Lo ngại học sinh nhờn kỷ luật

Giáo dục không phải là "khuôn đúc" mà là để học sinh học tập cái đúng, nhận ra cái sai và đúc kết thành kinh nghiệm hữu ích cho bản thân

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa đề xuất bỏ hình thức đình chỉ học tập đối với học sinh (HS) trong dự thảo thông tư thay thế Thông tư 08 - hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật HS.

Tranh luận trái chiều

Theo dự thảo thông tư mới, Bộ GD-ĐT quy định 2 biện pháp kỷ luật đối với HS tiểu học là nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi. Các biện pháp kỷ luật đối với HS tiểu học sẽ không lưu hồ sơ và học bạ. HS các bậc học cao hơn có 3 hình thức kỷ luật là nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết bản tự kiểm điểm. Như vậy, so với Thông tư 08 và các quy định trước đó, việc tạm dừng học và đình chỉ học đối với HS bị bãi bỏ.

Đề xuất của Bộ GD-ĐT đã làm dấy lên nhiều tranh luận. TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng kỷ luật HS cần tập trung vào cảm hóa thay vì trừng phạt. Chuyên gia này cho rằng việc đuổi học đẩy HS ra khỏi môi trường giáo dục, làm tăng nguy cơ các em rơi vào vòng xoáy tiêu cực. Nhà trường phải là nơi giúp HS sửa sai, không phải loại bỏ các em.

Hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cũng cho rằng đình chỉ học tập thường gây áp lực lớn, khiến HS cảm thấy bị cô lập. Kỷ luật nhẹ nhàng nhưng kiên quyết sẽ khuyến khích các em tự điều chỉnh hành vi.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và giáo viên bày tỏ lo ngại việc bỏ hình thức đình chỉ học tập có thể làm giảm tính răn đe, nhất là trong bối cảnh bạo lực học đường đang gia tăng khiến dư luận bức xúc. Theo TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục tại TP Hà Nội, bà từng xử lý rất nhiều HS cá biệt. Những em này có thể làm những việc mà chính người lớn cũng cảm thấy bất ngờ - như chửi, thậm chí đánh cả giáo viên hoặc đánh bạn đến mức nguy hiểm.

"Với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng như vậy, hình thức đình chỉ học lại là cách để HS đi đúng hướng" - bà Hương nhận xét. Bà cho rằng hình thức đình chỉ học trong một vài ngày sẽ giúp HS nhận ra việc học là quyền lợi của các em. Khi cảm thấy quyền lợi này bị ảnh hưởng, HS sẽ chú tâm đến việc học hơn và cố gắng điều tiết bản thân, không vi phạm nghiêm trọng nội quy nhà trường.

"Chúng ta thường nghĩ rằng việc giáo dục qua lời nói có tính răn đe nhưng thực tế, HS chỉ nhận thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc khi các em phải đối diện những hình phạt sau đó. HS cần phải biết giáo viên có quyền xử phạt khi các em mắc lỗi. Nếu như chúng ta lấy hết quyền hành của thầy cô, HS sẽ không còn nghe theo lời giáo viên nữa" - bà Hương nêu quan điểm.

Chuyên gia giáo dục này cũng nêu thực tế nhiều HS sau khi bị đình chỉ một vài ngày đã trở nên ngoan hơn, lắng nghe thầy cô và thực hiện nghiêm túc việc học của mình. Do đó, đình chỉ học tập hoàn toàn không phải hình thức "hành hạ" HS.

Lo ngại học sinh nhờn kỷ luật- Ảnh 1.

Một buổi trò chuyện thân tình giữa giáo viên, chuyên gia giáo dục với học sinh Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (TP HCM) về chủ đề tuổi mới lớn. Ảnh: PHƯƠNG QUỲNH

Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho biết những người ủng hộ đề xuất của Bộ GD-ĐT xem đây là bước đi nhân văn, hướng đến giáo dục thay vì trừng phạt. Tuy nhiên, ý kiến khác lại lo ngại nhà trường sẽ bị tước hết "công cụ" để xử lý các trường hợp HS vi phạm nhiều lần nhưng không cải thiện hoặc "lờn" trước các biện pháp giáo dục.

Theo thầy Chính, hiện nay, phương pháp giáo dục cá thể hóa được khuyến khích, giúp người học nhìn nhận được ưu điểm, khuyết điểm, lắng nghe và chia sẻ giải pháp, giúp khai phá những tiềm năng của từng HS. Thầy cô thường vận dụng phương pháp này với từng đối tượng HS, từng hoàn cảnh và điều kiện cho phép.

Tuy nhiên, cần thấy rằng trong môi trường tập thể, HS cần học sự tôn trọng và chấp hành kỷ luật, có trách nhiệm với bản thân và với người xung quanh. Một số hình thức răn đe và biện pháp xử lý kỷ luật không chỉ để thiết lập quyền hạn của nhà trường mà còn là ranh giới rõ ràng nhằm bảo đảm sự công bằng, nội quy của trường lớp, đồng thời bảo vệ người học và thầy cô.

"Thực tế, trường hợp HS bị xem xét xử lý kỷ luật là rất ít nhưng rất cần thiết. Bởi lẽ trước đó, thầy cô đã nhiều lần nhắc nhở, thậm chí la rầy hoặc nhờ gia đình hỗ trợ. Xử lý kỷ luật chỉ là bước cuối cùng khi mà các biện pháp giáo dục không giúp HS thay đổi hành vi" - thầy Chính đánh giá.

Kỷ luật cần nhân văn, đủ sức răn đe

Dưới góc độ phụ huynh, chị Vũ Lan Phương - có con đang học lớp 11 tại một trường THPT ở quận Ba Đình, TP Hà Nội - cho rằng các biện pháp xử lý như viết kiểm điểm thường bị HS xem nhẹ.

"Với HS cố tình đánh bạn hoặc gây rối, việc nhắc nhở không đủ sức giúp các em thay đổi hành vi. Điều này có thể khiến bạo lực học đường trở thành vấn đề không có hồi kết và ngày càng gia tăng" - chị Phương lo ngại.

Theo phụ huynh này, việc bỏ hình thức đuổi học có thể làm giảm vai trò của giáo viên và nhà trường. HS ngỗ nghịch cần thấy hậu quả rõ ràng từ hành vi của mình. Nếu chỉ nhắc nhở các HS này thì nhà trường khó duy trì được trật tự trong lớp học, trường học. Vì vậy, nên có hình thức đình chỉ học có thời hạn, kết hợp với hoạt động sửa sai để cân bằng giữa giáo dục và răn đe.

Để vừa có tính răn đe vừa bảo đảm tính nhân văn trong giáo dục, TS Vũ Thu Hương đề xuất nên sử dụng các hình thức kỷ luật hợp lý, không ảnh hưởng sức khỏe và tinh thần của HS. Không nên có những hình phạt mang tính chất xâm phạm thân thể và danh dự các em. Với HS phạm lỗi nặng, nhà trường có thể áp dụng hình thức tạm đình chỉ học.

Thầy Lâm Vũ Công Chính cho rằng chúng ta phê bình, phản đối việc xúc phạm nhân phẩm, gây tổn thương tâm lý HS nhưng cũng không nên quá dễ dãi, dung dưỡng những hành vi sai trái của các em. Nếu nhà trường "bị trói tay" thì rất dễ dẫn tới việc HS "nắm thóp", ỷ lại, chây lười, không phấn đấu.

Thầy Chính băn khoăn: "Nhiều HS biết học thế nào cũng được lên lớp, cũng được hạnh kiểm tốt miễn là không nghỉ quá 45 buổi như quy định của Bộ GD-ĐT. Các nhà quản lý, lãnh đạo ngành giáo dục cần hết sức cân nhắc trước khi ban hành các quy định liên quan việc đánh giá HS".

Trong khi đó, cô Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers, nhận định để giáo dục trẻ qua hình thức khen thưởng hay kỷ luật, thầy cô phải được trao quyền chủ động cao nhất, phải thực hiện việc giáo dục trên nền tảng yêu thương. Quy định đến mức chi tiết hình thức nào được sử dụng, hình thức nào không trong việc giáo dục trẻ sẽ đánh mất sự linh hoạt, tin tưởng và cân bằng trong quá trình bảo vệ trẻ, ảnh hưởng quyền chủ động của người thầy.

Theo cô Thụy Anh, cần có cơ chế hỗ trợ xây dựng một hệ thống kỷ luật tích cực, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm tâm lý HS. Những khóa bồi dưỡng quản lý lớp học hiệu quả là điều mà các nhà quản lý cần hướng đến, chứ không phải là sự can thiệp quá chi tiết, làm giảm tính chủ động của thầy cô. 

Ngăn chặn học sinh mắc lỗi

Đại diện Bộ GD-ĐT bày tỏ quan điểm việc kỷ luật là nhằm phòng ngừa, ngăn chặn HS mắc lỗi. Việc kỷ luật còn giúp các em nhận thức được cái sai để tự giác khắc phục hậu quả và điều chỉnh, tu dưỡng, rèn luyện để tiến bộ, hình thành thói quen, lối sống nền nếp.

Nguyên tắc của việc kỷ luật là nhằm bảo đảm tính chủ động, tích cực trong thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của HS; giữ vững kỷ cương, nền nếp trong trường. Việc này cần tôn trọng, bao dung, khách quan, không định kiến, bảo đảm quyền được tham gia và lợi ích của HS đối với các vấn đề liên quan.

Việc kỷ luật cũng cần bảo đảm phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, giới tính, thể chất, hoàn cảnh gia đình, đặc điểm văn hóa vùng miền của từng HS. Nhà trường không sử dụng biện pháp kỷ luật mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của HS.