấn đề này vào thảo luận tại các hội nghị các ngành, các cấp và cần có chương trình nghiên cứu hỗ trợ, đào tạo nhân lực cho các công ty thực hiện.

Ta đã gia nhập WTO mà hầu như chưa có ISO 14000, LCA. Nước đã đến chân rồi, cần phải nhảy cho kịp. Nếu không, hội nhập trong tình trạng hàng nước ngoài tràn vào mình mà hàng mình thì không có nhãn xanh, không có ISO 14000, LCA sẽ bị rào cản phi thuế quan ngăn cản, không sang được nước người. Điều thua thiệt là chắc chắn. Con đường tất yếu cho hội nhập kinh tế thị trường thế giới là phải qua LCA – ISO 14000. Vậy không nên chần chừ nữa!

ISO 14000, LCA liên quan đến sinh thái, môi trường

ISO 14000, LCA là một dạng kỹ thuật quản trị môi trường toàn diện, bao gồm: đánh giá sự cố môi trường, đánh giá quá trình thực hiện môi trường, kiểm toán môi trường và đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, nó không nghiêng về vấn đề đánh giá khía cạnh kinh tế - xã hội của sản phẩm mà chỉ đánh giá những gì của xã hội có liên quan đến sinh thái môi trường.

Nhìn chung, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế này cung cấp cho ta một nguyên tắc và một hệ thống làm việc, một số phương pháp công tác. LCA, ISO 14000 cũng giống như ISO 9000, nó không phải là hạn chế giao lưu hoặc gây khó khăn thêm hoặc thay thế tạo sức ép sản phẩm hàng hóa mà chỉ nhằm bảo vệ tất cả hàng hóa, nâng cao chất lượng trong việc bảo vệ sức khỏe con người cũng như bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên lâu bền. Dĩ nhiên, nước ta trong cơ chế thị trường và kinh tế toàn cầu rất cần xuất khẩu nếu không sớm hiểu biết và vận dụng LCA, ISO 14000 sẽ gây bất lợi cho chính chúng ta.