Dùng không mua, mua không dùng

Khi soạn quần áo cho người yêu, T. Hà dừng lại khá lâu ở những chiếc… quần lót. Chúng xỉn màu, sùi lông… trông chẳng hấp dẫn tí nào. Chiều hôm đó, cô đi dạo một vòng qua các shop thời trang nam giới “tìm hiểu thị trường”, rồi hí hửng nhắn tin cho chàng: “Anh ơi, anh sắp nhận được món quà rất đặc biệt!”.

Nữ giới quyết định mua sắm

img
Các quảng cáo thường xây dựng hình ảnh các ông săn chắc, đầy bản lĩnh cùng với chiếc quần lót hấp dẫn. Ảnh: Hồng Thái

Theo nghiên cứu hành vi tiêu dùng của các nhãn hiệu tại Việt Nam, trang phục lót nam là sản phẩm thường được nữ giới mua hoặc là người tác động chính để nam giới quyết định mua. Vì vậy, tuy “chủ thể” là nam giới nhưng các thiết kế – mẫu mã thường bị tác động bởi sở thích, gu thẩm mỹ của nữ giới.

Chị Nguyễn Như Mai ở quận 3, kể: “Tôi chọn quần lót cho chồng là loại có dãy thun bản rộng, chất liệu cotton, co giãn tốt, màu không quá sáng, khoảng 20.000 – 30.000đ/cái. Còn mua cho con trai thì ưu ái hơn, tôi chọn hàng có thương hiệu, màu sắc trẻ trung, giá khoảng 70.000 – 80.000đ/cái. Vì nó đang tuổi lớn, biết điệu rồi”.

Chị T. Hà đã kể ở trên thì khoe: “Sau khi mặc thử mấy mẫu quần lót tôi chọn, anh ấy rất thích và bảo từ nay nhờ tôi mua giúp luôn”.

Đa số các ông không quan tâm lắm đến chiếc quần “bé xíu” này. Hồ Văn Nam, nhân viên văn phòng ở quận 6 cho biết: “Lúc chưa lập gia đình thì mẹ tôi mua. Khi có vợ thì việc này bàn giao qua vợ. Đối với tôi, chỉ cần mặc thấy thoải mái là được”.

Tuy nhiên, các nhà kinh doanh cũng nhận định: những năm trước đây, nam giới Việt Nam khá dễ tính về lựa chọn chất liệu, mẫu mã, nhưng gần đây đã có sự thay đổi, đặc biệt ở phân khúc khách hàng trẻ tuổi.

Trần Anh Dũng, 25 tuổi, ở quận 3, một “tín đồ” của hàng hiệu cho biết: “Tôi thường vô shop hoặc trung tâm thương mại mua quần lót. Chỉ mua Pierre Cardin hoặc Calvin Klein vì tôi quan tâm nhiều đến chất lượng và thương hiệu, khi sử dụng có cảm giác rất thoải mái”.

Dũng cũng cho biết thêm, anh chỉ thích xài quần boxer (loại quần dài hơn quần lót thông thường nhưng ngắn hơn quần soọc), màu ưa thích là trắng, đen và xám vì đơn giản nhưng sang trọng, có gu “tây”. Loại quần boxer tiện dụng cả khi mặc với quần tây ở công sở hoặc cũng phù hợp khi mặc ở nhà, chỉ cần khoác thêm chiếc áo thun là đủ lịch sự. Quần boxer có dáng ôm vừa phải và vẫn tạo được sự thoải mái. Theo tiết lộ của một số phụ nữ, khi nam giới mặc quần boxer trông họ “sexy” nhất.

Đồ “nhỏ” mà không nhỏ

Cũng không kém phần đa dạng nếu so với thời trang nữ, quần lót cho nam giới hiện nay có nhiều chất liệu như: thun lạnh, thun bốn chiều, lưới, cotton. Gần đây có thêm chất liệu polyamide, elastane để tăng độ đàn hồi và thấm hút cho quần lót. Kiểu dáng có ba loại là quần tam giác thông dụng, quần lọt khe và boxer.

Theo ông Nguyễn Khoa Văn, Giám đốc Công ty Anh Khoa, nhãn hiệu Rock, yêu cầu kỹ thuật về thông số chuẩn của trang phục lót cao hơn so với trang phục mặc ngoài. Việc kinh doanh mặt hàng tưởng như không quan trọng này cũng đòi hỏi sự theo sát các xu hướng thời trang trên thế giới và rất cần sự khác biệt, thậm chí chấp nhận việc sản xuất số lượng ít, đồng nghĩa với hiệu quả doanh thu không cao, để tạo được giá trị thương hiệu.

Thông thường thời trang tại Việt Nam (bao gồm cả underwear fashion – thời trang đồ lót) luôn đi chậm hơn thời trang thế giới, ví dụ tông màu tím của thời trang thế giới đi trước Việt Nam gần 1,5 năm. Thị trường thời trang trang phục lót Việt Nam sẽ dịch chuyển theo xu hướng thời trang chung của thế giới.

Gần đây, với tác động và ảnh hưởng của các kênh thông tin về chất lượng sản phẩm may mặc ảnh hưởng đến hệ bài tiết, da, vệ sinh cơ thể, nam giới đã quan tâm hơn về vấn đề chất lượng khi lựa chọn sản phẩm. Đồng thời, với đặc trưng của đồ lót, sản phẩm cần phải tạo được sự thoải mái dễ chịu, kết hợp với các thiết kế hợp thời trang, thể hiện được nét nam tính, mạnh mẽ và giá cả hợp lý. Có như vậy mới chinh phục được khách hàng.

Sản phẩm nhạy cảm cần quảng cáo tinh tế

Theo chủ một doanh nghiệp kinh doanh đồ lót, doanh số mặt hàng này ở siêu thị vào khoảng 70 triệu đồng/tháng, ở các showroom là 40 triệu đồng/tháng. Khách hàng mua quần lót nam đa số là nữ đến mua cho chồng, con trai hoặc bạn trai…

Có lẽ vì vậy mà các quảng cáo đồ lót cho nam giới thường hướng tới đối tượng là phụ nữ. Các quảng cáo thường xây dựng hình ảnh các quý ông săn chắc, đầy bản lĩnh cùng với chiếc quần lót hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu quảng cáo không khéo, khách hàng rất dễ bị “dị ứng” với cách tiếp thị mặt hàng nhạy cảm này.

Chị Mai, nhân viên Công ty SM sau khi xem một quảng cáo quần lót nam, nhận xét: “Người mẫu thì vạm vỡ đứng hiên ngang, chiếc quần lót nhỏ xíu phô ra hết mọi thứ, trông thô thiển hết chỗ nói. Tôi thấy một số quảng cáo trông rất lịch sự mà vẫn hấp dẫn. Chẳng hạn như người mẫu đứng nghiêng, làm một vài động tác hình thể thật ấn tượng hoặc mặc thêm chiếc áo lót, nhìn cũng rất gợi cảm mà không bị phô”.

Từng có nhãn hiệu đồ lót nam giới dùng lời lẽ quảng cáo khoa trương quá mức, như “giúp cải thiện tình trạng sinh lý”. Không có cơ sở khoa học và nói quá sự thật, những quảng cáo như vậy vô tình giết chết thương hiệu.

Thị trường tăng trưởng 30%/năm

Quần lót nam dạng cao cấp có các hãng Pierre Cardin, Calvin Klein, Giovani giá từ 300.000 – 1.200.000đ/cái. Nhãn hiệu sản xuất tại Việt Nam như: Rosso, Rock, Jockey, Relax có giá từ: 30.000 – 200.000đ.

Cùng nhãn hiệu, nhưng giá của loại quần nhập nguyên chiếc từ nước ngoài về cao gấp sáu lần so với loại sản xuất trong nước. Hàng chợ bình dân giá từ 10.000 – 30.000đ. Calvin Klein, Giovani, Tommy, Puma, Versace... đều có hàng nhái, giá từ 50.000 – 80.000đ.

Ngay cả Rosso và Rock mặc dù có hệ thống showroom nhưng cũng có hàng nhái. Có thể nói, thị trường đồ lót nam đang khá sôi động, các sản phẩm phục vụ cho quý ông ngày càng được chú ý.

Thời trang PT 2000 cũng vừa tham gia vào thị trường quần lót nam với chiếc quần hiệu Body Talk có giá 140.000đ/3 cái