Vay tín chấp, cần chú ý điều gì?
Hiện có nhiều người không có tài sản thế chấp mà vẫn muốn vay ngân hàng để tiêu dùng như sửa nhà, mua ô tô… góp thêm tiền mua nhà với mức vay vài chục triệu đến 100 triệu. Vay tín chấp như "chiếc bè vượt sóng lớn" do mức lãi suất cao.
Đối tượng vay của ACB, Sacombank được “nới lỏng”
Chị Giang, nhà ở đường Lê Trọng Tấn cho biết: “Tháng 1-2008, tôi có vay tín chấp ngân hàng Á châu (ACB). Lương của tôi là 5 triệu đồng/tháng nên được vay tối đa 50 triệu”. Vào thời điểm đó, chị Giang tính ra lãi suất 22,5%/năm là cao quá. Vì vậy, chị Giang muốn thu xếp để trả lại nhưng chị lo lắng về mức phí phải trả tất toán là 3% trên tổng vốn góp còn lại. Chị Giang rút ra kinh nghiệm: “Khi vay tín chấp, bạn cần biết nhiều thông tin và tham khảo nhiều ngân hàng, đồng thời dựa trên điều kiện của mình để vay cho hợp lý.”
Về điều kiện để vay vốn, hiện nay, so với các ngân hàng khác như ngân hàng Công thương (VietinBank), ngân hàng Quân đội (MB),…là những ngân hàng chỉ cho vay tín chấp khi cơ quan của người vay trả lương qua hệ thống ngân hàng này hoặc là đối tác thì mới cho cán bộ của cơ quan đó vay tín chấp. Còn tại VP Bank chỉ cho vay đối với cán bộ, nhân viên làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, chị Kiều Ngọc An, nhân viên VP Bank cho biết.
Vay tín chấp luôn chịu mức lãi suất cao. (Ảnh: NHNN)
Ông Lưu Trung Thái, Phó tổng giám đốc MB lý giải: “Cho vay tiêu dùng có là sản phẩm khá ưu tiên của MB nhưng kèm theo đó cần có những yêu cầu như khách hàng cần có thu nhập khá, thời hạn lao động tối thiểu là 1 năm. Hiện, chúng tôi liên với các doanh nghiệp để thủ tục đỡ rườm rà”.
Còn đối tượng cho vay của ACB, ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có phần “nới lỏng” hơn kể cả với nhân viên thuộc công ty TNHH…
Về thủ tục vay vốn, tùy ngân hàng có đối tượng vay khác nhau thì có yêu cầu thủ tục chi tiết khác nhau cũng như thời gian làm thủ tục khác nhau. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày là hồ sơ sẽ được giải quyết là có được vay hay không.
Hồ sơ vay tín chấp cơ bản đảm bảo 3 yếu tố: Chứng minh nhân thân; Chứng minh thu nhập có xác nhận của ngân hàng hoặc đơn vị trả lương; Bản ký kết vay với ngân hàng vay tín chấp về mức lãi suất cũng như các điều khoản khác.
Lãi suất vay là yếu tố quan trọng hàng đầu
Tại ACB, cho vay tín chấp 4 tháng lương, tối đa 250 triệu với thời gian vay từ 12 – 36 tháng lãi suất tùy từng mức. Nếu vay từ 20 triệu – 40 triệu sẽ có lãi suất 10,08%; từ 40 triệu – 70 triệu là 9,6%/năm; từ 70 triệu đến – 100 triệu là 9,36%/năm và trên 100 triệu là 9%/năm. Việc tính lãi dựa trên dư nợ ban đầu.
Vì vậy, mỗi tháng khách hàng sẽ phải trả cả vốn lẫn lãi đều nhau. Khi khách hàng trả lãi trước hạn sẽ mất khoản phí là 3% trên tổng vốn góp còn lại. Nếu đến ngày trả dù chỉ quá 1 ngày mà không thanh toán khách hàng sẽ phải trả thêm 200 ngàn/tháng.
Nếu vay tại VP Bank, khách hàng được vay 12 tháng lương và tối đa là 150 triệu trong thời gian vay tối thiểu là 12 tháng thời gian vay tối đa là 36 tháng. Nếu khách hàng vay dưới 100 triệu đồng thì lãi suất khoảng 8,4%/năm. Lãi suất này dựa trên dư nợ ban đầu. Cách tính này tương tự ngân hàng ACB, như vậy, khách háng sẽ phải trả cả vốn và lãi bằng 1con số khác “cứng”, không thay đổi và không giảm theo thời gian.
Việc trả nợ trước hạn thì khách hàng vay tín chấp tại VP bank sẽ chịu mức phí là 0,5% - 1% số tiền trả trước hạn tùy thuộc vào thời gian tất toán. Tại MB, số tiền phải trả khi trả nợ trước hạn tại MB được khống chế tối đa là 3 triệu, tối thiểu 1 lần trả trước hạn là 50 ngàn đồng. Có thể tính là thu thêm 0,15% trên số tiền trả trước và số tháng trả trước.
Anh Đỗ Đình Giáp, nhân viên MB cho biết: Nếu thuộc diện được vay tín chấp là nhận lương qua tài khoản tại MB, khách hàng là nhân viên được vay 12 tháng lương, với mức tối đa là 100 triệu đồng. Thời gian vay tối đa là 36 tháng. Lãi suất vay phụ thuộc vào việc chấm điểm tín dụng hồ sơ của khách hàng như mức lương, vị trí làm việc, cơ quan của khách hàng đó nên mức lãi suất từ 14%, 14,4% đến 15%/năm.
Còn Sacombank cho vay tín chấp với thời gian vay từ 12 đến 48 tháng. Mức cho vay đối với nhân viên tối đa 4 lần thu nhập nhưng không quá 250 triệu đồng. Đối với cấp lãnh đạo có thu nhập 10 triệu – 15 triệu được vay tối đa 06 lần thu nhập. Lương từ 15 triệu – 20 triệu được vay 8 lần thu nhập. Lương trên 20 triệu đồng được vay 10 lần thu nhập.
Về mức lãi suất, chị Đào Lan Hương, nhân viên Sacombank cho biết: Khách hàng có thể trả lãi theo 2 hình thức: Nếu trả theo dư nợ giảm dần, lãi suất là 0,93% /tháng. Nếu trả theo vốn lãi chia đều, lãi suất là 0,73%/tháng.
Chị Minh Nguyệt, công tác tại 1 công ty trên phố Lạc Trung cho biết mức lãi suất vay tín chấp là quá cao: “Với mức thu nhập chứng minh trong hồ sơ là 13 triệu đồng/tháng, mức lương cố định là 9,3 triệu đồng/tháng, chị được Techcombank duyệt vay 100 triệu đồng. Thời gian vay do người vay chủ động đề nghị, thường tối đa 3 năm, nhưng tôi chọn 2 năm vì thấy tiền lãi cũng quá cao. Mức lãi suất thời điểm vay (tháng 6-2008) là hơn 14%/năm. Hàng tháng, ngân hàng có bảng tính tiền phải trả đều đặn cả gốc và lãi là 5.320.000 đồng. Lãi tính theo dư nợ ban đầu. Cứ nhân số tiền hàng tháng trên với 24 tháng sẽ ra tổng tiền phải trả trong 2 năm”. Như vậy, trong 2 năm vay, chị Nguyệt sẽ phải trả lãi là 27.680.000 đồng.
Chị Nguyệt đã làm hai bộ hồ sơ gửi Techcombank và ACB. Với mức thu nhập chứng minh nói trên, đại diện ACB cho biết chỉ được vay tối đa 4 tháng lương (tương đưiơng 36 triệu) nhưng mức phí để hoàn tất hồ sơ vay chị nhẩm tính hết khoảng trên 2 triệu nên chị đã từ chối vay. Trong khi đó, mức phí của Techcombank chỉ khoảng hơn 400.000 đồng với mức vay 100 triệu. Chị Nguyệt cho rằng, phí hồ sơ vay cũng là điều cần cân nhắc cùng với khả năng cho vay tối đa của ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ngân hàng đều không thu phí làm hồ sơ vay tín chấp như ACB, SacomBank, MB...