Làm giàu trên mảnh đất cằn cỗi

Nhiều nông dân ở xứ Thanh đã tìm cách "hồi sinh" những vùng đất thiếu sức sống, đầu tư xây dựng những trang trại mang lại tiền tỉ

Thanh Hóa có những vùng đất nghèo dinh dưỡng, tưởng chừng không canh tác được. Song, với đôi tay khéo léo, khối óc nhạy bén cùng niềm đam mê làm giàu bằng nông nghiệp, nhiều nông dân ở đây đã biến vùng đất cằn cỗi ngày trước thành những trang trại xanh mát, hài hòa với thiên nhiên.

Kỹ sư nông nghiệp thành chủ trang trại

Huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 30 ha trang trại trồng cây ăn quả đạt chuẩn hữu cơ, VietGAP và có mã QR truy xuất nguồn gốc. Trong đó, vườn bưởi diễn rộng khoảng 10 ha của ông Lê Xuân Hoằng (SN 1967; quê huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) là một trang trại tiêu biểu, đang trên hành trình hướng đến việc xuất khẩu bưởi "Made in Thanh Hóa".

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nông, ông Hoằng quyết tâm học đại học ngành nông nghiệp. Ra trường, ông ngược xuôi khắp nơi kinh doanh, cung cấp cây giống cho các công trình nông nghiệp và những dự án lớn.

Trong một lần khảo sát công trình tại huyện Thường Xuân, nhận thấy nơi đây đất đai nhiều, giao thông đi lại dễ dàng nên ông Hoằng quyết định thuê đất để trồng cây ăn quả. Năm 2016, ông thuê 10 ha đất đồi ở xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân rồi đưa giống bưởi diễn trứ danh ở Hà Nội về đây khởi nghiệp.

Sau khi hoàn tất các thủ tục thuê đất, ông Hoằng bắt tay ngay vào việc xây dựng trang trại. "Bước đầu, công việc gặp rất nhiều khó khăn. Vùng đất nơi đây được người dân chủ yếu trồng keo, đất bị thoái hóa, cằn cỗi, nghèo chất dinh dưỡng nên việc cải tạo mất nhiều thời gian. Xác định hướng đi của mình là sản xuất thực phẩm an toàn, ứng dụng công nghệ cao nên tôi đã bỏ ra 3 tỉ đồng vốn sẵn có, vay mượn thêm 5 tỉ đồng để kiến thiết trang trại" - ông nhớ lại.

Là kỹ sư nông nghiệp, có nhiều kinh nghiệm về nuôi trồng nên ngay từ khâu chọn giống, ông Hoằng không làm như những trang trại thông thường là trồng từ cây con, mà trồng cây đã 10-12 năm tuổi. Việc chọn cây lớn để trồng, theo ông, sẽ rút ngắn thời gian chăm sóc.

"Trang trại được số hóa toàn diện nên mọi thông tin - từ quá trình cây sinh trưởng, canh tác đến thu hoạch - đều được cập nhật vào phần mềm quản lý trực tuyến. Mỗi cây bưởi được gắn mã định danh, ghi chép chi tiết lý lịch chăm sóc. Các đối tác thu mua có thể giám sát quá trình canh tác của trang trại qua internet" - ông Hoằng khẳng định.

Một góc trang trại bưởi diễn của ông Lê Xuân Hoằng

Một góc trang trại bưởi diễn của ông Lê Xuân Hoằng

Với uy tín của mình và qua việc cam kết sản xuất sạch, ông Hoằng đã ký kết thành công nhiều hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ trang trại với các chuỗi cung ứng lớn tại Hà Nội. Mỗi vụ, ông còn dành riêng một phần sản lượng để bán cho thương lái địa phương, nhằm quảng bá chất lượng và đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong tỉnh.

Với 2.000 cây bưởi trưởng thành, sản lượng đạt 150 tấn/năm, trang trại của ông Hoằng mang lại doanh thu 1,8 - 2 tỉ đồng, lợi nhuận 650 triệu đồng. Theo ông, trang trại sử dụng quy trình sản xuất hữu cơ 100%, không dùng phân hóa học. Phân bón được chế biến từ phế phẩm cá thủy phân, kết hợp với chất thải từ gia súc, gia cầm và rác thải ủ hoai. Bưởi rụng, quả còi được ủ men EM làm phân bón, tạo vòng tuần hoàn khép kín.

Đến nay, trang trại của ông Hoằng đã đạt chuẩn VietGAP, có mã QR truy xuất nguồn gốc. Ngoài mục tiêu đưa bưởi diễn thương hiệu "Made in Thanh Hóa" ra nước ngoài, ông còn đang nghiên cứu công nghệ chiết xuất tinh dầu hoa bưởi, tận dụng nguồn hoa khổng lồ của trang trại.

Bỏ học về quê làm nông

Cũng vì đam mê làm nông mà khi đang học năm cuối Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, anh Ngô Đình Tuấn (SN 1993; ngụ xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã quyết định nghỉ, về quê mở trang trại.

Dù bố mẹ hết sức ngỡ ngàng nhưng với quyết tâm của mình, anh Tuấn đã biến bãi bồi trồng mía không mang lại hiệu quả thành trang trại tổng hợp, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.

Nói về những ngày đầu khởi nghiệp, anh Tuấn cho biết bản thân cũng chịu nhiều áp lực bởi "ai đời đang học đại học lại bỏ về quê làm ruộng". "Khi biết tôi không học nữa, về quê khởi nghiệp, bố mẹ kịch liệt phản đối. Bố mẹ tôi cho rằng làm nông rất nhọc nhằn và muốn cho con cái học hành bài bản để sau này đỡ vất vả" - anh nhớ lại.

Anh Ngô Đình Tuấn trong trang trại của mình

Anh Ngô Đình Tuấn trong trang trại của mình

Nhưng thấy con quyết tâm, bố mẹ Tuấn dần đồng ý và giao cho anh phần đất trồng mía của gia đình. Sau đó, anh thuê thêm đất để khởi nghiệp. Lúc đầu, anh trồng mít và bưởi diễn nhưng không mang lại kết quả như mong muốn.

Sau thất bại này, anh Tuấn không nản lòng mà quyết tâm thay đổi cách làm. Anh đến nhiều nơi tìm hiểu, học tập các mô hình hay, tham khảo sách báo... để có cách làm phù hợp với đất đai cằn cỗi ở quê mình.

Anh Tuấn đã tận dụng gốc bưởi diễn trồng trước đó để ghép hơn 1.000 cây bưởi da xanh và cam, chanh, đồng thời trồng xen canh thêm ổi. Dưới tán cây, anh còn xây chuồng trại nuôi heo rừng, gà đẻ trứng. Trang trại của anh hướng tới quy trình khép kín, giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường khi tái sử dụng phụ phẩm chăn nuôi để làm phân bón cho cây.

Sau nhiều nỗ lực, đến nay, mỗi năm trang trại của anh Tuấn xuất bán ra thị trường khoảng 1.000 con heo giống và heo thương phẩm cùng hàng tấn quả ổi, bưởi, cam... Trừ hết các khoản chi phí, anh có thu nhập ổn định khoảng 300 triệu đồng mỗi năm. 

Bà Lê Thị Hường, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại huyện Thường Xuân, đánh giá vườn bưởi diễn theo hướng hữu cơ của ông Lê Xuân Hoằng là trang trại kiểu mẫu của huyện trong lĩnh vực trồng trọt. Trang trại này có diện tích chuyên canh bưởi lớn nhất huyện, áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đây là mô hình tạo được bước đột phá trong cách làm, có sự lan tỏa để nhiều người học tập.

Với mô hình trang trại của anh Ngô Đình Tuấn, đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thọ Xuân nhận xét đạt hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho nhiều người và phát triển kinh tế cho gia đình, anh Tuấn còn là gương thanh niên điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương.