Người đổi mít lấy...đô-la!

Singapore - một ngày giữa tháng 11-2005. Lang thang trong siêu thị khổng lồ People’s Park ở khu phố Tàu, tôi với tay nhón một bao thực phẩm đóng gói, định mang về VN làm quà.

Cái gì đây? Một thương hiệu “rặt” VN: Vinamit, ngạc nhiên chưa!!!

Đầu năm 2006, tại TPHCM, tôi có dịp trò chuyện cùng người đưa trái mít VN ra thế giới: Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit.

. Phóng viên: Nông sản là những mặt hàng xương xẩu, thường có giá trị thấp. Lý do nào khiến ông chọn trái mít, và về sau thêm củ khoai lang, khoai môn, quả chuối, quả xoài... để chế biến và xuất khẩu?

- Ông Nguyễn Lâm Viên: Sau khi rời Nông trường Sông Ray (Phú Yên) về TPHCM vào năm 1985, tôi làm Tổ hợp mây tre lá Đồng Tâm, sau đó là Xí nghiệp Liên doanh mây tre lá Nhà Bè. Nguyên liệu là cây mây, cây gỗ trong rừng, chặt hoài rồi cũng hết, trong khi cây trái của nông dân ăn không hết, bán lại rẻ, sao không tận dụng nguồn nguyên liệu đó. Thêm nữa, 15 năm trước ít ai dám làm ăn mạo hiểm. Tôi cũng thuộc số đó. Mình là dân nông lâm, hiểu nông dân, nên làm ăn với nông dân chắc cú hơn. Khoảng cuối những năm 1980 đầu 1990, tôi khăn gói qua Đài Loan học công nghệ chân không áp dụng trong chế biến nông sản.

. Ra khỏi liên doanh Nhà Bè, tiền không có, tên tuổi cũng không, ông xoay xở vốn thế nào để khởi nghiệp?

- Ban đầu, tôi gõ cửa các cơ quan tài chính ở TPHCM nhưng thất bại. Ông Nguyễn Hữu Định hồi đó là giám đốc Công ty Vàng bạc - Đá quý Sài Gòn, dù rất thương tôi, nhưng cũng đành khuyên một câu rất... “cơ chế”: “Cậu vào quốc doanh mà làm, mới mượn được tiền”.

Trở về, tôi nghĩ mình không tiền, nhưng vốn thì chẳng thua ai. Vốn của tôi là kiến thức đã học từ Đài Loan về công nghệ chân không và mặt hàng mít sấy lần đầu tiên có mặt tại Đông Nam Á đang ấp ủ trình làng. Một nguồn vốn quan trọng nữa là khách hàng. Họ chuộng hàng mình, tin mình thì sẽ ứng tiền trước. Tôi còn đi bỏ mối đồng hồ, buôn xe máy để góp từng đồng dành khởi nghiệp. Năm 1992, nhà máy được xây dựng ở Thủ Đức, lúc đó tôi mới gom được 4.000 USD trong tay, giấc mộng làm ăn thì lớn lắm nhưng không dám “bung”. Quy mô Công ty Deltafood Sài Gòn (Đức Thành) hồi ấy chỉ bằng 1/5 bây giờ.

. Được biết lô hàng đầu tiên ông “đánh” sang Đài Loan vào năm 1991 gồm 2 tấn mít và chuối sấy khô, khá thành công. Khách hàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho ông 6 năm. Thuận lợi như thế, sao không sớm bung ra làm ăn?

- Lúc đó ai cũng bảo là làm vừa thôi, làm quá là “chết” ngay vì “bị chú ý”. Tôi cũng thấy thế, khổ lắm. Ông thuế, ông hải quan, ông thị trường... nhòm ngó riết. Ba năm sau, tôi thấy cứ duy trì kiểu làm ăn an phận là không được. Ngay cả các đối tác đều muốn Deltafood làm ăn lớn, đặt hàng vài trăm container mỗi năm, thì tự trói mình đồng nghĩa với thất bại. Năm 1995, tôi quyết định xây nhà máy tại xã Tân Định (Tân Uyên - Bình Dương). Việc đầu tiên tôi làm cho chiến dịch mở rộng kinh doanh này là bắt tay với... nông dân.

. Những nông dân vùng sâu, vùng xa các tỉnh Bình Dương, Bình Phước... được lợi gì từ dự án làm ăn của ông?

- Họ được lợi rất nhiều. Trước đây chúng tôi đặt hàng nông dân, thu mua mít trái. Ba năm nay chúng tôi quy hoạch các vùng chuyên canh rộng lớn tại Bình Dương và Bình Phước để nông dân trồng mít và một số loại cây lấy quả, củ khác; dạy cho họ quy tắc ứng xử kinh doanh... Nông dân được cam kết bao tiêu đầu ra trong thời hạn 8 năm và giá thu mua tính theo thị trường, nhưng giữ mức giá sàn 2.000 đồng/kg mít múi. Mỗi mùa thu hoạch, với 1 ha cây trồng, mỗi hộ thu lợi từ 70 - 80 triệu đồng. Chúng tôi đang thực hiện kế hoạch xây nhà máy (công suất 10.000 tấn/năm) và vùng nguyên liệu rộng 200.000 ha tại huyện Krông Buk (Đắk Lắk). Tạo đà cho nông dân làm ăn, mấy anh lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk thấy sướng, hỗ trợ hết mình. Chính nông dân là hậu phương của Vinamit, và nhờ Vinamit, trái cây của họ được tiếp cận thị trường quốc tế.

. Đưa được nông sản vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Singapore... không dễ. Bí quyết nào giúp Vinamit thâm nhập và khai thác tốt các thị trường này?

- Phải trở lại những năm 1990 mới cảm nhận được sự sung sướng tột cùng khi sản phẩm của chúng tôi vào Mỹ, vào Nhật dễ... như đi chợ – điều mà rất nhiều doanh nghiệp VN có nằm mơ cũng không thấy! Sản phẩm tự nhiên, không một chút hóa chất, khả năng vi sinh tuyệt vời, không cần chất xúc tác vẫn tự bảo quản tốt... nên các cơ quan kiểm dịch nước ngoài “ừ” cái rẹt!

Ngay cả các siêu thị lớn ở Nhật Bản ban đầu cứ yêu cầu công bố dư lượng thuốc trừ sâu, nhưng nói thiệt, nông dân mình trồng mít, trồng chuối... ai dư hơi đâu mà phun thuốc trừ sâu! Thế là hàng vào Nhật Bản ào ạt, thắng to. Không chỉ các doanh nghiệp thực phẩm trong nước mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng trầm trồ ngạc nhiên. Có lần tôi đem hàng qua triển lãm ở Malaysia, nhiều doanh nhân nước ngoài tròn mắt: “Vietnam?”. Họ chẳng tin hàng nông sản VN mà được như vậy nên cứ hỏi hoài, buộc nhân viên của tôi sau đó phải nói là hàng của Thái Lan cho... đỡ mệt! Bây giờ, nông sản sấy của Vinamit đã có mặt tại hơn 10 nước, doanh thu tăng hằng năm hàng chục tỉ đồng. Năm 2005, Deltafood đổi tên thành Vinamit và tập trung phát triển “sân nhà”. Tôi tự hào về nông sản và những nông dân VN, tự an ủi sự hy sinh, phấn đấu miệt mài của mình đã được đền đáp xứng đáng.

Làm giàu khó hay dễ?

Làm giàu không khó, nhưng không dễ. Vì dễ thì ai cũng có thể làm giàu. Cái khó là làm thế nào để trở thành một doanh nhân thành công. Điều đó rất cần sự trải nghiệm. Hôm nay trúng mánh, anh giàu. Nhưng ngày kia gặp khó khăn, nếu không đủ trải nghiệm để tháo gỡ khó khăn thì tiền cũng sẽ hết. Cái gì mau đến sẽ mau đi.

Nhiều người nói làm kinh tế thì phải vì tiền. Tôi quan niệm khác. Tôi làm kinh tế vì say sưa con đường mình đã chọn và đó là con đường đúng, dù rất chông gai. Đầu tư vào nông sản, làm ăn với nông dân, đó là những thách thức, nhưng tôi chấp nhận. Ngày trước tôi không có lý tưởng như bây giờ đâu. Nhưng rồi qua thời gian cùng ăn, cùng ở với nông dân, chứng kiến nỗi đau của họ mỗi khi mất mùa, mới thấu hiểu rằng bản thân mỗi người làm kinh tế phải có trách nhiệm với cộng đồng và thực hiện trách nhiệm đó.

Những gì đã có hôm nay khiến tôi đã phải đánh đổi. Vợ tôi chia tay tôi dắt con qua Mỹ sống vì sự bấp bênh, rủi ro của một người-chồng-doanh-nhân. Ở một góc nhìn nào đó, cái giá tôi trả như vậy là đắt, nhưng tôi biết chấp nhận. Tôi luôn tâm niệm và muốn chia sẻ với các đồng nghiệp: Hãy để ánh mắt cộng đồng nhìn mình bằng cảm xúc.