DN nào cũng “kêu” về giấy phép kinh doanh

CIEM đề nghị lập Hội đồng Giấy phép kinh doanh và việc này tạo ra 2 luồng ý kiến khác nhau: Doanh nghiệp ủng hộ, cơ quan Nhà nước thì đa số phản đối

. Phóng viên: Thưa ông, vì sao CIEM đề nghị thành lập Hội đồng Giấy phép kinh doanh (GPKD)?

- Ông Nguyễn Đình Cung: So với yêu cầu phát triển của nền kinh tế thì môi trường kinh imgdoanh của ta hiện nay còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chất lượng của những quy định của pháp luật điều tiết hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) mà cụ thể là GPKD. Chất lượng của những quy định này gói gọn ở 6 “không”: không rõ ràng, không cụ thể, không hợp lý, không thống nhất, không minh bạch và không tiên liệu được. Điều này đặt hoạt động của DN vào tình thế gặp rất nhiều rủi ro về chính sách, có thể vi phạm pháp luật bất cứ lúc nào vì có nhiều cách diễn giải khác nhau về cùng một quy định, làm thế nào cũng được. Nhưng nó lại tạo cơ sở pháp lý cho bất cứ một công chức nào có quyền hành đều có thể tùy tiện can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN. Cho nên phải có một cơ quan trực tiếp tư vấn cho Chính phủ về việc triển khai thực hiện quản lý GPKD. Cơ quan này gồm 20 thành viên, trong đó một nửa là đại diện DN, còn lại là các thứ trưởng của các bộ ngành liên quan.

. So với thời điểm bắt đầu thi hành Luật DN 2000, tình hình có căng thẳng hơn không, thưa ông?

- Cải cách môi trường kinh doanh ở giai đoạn này không phải xóa bỏ cơ chế “xin - cho” như thời kỳ 2000 mà là minh bạch hóa, đơn giản hóa chính sách để nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh. Hiện nay, DN đang phải đối mặt với sự trỗi dậy của làn sóng GPKD mới. Tôi vừa kết thúc chuyến đi kiểm tra ở một số tỉnh, thành trong cả nước mới thấy thật đáng lo ngại, DN nào cũng “kêu” vì GPKD. Chính vì rủi ro về chính sách quá lớn khiến DN không tự chủ, mạnh dạn đầu tư vượt ra quy mô lớn mà chấp nhận ở lại với kinh doanh phi chính thức. Vì thế, DN thành lập nhiều nhưng không lớn được.

. Đến thời điểm này, ý kiến của các bên liên quan về ý tưởng thành lập Hội đồng GPKD như thế nào, thưa ông?

- Có hai luồng ý kiến khác nhau. Phía DN thì ủng hộ nhưng muốn hội đồng có thẩm quyền và địa vị cao hơn, có quyền áp đặt ý kiến của mình với các bộ khi soạn thảo các quy định liên quan đến kinh doanh.

Còn các cơ quan quản lý Nhà nước thì đa số phản đối. Họ cho rằng cơ chế hội đồng xưa nay đều hoạt động kém hiệu quả. Hơn nữa, thành lập thêm hội đồng này trái với chủ trương cải cách hành chính và chồng chéo chức năng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ. Họ cũng cho rằng chức năng của cơ quan này không có gì mới.

. Ông đánh giá thế nào về những góp ý này?

- Theo tôi thì các ý kiến đó chưa xác đáng. Đúng là có nhiều hội đồng hoạt động không hiệu quả nhưng không có nghĩa là tất cả. Cơ sở để tin tưởng hội đồng này hoạt động tốt vì có một nửa thành viên là DN, đại diện cho chính quyền lợi của họ. Như thế sẽ có động lực thúc ép họ phải làm việc hiệu quả. Về khả năng chồng chéo chức năng, thực ra không hoàn toàn như thế. Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ chỉ thẩm định những văn bản mang tính đại thể. Còn GPKD là lĩnh vực chuyên sâu, phải có kiến thức về hoạt động kinh doanh, điều tiết kinh doanh mới thẩm định được. Một bên là đi ngang, một bên là cắt dọc thì không thể nói là chồng chéo. Còn nếu nói việc này trái với chủ trương cải cách hành chính là hoàn toàn áp đặt. Theo tôi hiểu, cải cách hành chính không có nghĩa chỉ là cắt bỏ, giảm bớt. Khi cắt bỏ cái không hiệu quả, không hợp lý đi rồi mà thực tế đòi hỏi cái mới thì phải bổ sung. Hơn nữa, việc thành lập cơ quan này không làm tăng thêm biên chế và ngân sách vì hầu hết các thành viên đều kiêm nhiệm.