Thiếu xe, hàng ứ đầy bãi
Sau 2 ngày thực hiện Nghị định 34/CP, lượng xe container ra vào cảng Cát Lái giảm gần 30% làm cho việc vận chuyển hàng xuất nhập khẩu gặp khó khăn
Cảng Cát Lái là cảng container lớn nhất nước, chiếm 80% lượng hàng hóa xuất nhập bằng container của khu vực TPHCM và chiếm trên 45% lượng container xuất nhập khẩu của cả nước. Thế nhưng, 2 ngày qua, cảng này đang chịu áp lực rất lớn, có nguy cơ tê liệt hoạt động vì hàng hóa ứ đọng do thiếu phương tiện vận chuyển.

Hàng hóa chất đầy bãi do thiếu xe vận chuyển (Ảnh chụp tại cảng Cát Lái lúc 15 giờ 45 phút ngày 2-7). Ảnh: HOÀNG NHÂN
Cảng sẽ tê liệt, nếu...
Ngày hôm qua (2-7) - ngày thứ hai thực hiện Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 của Chính phủ - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, tài xế điều khiển ô tô sơ mi rơ-moóc (SR), xe container phải có giấy phép lái xe hạng FC (Báo NLĐ đã thông tin).
Thông thường, lúc 10 giờ và 15 giờ mỗi ngày, xe container nối đuôi nhau dài cả km chờ ra vào cảng nhưng ngày 2-7 thì vắng hẳn. Bên trong cảng, không khí giao nhận hàng vắng như những ngày nghỉ lễ. Trước thời điểm ngày 1-7, bình quân mỗi ngày, có khoảng 11.000 xe ra vào cảng Cát Lái nhưng ngày 2-7 lượng xe đã giảm khoảng gần 30%.
Thiếu tá Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết: Để tránh tình trạng hàng hóa ùn tắc, cảng Cát Lái đã điều chỉnh, sắp xếp bến bãi hợp lý để tăng dung lượng chất xếp container, cùng với việc chủ động làm việc với cơ quan hải quan để chuyển bớt hàng bằng sà lan về Tân Cảng, giảm bớt áp lực cho cảng Cát Lái. Thế nhưng, với tình hình như hiện nay, mỗi ngày, lượng hàng nhập khẩu bình quân chuyển ra khỏi cảng giảm 30% đến 35% so với các tuần trước và nếu tình trạng này không được cải thiện, chỉ khoảng hai tuần nữa cảng có thể bị tê liệt.
Hàng xuất khẩu tổn thất lớn
Ông Đỗ Hà Nam, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Intimex TPHCM, mấy ngày qua, hàng xuất ứ đọng, chất đầy kho nhưng chưa biết phải làm sao. Doanh nghiệp (DN) này đã tính đến phương án mang hàng rời đến cảng rồi thuê đóng vào container để xuất nhưng chi phí phát sinh quá lớn, chưa kể việc thuê mặt bằng trong cảng không hề đơn giản. Cũng theo ông Nam, mỗi ngày, DN của ông xuất khẩu 1.000 tấn nông sản, cần đến 50 container nhưng từ ngày 1- 7 đến nay, mỗi ngày, chỉ đưa ra cảng chưa tới 200 tấn hàng.
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Xuất khẩu Thủy sản Đà Nẵng, cho biết thiệt hại do thiếu xe container là rất lớn vì phần lớn các DN xuất khẩu ở miền Trung đều vận chuyển hàng bằng container vào các cảng phía Nam để xuất khẩu.
Thông tin từ các DN dệt may, giày dép, hoạt động sản xuất đang đình đốn do không lấy được nguyên liệu nhập khẩu từ cảng về nhà máy. Ngược lại, hàng làm xong cũng không xuất đúng hẹn được.
Ông Nguyễn Văn Bé, Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Khai thác kinh doanh KCX Sài Gòn - Linh Trung kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Các DN KCN TPHCM, cho biết nếu tình trạng này kéo dài thêm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất.
Doanh nghiệp vận tải container “nằm không”
Ông Lê Văn Sáng, Giám đốc Công ty Vận tải container Huy Chí, cho biết công ty này có 18 đầu kéo xe container nhưng 2 ngày qua, họ không dám đưa xe ra đường vì không có tài xế nào có giấy phép lái xe hạng FC. So với trước đây, mỗi đầu xe kéo thiệt hại từ 4 - 6 triệu đồng/ngày. Cũng theo ông Sáng, cho dù việc thông báo đã có từ trước nhưng thủ tục để có giấy phép lái xe hạng FC rất nhiêu khê, trường dạy thì không có thầy, không có xe container để dạy nên DN lúng túng.
Ông Lương Minh Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM, cho biết TPHCM và một số tỉnh lân cận có gần 15.000 đầu kéo container nhưng cho đến nay, tại khu vực này mới chỉ có 2.200 tài xế có giấy phép lái xe hạng FC. Theo ông Trung, vấn đề bất hợp lý từ cơ quan chức năng đã dẫn đến tình trạng tài xế không chuyển đổi được bằng lái chứ không phải lỗi hoàn toàn từ DN vận tải hay tài xế.