Doanh nghiệp vẫn găm USD
Các doanh nghiệp đã bán cho ngân hàng gần 400 triệu USD nhưng qua kiểm tra cho thấy họ đang gửi 1,61 tỉ USD, trong đó có 376 triệu USD gửi có kỳ hạn
Thị trường ngoại tệ đã có nhiều dấu hiệu tạm yên sau hơn một tháng quyết liệt triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường chợ đen đã không còn công khai, chênh lệch tỉ giá ngoại tệ trong-ngoài cũng đã giảm về dưới 200 đồng/USD... Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thị trường này vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề.
TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, cho biết sau khi tăng mạnh tỉ giá và yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước bán ngoại tệ cho NH, các doanh nghiệp (DN) đã bán ra gần 400 triệu USD giúp nguồn cung ngoại tệ đang được cải thiện.
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, chưa tính được số ngoại tệ bán ra thấm vào đâu so với số ngoại tệ DN đang nắm giữ vì các DN vẫn được để lại một phần ngoại tệ để tái tạo…

Trong ảnh: Khách hàng giao dịch USD tại một ngân hàng ở TPHCM_ Ảnh: HỒNG THÚY
Chưa quyết việc thu phí bán ngoại tệ
Một vấn đề khác đáng chú ý là thị trường tự do bị siết lại nhưng việc đáp ứng nhu cầu ngoại tệ chính đáng của người dân chưa được đầy đủ, có thể phát sinh phức tạp mới. TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng nếu không giải quyết được điểm nghẽn này, việc kiểm soát thị trường ngoại tệ sẽ không có kết quả. Phải có quy chế bằng động lực kinh tế hoặc cách điều hành để mọi NH đều có trách nhiệm giải quyết ngoại tệ cho nhu cầu chính đáng của người dân. Nên coi đây là nghiệp vụ thường xuyên, đương nhiên phải có của các NH thương mại. Nếu chỉ vài NH triển khai dịch vụ này là không ổn vì nhu cầu ngoại tệ của dân rải khắp nước.
Về hiện tượng ngân hàng huy động tiết kiệm bảo đảm bằng USD (Báo Người Lao Động đã thông tin trên số ra ngày 30-3), Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết đã nhận được thông tin phản ánh và sẽ kiểm tra, làm rõ. |