Đô thị vệ tinh: Mơ về nơi xa lắm?

TPHCM vẫn đang dẫn đầu cả nước về kinh tế, về GDP/đầu người, về đô thị lớn và hiện đại nhất. Nhưng thành phố cũng dẫn đầu cả về tình trạng “quá tải đô thị”. Phải chăng xây dựng là giải pháp tối ưu giảm bớt tình trạng quá tải ở khu trung tâm?

TPHCM đã hơn 8 triệu dân. Những ngày nắng nóng, đường phố như mờ đi sau làn khói bụi. Những lúc mưa to, triều cường, nước ngập nửa bánh xe. Vì thế, mỗi ngày người người đến được sở làm đúng giờ, đón đưa được con từ trường về nhà không bị kẹt xe là mừng lắm rồi!

Sống trong hoàn cảnh ấy, ai mà không mơ đến một thành phố xanh, sạch, đẹp. Vì vậy, khi được biết có một bản quy hoạch xây dựng bốn khu đô thị vệ tinh nhằm giảm áp lực quá tải cho khu trung tâm thì ai cũng vui và kỳ vọng.

Thực ra ý tưởng này đã có từ 10 năm trước nhưng đến nay, quy hoạch đô thị vệ tinh mới được phê duyệt dự kiến sẽ hoàn thành quy hoạch vào năm 2025.

Trung tâm đang quá tải

Thành phố bây giờ như một công trường xây dựng. Nhiều cao ốc đang lớn lên từng ngày với những cần trục cao ngất. Những cao ốc và chung cư đứng sát nhau tạo thành những “khu rừng bê tông màu trắng xám”, lấn át hẳn màu xanh thiên nhiên của cây cối. Cao ốc càng nhiều thì dân số tập trung càng đông, mật độ giao thông càng cao và kẹt xe cũng càng nhiều. Bên cạnh những khu rừng bê tông ấy có những khu phố hẻm bị ngập nước vào mùa mưa hay triều cường và có thêm những khu dân cư tự phát - những xóm đô thị nghèo hình thành không xa trung tâm thành phố.

Còn câu chuyện về đường phố thì sao? Theo Sở GTVT TP, năm 2010  có 335 con đường cần sửa chữa nhưng chỉ sửa được hơn 20 (0,6%). Đến năm 2011, tình hình còn tệ hơn: có 382 con đường cần sửa nhưng từ đầu năm đến ngày viết bài này thì chưa có vốn để thực hiện. Tình hình duy tu cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu nên hệ thống cầu, đường của thành phố ngày càng xuống cấp.

Mạng đường sá chưa rộng và chưa nhiều ấy phải chứa hơn 4 triệu xe gắn máy, hơn nửa triệu xe hơi, trong đó có hàng ngàn chiếc xe buýt cỡ lớn và gần 1 triệu phương tiện vãng lai. Không những thế, trên một số tuyến đường lại phải dựng “lô cốt” để sửa chữa, tạo thành những đoạn “thắt cổ chai” nên khi có nhiều xe buýt lớn nối đuôi nhau, tránh nhau, thậm chí chạy hàng hai, hàng ba thì hàng trăm xe khác phải đứng đợi nhau hàng giờ. Đường phố như thế nên sáu tháng đầu năm 2011, ở TP đã xảy ra 30 vụ kẹt xe kéo dài trên 30 phút, tức là trung bình sáu ngày có một vụ kẹt xe nghiêm trọng tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2010.

img
Vòng xoáy đô thị. Ảnh: HTD
Sài Gòn hai mùa mưa nắng, mùa nào cũng kẹt xe nhưng mùa mưa và triều cường còn có thêm ngập nước ở một số nơi. Theo kết quả điều tra xã hội học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, người dân ở các khu bị ngập đã ta thán về nỗi khổ của họ hàng chục năm nay: “Khu này mỗi lần mưa xuống là như dòng sông, mà nó không chỉ chảy một chiều, một đường mà còn tách ra nhiều nhánh… gây ra ngập lụt tràn cả vào nhà dân… Cái khu này cứ thức suốt đêm vì trẻ con đứa này viêm họng, đứa kia hô hấp, cái mùi cống rãnh làm sao trẻ con chịu được, người lớn cũng không chịu được… Ngập nước là ở tù vì rau không được ăn, chỉ ăn củ quả, tắm giặt cũng không dám vì nước không thoát, càng dâng cao, phải chịu hàng tháng trời như thế…”.

Mỗi khu phố ấy có hàng trăm căn hộ bị nước tràn vào nền nhà, họ không thể tự khắc phục được nên rất mong có sự hỗ trợ của chính quyền. Nhưng họ kể: “… phản ánh thì biết phản ánh với ai? Lên đài truyền hình hoặc báo chí họ chụp ảnh, nói xong rồi cũng cưỡi ngựa xem hoa, phản ánh với phường thì cũng thế thôi…”.

Chưa rõ diện mạo

Nhìn lên tấm bản đồ quy hoạch bốn khu đô thị vệ tinh đến năm 2025, những người lạc quan nhất cũng chưa hình dung được diện mạo thành phố khi có những vệ tinh sẽ như thế nào vì còn những băn khoăn chưa tìm ra lời giải thuyết phục.

Ngày nay chủ trương xây dựng đô thị vệ tinh còn thích hợp không khi trên thế giới hình thức này đã tỏ ra lạc hậu? Các nước tiên tiến đã chuyển sang phát triển theo mô hình chùm đô thị, tuyến đô thị hay cộng đồng đô thị, gồm các thành phố vừa và nhỏ liên kết nhưng độc lập với nhau để tránh tình trạng quá tải của hình thái siêu đô thị và các vệ tinh.

Mặt khác, theo tấm bản đồ trên thì bốn khu đô thị tương lai đều nằm trong các quận, huyện thuộc lãnh thổ của TPHCM và rất gần với khu trung tâm thì thực chất chỉ là mở rộng không gian đô thị ra vùng ngoại thành, xóa đi nhiều mảng xanh của thành phố… nên không có chức năng của đô thị vệ tinh.

Và cho dù bốn khu đô thị ấy sẽ được xây dựng đúng như quy hoạch thì tác động giảm dân của khu trung tâm cũng rất hạn chế khi tất cả 130 dự án cao ốc và nhiều chung cư cao tầng đã được xây dựng xong.

Khi các khu đô thị mới hoàn thành thì sự xáo trộn về xã hội và văn hóa cũng sẽ xảy ra. Chẳng hạn tại Phú Mỹ Hưng và Thủ Thiêm, ngay sau khi được bồi thường giải tỏa, phần lớn cư dân sẽ tìm đến những khu đất giá rẻ hơn giá nhà đất ở khu đô thị mới và lại tạo thành những xóm đô thị nghèo với đường hẹp, nhà thấp và chợ nhỏ ngoài trời… Trong khi đó, những cư dân đến khu đô thị mới là những người giàu có, họ thích kín cổng cao tường nên không còn sắc thái văn  hóa đã có trước đây. Như vậy diện mạo của thành phố tương lai có thể sẽ là “đô thị hiện đại và nông thôn kiểu mới”, hay sẽ là những "khu rừng bê tông” xen kẽ những “xóm nghèo đô thị?”. Điều đó còn tùy thuộc vào sự điều chỉnh và quá trình thực hiện quy hoạch.

Đô thị "béo phì dân số”

Dân số TP đã hơn 8 triệu người và đã quá tải toàn diện. Nếu năm 2025, theo quy hoạch dân số sẽ là 12,5 triệu (kể cả vãng lai) thì tình trạng quá tải sẽ đến mức nào? Mặc dù đô thị sẽ được mở rộng về bốn hưởng nhưng riêng khu trung tâm vẫn không giảm được dân số và mật độ do có quá nhiều cao ốc, đồng thời không tăng được diện tích giao thông vì không còn quỹ đất. Do đó tình trạng quá tải toàn diện cũng sẽ không giảm đáng kể. Từ đó cần đặt ra câu hỏi: TPHCM có nên trở thành đô thị “béo phì” về dân số để phải mang những căn bệnh của sự quá tải?

Hôm nay, TP mới có 5% diện tích dành cho giao thông và không còn quỹ đất, trong khi đó, một số nước trên thế giới đã phải dành từ 30% đến 50% diện tích mới giải quyết được nạn kẹt xe trong đô thị. Nếu cho rằng biện pháp cấm xe gắn máy sẽ là liệu pháp thần kỳ để chữa kẹt xe thì không những sẽ làm xáo trộn đời sống của đa số người dân lao động mà có thể sẽ chuyển từ kẹt xe máy sang kẹt xe hơi còn đáng sợ hơn. Như ở nước Pháp đã có vụ kẹt xe hơi kéo dài 800 km mặc dù họ có hệ thống giao thông rất hiện đại và hầu như không có xe gắn máy chạy trên đường. Nếu hy vọng vào những dự án xe điện mặt đất, xe điện trên cao và tàu điện ngầm thì sẽ không thực tế vì các phương tiện đó tuy có sức chuyên chở rất lớn nhưng lại không đáp ứng nhu cầu đi lại của đa số cư dân kiếm sống từ “kinh tế mặt tiền, kinh tế vỉa hè” và cư trú trong nhiều khu phố hẻm.

Ngày hôm nay, TP còn những khu dân cư bị ngập nước, nếu ngày mai, khi kịch bản nước biển dâng diễn ra mà Việt Nam là một trong năm nước bị ảnh hưởng nặng nhất thì tình trạng ngập úng sẽ đến mức nào? Mặc dù kịch bản ấy chưa diễn ra nhưng đỉnh triều cuối tháng 10-2011 đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay (1,57 m) và đã gây ra 28 điểm ngập, phần lớn ở hướng Đông và hướng Nam. Đó lại là hai hướng chính để phát triển đô thị mới mà quy hoạch đã xác định. Điều đó cho thấy viễn cảnh của TP quả là còn những điều đáng lo. Hãy xem cảnh lũ tụt kinh hoàng ở thủ đô Bangkok Thái Lan để nghĩ về những gì TPHCM có thể gặp trong tương lai.

Một thập kỷ đã trôi qua để chờ đợi, lại thêm gần hai thập kỷ nữa để đợi chờ… Dường như người dân TP đã sẵn có đức tính “kiên nhẫn”. Phải mất hơn 12 năm để ý tưởng thành quy hoạch. Vậy với 13 năm kế tiếp (2012-2025), quy hoạch có thể thành hiện thực được không khi phải hoàn thành hàng núi công việc khó khăn? Đó là câu hỏi không dễ trả lời.

Tháng 11-2011

. Từ năm 2008 đến nay đã có đến 130 dự án cao ốc được cấp phép, trong đó 70 cao ốc được xây dựng trong khu lõi trung tâm.

. Cả thành phố hiện có khoảng 7.835 km đường giao thông, chiếm khoảng 5% diện tích TP, trong đó gần 2/3 là đường hẻm nhỏ.