Phải chuẩn bị sẵn phương án đối phó

Cuộc khủng hoàng tài chính Mỹ và thế giới liệu có gây ra sự đổ vỡ toàn cầu hay không là câu hỏi đang được cả thế giới đi tìm lời giải đáp và VN sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Trong một bài bình luận trên tờ báo The Guardian, GS Joseph Stiglitz, người đoạt Giải Nobel kinh tế năm 2001, nhận xét cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay bắt đầu từ sự sụp đổ niềm tin. Các ngân hàng đánh đố lẫn nhau về mức độ cho vay cũng như tài sản. Những giao dịch phức tạp được tạo ra để loại bỏ rủi ro và cũng để che giấu sự mất giá tài sản thực của ngân hàng.

Khi thua lỗ, cả thị trường xuống dốc và mọi người đều bị thua lỗ. Thị trường tài chính xoay quanh trục nguyên tắc tin cậy và độ tin cậy đó đã bị xói mòn, xuống cấp. Lehman Brothers - ngân hàng lớn thứ tư nước Mỹ, có tuổi đời hơn 158 - năm vừa tuyên bố nộp đơn bảo hộ phá sản hôm 15-9 chính là biểu tượng đánh dấu độ tin cậy đã xuống mức thấp và dư âm cũng như hậu quả của nó sẽ còn kéo dài.

Hiệu ứng domino

Chuyên gia tài chính quốc tế Bùi Kiến Thành nhiều lần nhấn mạnh trên Báo Người Lao Động rằng, cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ việc các ngân hàng Mỹ quá dễ dãi, tùy tiện khi cho khách hàng vay tiền hay thế chấp tài sản để mua bất động sản qua các hợp đồng cho vay không đạt tiêu chuẩn. Trong 22.000 tỉ USD giá trị bất động sản tại Mỹ thì có tới hơn 12.000 tỉ USD là tiền đi vay, trong đó khoảng 4.000 tỉ USD là nợ xấu. Cơn chấn động tài chính ở Hoa Kỳ chắc chắn sẽ khiến nhiều thị trường tài chính, nhiều ngân hàng trên khắp thế giới bị rung động theo bởi hàng loạt ngân hàng lớn trên thế giới đã cho Lehman Brothers vay tiền.

Trong chuyến công tác tại VN, ngày 18-9, ông Dominic Barton, Chủ tịch châu Á của Mc Kinsey - tập đoàn tư vấn doanh nghiệp hàng đầu thế giới, phân tích: Việc cho vay sai lầm thổi bùng ngọn lửa. Trong tất cả các cuộc khủng hoảng chúng ta đã thấy, các tổ chức tài chính không chỉ tiếp tục cho các doanh nghiệp không ổn định vay mà còn tăng việc cho vay vốn, đôi khi ở mức rất cao.

Họ xa rời lĩnh vực chuyên môn của mình để sang lĩnh vực cung cấp các khoản vay cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp có hoạt động rủi ro cao. Nghiệp vụ ngân hàng yếu kém là nguyên nhân chính của những bước đi sai lầm này. Thêm vào đó, trầm trọng hơn, là mối quan hệ thân thiết đáng ngờ giữa các ngân hàng và con nợ của mình, áp lực của chính phủ phải cho vay để tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế và sự bất cẩn xảy ra cùng với quá trình phi điều tiết và làn sóng vốn đầu tư nước ngoài tràn vào nền kinh tế. Tất cả những hành động trên dẫn tới việc tích nợ xấu nhanh và không bền vững.

Liệu có nên so sánh cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay với cuộc đại suy thoái năm 1929? Một chuyên gia tài chính thận trọng nói rằng hầu hết các nhà kinh tế tin rằng thế giới có các công cụ tài chính, tiền tệ, tài khóa và biết cách tránh những sụp đổ quy mô lớn như năm 1929. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Bộ Tài chính Mỹ, cùng nhiều ngân hàng trung ương và các bộ trưởng tài chính từ nhiều nước khác nhau có khả năng đưa ra các chính sách cứu nguy. “Cuộc khủng hoàng tài chính Mỹ liệu có gây ra sự đổ vỡ toàn cầu hay không?

Theo cá nhân tôi, chắc là không đến mức đấy, vì những bộ óc lớn, có trách nhiệm của 5-7 nước có nền kinh tế mạnh đang liên kết cùng can thiệp và sự thực thì sự can thiệp nhà nước rất quan trọng. Có thể sau sự kiện này, bức tranh quyền lực thế giới sẽ thay đổi, bộ mặt tài chính quốc tế sẽ phải thay đổi nhiều theo hướng tăng cường kiểm soát” – TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, nhận định.

Chưa thể trông cậy vào những tín hiệu ngắn hạn

Trong các ngày 18 và 19-9, thị trường chứng khoán (TTCK) Nhật Bản và Mỹ đã “xanh” trở lại, chứng khoán châu Âu tăng mạnh sau khi Chính phủ Mỹ đưa ra đề án mua hàng tỉ đô la nợ xấu có liên quan tới thị trường thế chấp mua nhà của các ngân hàng Mỹ. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng hơn 8%. Tại Paris, chỉ số Cac tăng thêm 7,5%. Cổ phiếu của các hãng tài chính tăng nhiều nhất: Ngân hàng Royal Bank of Scotland và HBSO có lúc tăng tới hơn 50%. Các bước đi nhằm hạn chế việc bán khống (short-selling) tại Mỹ và Anh cũng khiến các thị trường toàn cầu phục hồi, giúp chặn tình trạng mất giá không phanh hồi đầu tuần.

Tuy nhiên, ông Bùi Kiến Thành vẫn hết sức thận trọng. Đây là những dấu hiệu tích cực nhưng chưa thể chắc chắn về một khả năng nào bởi nhiều ngân hàng Mỹ đã bán các hợp đồng cho vay bất động sản có thế chấp cho những tổ chức tài chính ở phố Wall để phát hành thành những trái phiếu có bảo đảm từ những khoản cho vay bất động sản với điều kiện dễ dãi ra khắp thế giới. Do đó chưa thể tính toán được tác động khủng khiếp của cơn địa chấn này.

Đối phó với “siêu bão”

TS Nguyễn Quang A nói một cách hình ảnh: “Mặc dù cách xa nước Mỹ nhưng người ta hắt hơi mình cũng đã rét run cầm cập. Mức độ ảnh hưởng đến VN thế nào còn phải nghiên cứu nhưng ảnh hưởng tâm lý thì đã rõ, thông qua sự biến động của TTCK tuần qua.Vừa rồi, quỹ đầu tư Dragon Capital có báo cáo ngân hàng nước ngoài tại VN đã ngừng bán USD và cuối tuần này mua vào 200 triệu USD. Như vậy việc tìm nguồn vốn tín dụng của VN sẽ rất khó, giải ngân vốn FDI cũng không thể dễ dàng”.

TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội) nhấn mạnh cơn bão tài chính hiện nay là bài học đầu tiên cho quản trị ngân hàng và quản lý Nhà nước về ngân hàng. Với chứng khóan, VN cũng nằm tổng mạch sụt giảm toàn cầu, thể hiện khi chứng khoán của các ngân hàng giảm kéo theo tổng VN- Index giảm. Đặc biệt là khả năng cho vay liên hoàn giữa các ngân hàng ảnh hưởng theo phải thu gọn lại và cẩn thận hơn khi cho vay. Do đó chắc chắn hoạt động tín dụng cho vay ngân hàng và hoạt động các công ty chứng khoán giảm.

Trước hết ngân hàng phải rà soát lại các khoản vay, bao gồm những khoản vay dưới chuẩn trước tín chấp lẫn nhau, cho vay vượt mức thế chấp và cho vay đầu tư cơ hội; xem lại cơ cấu cho vay. Các ngân hàng phải xây dựng hệ thống tiêu chí mới để cho vay đúng chuẩn. Xây dựng cho được hệ thống thông tin về khách hàng. Vừa qua, World Bank đánh giá VN có tiến bộ trong khâu này nhưng chưa nối mạng và đa dạng mà chỉ là hệ thống của một vài ngân hàng với nhau. Lẽ ra cả hệ thống ngân hàng có một danh sách chung liên thông những “trang đen”, để quản lý khách hàng, từ đó mới có thể phòng ngừa chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.

Tóm lại, Ngân hàng nhà Nước có hai việc lớn: Xây dựng bộ tiêu chí chuẩn cho các ngân hàng; hoàn thiện cơ chế giám sát quốc gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trong đó ngân hàng VN chống cho vay đầu cơ, cho vay tăng trưởng, cốt có lợi trước mắt ảnh hưởng đến hệ thống.

Ngay từ cuối năm 2007, đầu 2008 khi cả nước còn đang phấn khởi với kết quả khả quan: GDP tăng cao, vốn đầu tư nước ngoài đổ vào kỷ lục, chuyên gia Bùi Kiến Thành đã nhiều lần cảnh báo cần chú ý với cơn bão tài chính đang hình thành. Thậm chí, ngay từ lúc đó ông Thành đã cho rằng cần phải có một cơ quan chỉ đạo “phòng chống cơn bão” này giống như Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống lụt bão trong đối phó với thiên tai. Đến nay, ông Thành vẫn nhấn mạnh đề xuất này, bởi cả thế giới vẫn chưa thể biết chắc rằng cơn bão tài chính này sẽ tác động tới đâu nhưng hậu quả để lại cho năm 2009 sẽ hết sức nặng nề.

Thêm nữa, theo TS Nguyễn Quang A, trong cơ cấu xuất khẩu của VN, hàng xuất vào Mỹ chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu VN. Kinh tế Mỹ suy giảm, người dân sẽ giảm mua, nhất là đối với các mặt hàng không thiết yếu như quần áo, giày dép, nên hàng triệu lao động của VN trong ngành hàng này sẽ bị ảnh hưởng. “Tôi cho rằng cần phải tỉnh táo theo dõi và lập sẵn các kịch bản ứng phó mới giảm được tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính như hiện nay”- TS Nguyễn Quang A nói.

Sự kiện:

- Ngày 14-9, Ngân hàng Đầu tư Merrill Lynch có bề dày 94 năm, 60.000 nhân viên, quản lý số tài sản 1.600 tỉ USD, bị Bank of America thâu tóm.

- 15-9, Lehman Brothers – một ngân hàng đầu tư 158 tuổi, có vốn cổ phần 58 tỉ USD, 26.000 nhân viên bị phá sản.

- 16-9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cứu AIG – công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới 89 tuổi- có 116.000 nhân viên, 64 triệu khách hàng tại 130 quốc gia.

- 17-9, việc cứu trợ của Chính phủ Mỹ khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bị đẩy lên cao, tình hình tài chính rất rối ren.

- 18-9, 6 ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn bơm gần 200 tỉ USD cứu hệ thống ngân hàng. Chính phủ các nước bàn cách mua lại các khoản nợ xấu, thậm chí cấm bán khống chứng khoán.

Tác động đến TTCK toàn cầu:

- 15-9, chỉ số DJ giảm 504 điểm, tương đương 4%. TTCK Âu, Á giảm 3%-5%.

- 16-9, TTCK châu Á không thay đổi, TTCK châu Âu giảm, DJ không thay đổi, VN- Index giảm 4,36%.

- 17-9, DJ giảm 449 điểm (4%), TTCK châu Âu và Á đều giảm, VN- Index giảm 4,1%.

- 18-9, DJ tăng 410 điểm (3,9%), TTCK châu Âu tăng, TTCK châu Á giảm; VN- Index giảm 4,1%.

- 19-9, TTCK châu Á tăng 3%-9%, VN Index tăng 4,72%.

(Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển IDS)