DN còn quá lãng phí nhiên, nguyên liệu

Các ngành công nghiệp có thể tiết kiệm 10.000 tỉ đồng mỗi năm. Nhựa, sành sứ, xi măng... có thể tiết kiệm 20%-30% năng lượng nếu thực hiện đồng bộ các biện pháp cải tiến kỹ thuật và quản lý

Lãi suất ngân hàng cao gấp đôi so với mức lợi nhuận trung bình, giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng cao, sức mua thị trường giảm sút... đang là những khó khăn chồng chất đè nặng lên vai các doanh nghiệp (DN). Những bất lợi do lạm phát được ví như sự sàng lọc đối với cộng đồng DN, buộc các DN phải tự thân vận động thay vì trông chờ vào sự giúp đỡ của Chính phủ. Để tự cứu mình, biện pháp đầu tiên các DN phải tính đến là tiết giảm chi phí sản xuất. Chưa bao giờ vấn đề tiết kiệm trong sản xuất được đặt ra cấp thiết như lúc này.

Hiệu suất sử dụng năng lượng rất thấp

Bộ Công Thương cho biết 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại, chỉ đạt 6,5% nhưng tốc độ tiêu thụ xăng dầu lại tăng đến hơn 10%. Nếu như năm 2007, cả nước nhập khẩu và tiêu thụ 13,9 triệu tấn xăng dầu thì chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay đã phải nhập 7,87 triệu tấn. Nếu tốc độ tăng trưởng tiêu dùng xăng dầu vẫn ở mức cao như 6 tháng đầu năm, dự kiến mức tiêu thụ cả năm sẽ lên đến khoảng 15,5 triệu tấn, cao hơn nhiều so với năm 2007 mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP không tăng tương ứng.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là trình độ công nghệ sản xuất của các DN vẫn ở mức lạc hậu. Một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy ngành công nghiệp VN được xếp vào nhóm cuối về hiệu suất sử dụng năng lượng. Kết quả khảo sát một số ngành công nghiệp gồm nhựa, sành sứ, xi măng... của Bộ Công Thương cũng cho thấy các ngành này có thể tiết kiệm năng lượng lên đến 20%-30% nếu thực hiện đồng bộ các biện pháp cải tiến kỹ thuật và quản lý. Hiện nay, sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 40% nhu cầu năng lượng của cả nước, tương đương khoảng 19 triệu tấn dầu quy đổi. Nếu chính sách tiết kiệm năng lượng được thắt chặt, ngành công nghiệp có thể tiết kiệm khoảng 10.000 tỉ đồng mỗi năm.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, so với thế giới, DN VN phải sử dụng lớn hơn 20% đơn vị năng lượng mới sản xuất ra một đơn vị sản phẩm. Đây là sự lãng phí nhiên liệu rất lớn và là điểm yếu của nền kinh tế.

Quyền lợi hay trách nhiệm?

Do quá chú trọng đến mục tiêu tăng trưởng, trong suốt một thời gian dài, VN chưa quan tâm đúng mức đến tiết kiệm trong cả sản xuất và tiêu dùng. Báo cáo tăng trưởng kinh tế VN 2007 của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết tiết kiệm nội địa của VN năm 2007 chỉ đạt hơn 30% GDP trong khi nhiều nền kinh tế đang phát triển khác đều duy trì được mức 50%.

Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các DN chưa thực hành triệt để việc tiết kiệm để giảm chi phí đầu vào? Theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), nguyên nhân quan trọng là hiện còn thiếu khuôn khổ pháp lý để “ép” các DN phải tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, các ngành sản xuất thiếu thông tin cụ thể về định mức tiêu hao năng lượng, thiếu chuyên gia và chưa có hoạt động kiểm toán trong lĩnh vực này.

Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Đình Cung, Trưởng Ban Chính sách Vĩ mô CIEM, nhận định thời gian qua, chưa có chính sách định hướng khuyến khích tiết kiệm, hạn chế tiêu dùng. Các DN chưa nhận thức rõ tiết kiệm không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm. Nếu chỉ là quyền lợi, họ có thể sẵn sàng bỏ qua để chạy theo những lợi ích ngắn hạn, thể hiện ở xu hướng đầu tư phi sản xuất, rót tiền vào chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng thay vì đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển đổi nhiên liệu... “Việc điều chỉnh giá xăng vừa qua có thể thúc ép các DN phải thắt chặt chính sách tiết kiệm nếu không muốn bị đình trệ sản xuất” - ông Cung nói.

Bộ Khoa học - Công nghệ đã có nhiều đề tài khoa học, chương trình tiết kiệm nhiên liệu nhưng mức độ triển khai ứng dụng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.