Doanh nghiệp Việt Nam nào sẽ vào AFTA?
HỘI NHẬP KINH TẾ- Theo lộ trình gia nhập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (gọi tắt là AFTA) của VN, từ năm 2003-2006, VN phải cắt giảm thuế nhập khẩu gần như toàn bộ các mặt hàng đang có thuế suất dưới 20% xuống 0 - 5%. Dỡ bỏ dần và đi đến chấm dứt tác động bảo hộ với nhiều mặt hàng sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp (DN) VN sẽ bước vào một cuộc đua chen rất quyết liệt để cạnh tranh trên thương trường quốc tế và cả trên “sân nhà”.
Nhiều DN VN cho rằng tham gia AFTA, DN sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội. Theo tiến sĩ Hoa Hữu Lân - Viện Kinh tế Thế giới, quan điểm này bắt nguồn từ thực trạng yếu kém và năng lực cạnh tranh của DN trước các đối tác ASEAN. Đối chiếu với nội dung AFTA, nếu các DN VN có chiến lược, giải pháp đúng sẽ tận dụng được ba cơ hội lớn: AFTA tạo điều kiện thuận lợi mở cửa thị trường thông qua AFTA, các DN VN có cơ hội thuận lợi mở rộng hợp tác đầu tư chuyển giao công nghệ; các DN VN có khả năng rút ngắn khoảng cách tụt hậu.
Bốn thách thức của AFTA
Để gia nhập AFTA, DN VN có ít nhất 4 thách thức phải vượt qua. Thứ nhất, năng lực cạnh tranh yếu, năng suất lao động, hiệu quả các sản phẩm dịch vụ còn thấp. Trình độ công nghệ của VN hiện tụt hậu khoảng 25 - 30 năm so với Thái Lan, dẫn đến chi phí đầu vào cao hơn từ 30% - 50% so với các đối tác ASEAN khác. Lợi nhuận của các DN VN hiện nay chủ yếu tập trung trong một số DN độc quyền của Nhà nước nên không phản ánh được thực lực kinh doanh của các DN này. Thứ hai, vấn đề cân đối và sử dụng vốn để đầu tư và tái đầu tư sản xuất của các DN VN còn nhiều vấn đề bất ổn. Theo các số liệu, DN VN hiện nay cần phải huy động khoảng 20.000 tỉ đồng - chưa kể các nguồn vốn đầu tư đến cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất. Riêng nguồn vốn lưu động mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu. Thứ ba, phần lớn DN VN chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho quá trình hội nhập, chưa đưa ra được các chính sách, chiến lược thích ứng để tham gia AFTA. Khảo sát 66 DN của Báo Sài Gòn Tiếp Thị mới đây cũng cho thấy: Chỉ có hơn 1/2 DN có các cuộc họp chính thức bàn luận về AFTA; hơn 1/2 DN có giao nhiệm vụ chính thức cho cá nhân hay bộ phận trong công ty nghiên cứu về AFTA. Ngành dệt da may, tuy có nhiều DN nghiên cứu về AFTA sớm nhất, nhưng có gần 1/3 tổng số DN cho biết chưa xác định được chính sách và biện pháp đối với AFTA. Thứ tư, khả năng tiêu thụ nội địa chậm, hạn chế việc kích thích DN nâng cao hiệu quả sản xuất, cải cách cơ cấu mặt hàng...
Nhưng có DN không sợ AFTA
Đó là số DN tìm cách đương đầu AFTA từ rất sớm và đến năm nay thì khá bình thản, tự tin, điển hình là Vinamilk. Ngay từ những năm cuối 1999-2000, Vinamilk đã có ý thức đưa các sản phẩm sữa, bột dinh dưỡng... vào các nước ASEAN để “làm quen” trước khi họ vào đến mình. Còn tại “sân nhà”, Vinamilk đã liên tục đưa ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng cao nhưng giá thành thấp so với các sản phẩm nhập, để “đuổi” đối thủ. Mạng lưới phân phối của Vinamilk phủ kín cấp xã. Còn Công ty Bia Sài Gòn tìm cách đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu uống bia của nhiều tầng lớp người Việt, đầu tư cho thiết bị công nghệ để nâng cao năng suất, sản phẩm ngon hơn, bao bì đẹp hơn. Mới đây, để len vào thị trường bia cao cấp vốn là “miếng bánh” to của các hãng bia ngoại, Bia Sài Gòn đã cho ra đời sản phẩm mới Saigon Special, sản xuất từ 100% malt, chai lùn với quảng cáo khá ấn tượng: “Có lẽ bạn không cao nhưng người khác phải ngước nhìn”. Công ty TNHH Kinh Đô, ngoài việc phủ kín thị trường nội địa xuất khẩu sang các nước ASEAN... mới đây còn dự định đầu tư một nhà máy sản xuất ngay trên đất Mỹ. Công ty Biti’s đưa ra chính sách một giá trên toàn quốc, xây dựng thương hiệu gắn với hình ảnh “nâng niu bàn chân Việt”. Đặc biệt, đầu tư một nhà máy sản xuất giày dép Biti’s trên đất Trung Quốc - một đối thủ mạnh nhất.
Trước ngưỡng cửa AFTA, tồn tại hay không tồn tại, câu trả lời là của chính DN. Hay nói cách khác là AFTA sẽ tuyển chọn DN.
Yếu tố con người là quan trọng và quyết định Năm vấn đề cần chú trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh là: 1/ Đổi mới quản lý trong DN: Đổi mới quản lý tài chính, sử dụng đồng vốn sao cho có hiệu quả nhất. 2/ Đổi mới về thiết bị, công nghệ. 3/ Phát triển thị trường, phát triển mạng lưới kinh doanh, tăng cường quan hệ với người tiêu dùng. 4/ Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình quản lý sản phẩm. 5/ Nâng cao công tác quản lý, đào tạo nguồn lực. Trong 5 vấn đề này, yếu tố con người là quan trọng và quyết định hơn cả.
BÀ Phạm Chi Lan - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN:
Tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN, một mặt tạo ra thị trường rộng lớn để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, mặt khác, nếu DN trong nước không đủ mạnh và đủ sức để cạnh tranh thì sẽ bị hàng nhập đánh gục trên “sân nhà”. Từ thực tế cọ xát với DN qua các cuộc bình chọn hàng VN chất lượng cao (HVNCLC), và qua nhiều cuộc tọa đàm về vấn đề này, bà Kim Hạnh - Trưởng Ban Tổ chức hội chợ HVNCLC - đưa ra nhận xét: “DN VN đang tiến theo đúng quy luật của các DN trên thế giới, đạt dần đến một độ ổn định về chất lượng. Vấn đề cạnh tranh về chất lượng vì thế không còn là ưu tiên số 1, mà là sự cạnh tranh về thương hiệu, về giá, về dịch vụ hậu mãi và phân phối sản phẩm. Điều này đối với DN VN dường như còn xa lạ”. Theo nghiên cứu của một công ty tư vấn, 60% người tiêu dùng trên thế giới quan tâm đến thương hiệu khi mua sắm. Nhưng hiện nay, các DN VN mới chỉ đầu tư cho thương hiệu khoảng 1% doanh số. Trong khi các công ty nước ngoài, con số này là 5% - 7%. Còn mạng lưới phân phối ngay trên thị trường nội địa đã không ổn, nói chi đến nước ngoài. Ông Nguyễn Trọng Hạnh - Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM - nhận xét: “Hiện nay DN có ba xu hướng: Chẳng biết gì về hội nhập AFTA, cứ làm tới đâu hay tới đó. Một số DN thì “nhảy cao, đá lẹ”, tinh thông thời cuộc, có sự chuẩn bị nhưng là để... phân phối hàng hóa cho các DN khác. Mặt hàng nào có lời là bán, không cần thương hiệu, hoặc chưng thương hiệu người khác - kể cả hàng nhái thương hiệu. Chỉ có một số DN tìm cách đương đầu để tồn tại và phát triển. Số này không nhiều, chủ yếu tập trung vào các DN có HVNCLC”. Nguyễn Minh
Danh mục các mặt hàng theo lộ trình giảm thuế . Danh mục loại trừ hoàn toàn (không tham gia vào lịch trình cắt giảm thuế): Bao gồm những nhóm mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, cuộc sống và sức khỏe của con người, động thực vật; các giá trị lịch sử, nghệ thuật, khảo cổ như các loại động vật sống, thuốc phiện, thuốc nổ, vũ khí... Danh mục này chiếm 6,6% tổng số nhóm mặt hàng của biểu thuế nhập khẩu. . Danh mục các mặt hàng nông sản chưa chế biến: Đang được áp dụng các biện pháp phi thuế quan như quản lý theo hạn ngạch tiêu dùng, quản lý của bộ chuyên ngành. Danh mục này gồm 26 nhóm mặt hàng, chiếm 0,8% tổng số. Gồm các mặt hàng cụ thể như: thịt, trứng gia cầm, động vật sống, thóc, gạo lứt... . Danh mục cắt giảm thuế ngay: Chủ yếu bao gồm những mặt hàng trong biểu thuế hiện đang có thuế suất dưới 20%, và một số mặt hàng tuy có thuế suất cao nhưng VN đang có thế mạnh về xuất khẩu. Tổng số nhóm mặt hàng trong danh mục này là 1.661, chiếm 51,6%. . Danh mục loại trừ tạm thời: Danh mục này chiếm khoảng 40,9% tổng số các dòng thuế, chủ yếu là những mặt hàng: - Các loại ô tô (trừ các loại ô tô dưới 16 chỗ ngồi) - Xe đạp, các loại đồ chơi trẻ em. - Các loại máy gia dụng. - Các loại mỹ phẩm và đồ dùng thiết yếu. - Các loại vải sợi, một số đồ may mặc. - Các loại sắt thép. - Các sản phẩm cơ khí thông dụng. (Nguồn: Phòng TM - CN VN) |