Miễn, giảm thuế: Chưa ngã ngũ!
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng đề xuất miễn, giảm thuế của Chính phủ chưa trúng đối tượng cần hỗ trợ và không giải quyết được tận gốc khó khăn
Đề xuất miễn, giảm, dãn thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày trước Quốc hội (QH) chiều 21-7.
Miễn, giảm khoảng 6.400 tỉ đồng
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết miễn, giảm, dãn thuế tại thời điểm này là giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và ổn định đời sống người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Chính phủ cũng đề xuất giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2011 đối với DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động trên một số lĩnh vực. Giảm 50% thuế khoán 6 tháng cuối năm đối với các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhà trọ cho công nhân, sinh viên, học sinh; người trông giữ trẻ, cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện không tăng giá so với cuối năm 2010.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói: “Tổng số thuế miễn, giảm trong hai năm 2011-2012 là khoảng 6.400 tỉ đồng. Bù đắp cho số này, Chính phủ sẽ tăng thu thuế từ dầu thô, thuế nhập khẩu mặt hàng xa xỉ như ô tô dưới 9 chỗ ngồi và thuế tài nguyên. Ngoài ra, còn có nguồn tăng thu từ các giải pháp chống thất thu thuế.
Quyết định vào cuối kỳ họp
Tuy nhiên, Chính phủ chưa nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, dù đa số ý kiến trong ủy ban này đều thống nhất rằng miễn, giảm thuế trong bối cảnh khó khăn là cần thiết.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, đối tượng thuộc diện chịu thuế TNCN trong khu vực hành chính sự nghiệp chỉ có 172.288 người, còn đối tượng thuộc khu vực kinh doanh là 678.860 người, chiếm tỉ lệ quá thấp trong tổng số hơn 87 triệu dân. Vì vậy, miễn thuế không tác động đến đa số người có thu nhập thấp, người lao động nghèo và người làm công ăn lương vì họ không thuộc diện chịu thuế TNCN.
Việc có giảm thuế hay không sẽ được quyết định vào cuối kỳ họp, trong phiên thảo luận sáng 5-8.