Tiếp tục nhập vàng để hạ sốt
Sáng 9-11, giá vàng tăng mạnh, có lúc đến sát mức 39 triệu đồng/lượng, USD cũng tăng. Sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố tiếp tục cho nhập khẩu vàng, lập tức giá vàng và USD lao dốc
Thực tế trên cho thấy giá vàng tăng mạnh chính là do yếu tố tâm lý. Bên cạnh những người thực sự cần mua vàng để trả nợ, không ít người nghĩ giá vàng sẽ còn tăng nữa nên tung tiền ra mua hòng kiếm lời, khiến giá vàng tăng vùn vụt.
Ào ạt mua vàng, tỉ giá ăn theo
Tại một tiệm vàng trên đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh - TPHCM lúc 10 giờ ngày 9-11, hàng chục khách hàng ngồi chờ mua vàng. Theo chủ tiệm, lúc 7 giờ, giá vàng bán ra chỉ trên 36 triệu đồng/lượng nhưng một giờ sau, các ngân hàng (NH) niêm yết giá mua vào lên tới 37 triệu đồng/lượng, đồng thời sức mua bất ngờ tăng nên các tiệm vàng đua nhau nâng giá khiến giá vàng “nhảy” theo.
“Chỉ trong 3 giờ đầu của buổi sáng, tiệm của tôi có đến 50 khách đến mua vàng. Chúng tôi phải kêu đầu mối khác mang vàng đến bán với giá 38,9 triệu đồng/lượng” - chủ tiệm vàng trên cho biết.
Tại tiệm vàng Kim Lan (chợ Tân Định, quận 1 - TPHCM), lúc 11 giờ, tôi đề nghị mua 5 lượng vàng, chủ tiệm liền điện thoại cho bạn hàng rồi báo giá 38,8 triệu đồng/lượng, hàng sẽ được giao ngay khi bên mua mang tiền đến.
Chủ tiệm cho biết thêm cuối năm thường là thời điểm trả nợ, do đó gặp lúc giá vàng “nóng sốt”, nhiều người sợ giá vàng tiếp tục tăng liền tranh thủ mua vào. Đại diện Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết sức mua tăng mạnh trong ngày 9-11, PNJ bán hơn 2.500 lượng.
Trong khi đó, từ 10 giờ đến 12 giờ, tại Hà Nội, không khí giao dịch hết sức nhộn nhịp. Người dân chen nhau mua khiến các tiệm hết sạch vàng, phải hẹn khách vào hôm sau.
Cuối ngày, đại diện Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu cho biết chưa thể thống kê số vàng công ty đã bán ra bởi trong ngày có cả ngàn người đến mua vàng, trung bình từ 5 đến 100 lượng/người. Đến 16 giờ, tại công ty vẫn còn hàng trăm khách hàng ngồi chờ mua vàng.
Do giá vàng liên tục tăng mạnh như vậy, tỉ giá ngoại tệ tự do cũng “ăn theo”, lao lên 21.300 đồng/USD (lúc 10 giờ). Tại thời điểm này, giá vàng quốc tế là 1.406 USD/ounce, thấp hơn giá vàng tại VN 4 triệu đồng/lượng.
Can thiệp kịp thời
Trước tình hình đó, lúc 12 giờ, NH Nhà nước thông báo với báo giới sẽ cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Đây là lần thứ ba trong năm nay, NH Nhà nước cho phép doanh nghiệp nhập vàng (lần gần nhất vào ngày 7-10).
Ngay sau khi thông tin trên được loan đi, lập tức giá vàng đảo chiều, giảm một mạch 2,2 triệu đồng/lượng, cuối ngày tạm chốt 36,7 triệu đồng/lượng nhưng vẫn còn cao hơn giá vàng thế giới 500.000 đồng/lượng. Tỉ giá ngoại tệ cũng giảm 50 đồng/USD, bán ra còn 20.250 đồng/USD; trong khi đó giá vàng thế giới lúc 16 giờ 30 phút lại tăng lên 1.414 USD/ounce.
Để tạo điều kiện cho các đơn vị nhập khẩu vàng (hầu hết là các ngân hàng), đến chiều 9-11, quota nhập khẩu vàng đã đến tay các ngân hàng như Á Châu (ACB), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN (Eximbank), Việt Á, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC)... Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, để các đơn vị chủ động nhập khẩu vàng, thời gian nhập khẩu vàng kéo dài đến 14 ngày.
Nên phát hành trái phiếu Chính phủ bằng vàng PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, cho rằng để ổn định thị trường và hạn chế những cơn sốt vàng, USD, NH Nhà nước nên phát hành trái phiếu Chính phủ bằng vàng, tức vay vàng của các NH thương mại rồi bán cho doanh nghiệp bằng USD, sau đó dùng số ngoại tệ đó can thiệp thị trường ngoại hối vào những thời điểm “nóng sốt”. Mặt khác, cũng theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, các NH thương mại cần nghiên cứu phát hành vàng giấy, tức là ngân phiếu thanh toán được bảo đảm bằng vàng, có sự bảo chứng của NH Nhà nước.
Như vậy, số vàng trong dân sẽ được lưu thông vì họ mua vàng rồi cũng sẽ gửi vào ngân hàng; NH Nhà nước giảm được số ngoại tệ cho việc nhập khẩu vàng, giải quyết được tình trạng đầu cơ vàng, USD. |