Lương đến 50 triệu đồng/tháng, thị trường Hàn Quốc hút lao động đến làm việc

(NLĐO) - Với mức thu nhập lên đến 50 triệu đồng mỗi tháng, Hàn Quốc đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với người lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam

Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, lần đầu tiên số lượng lao động nước ngoài sở hữu thị thực lao động không chuyên (E-9) tại nước này đã vượt mốc 300.000 người. Đây là loại thị thực được Chính phủ Hàn Quốc triển khai nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong các ngành sản xuất, nông nghiệp, thủy sản và một số lĩnh vực dịch vụ.

Trong đó, nhóm ngành sản xuất và dịch vụ chiếm tỉ lệ cao nhất với 80,5%, tiếp theo là nông - lâm - ngư nghiệp (14,4%) và xây dựng (3%).

Lương đến 50 triệu đồng/tháng, thị trường Hàn Quốc hút lao động đến làm việc- Ảnh 1.

Lao động Việt Nam xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc

Đáng chú ý, gần 40% lao động E-9 đang nhận mức lương từ 3 triệu won/tháng trở lên (tương đương hơn 52,2 triệu đồng). Mức này chỉ thấp hơn không nhiều so với thu nhập trung bình của người lao động Hàn Quốc (3,63 triệu won/tháng, theo số liệu 2023). So với năm 2020 – khi chỉ 16,4% lao động E-9 đạt được mức thu nhập này, tỉ lệ hiện nay đã tăng gần 2,5 lần.

Ngoài ra, khoảng 51% lao động nhận lương trong khoảng 2 – 3 triệu won/tháng (tương đương 34 – 52 triệu đồng), cho thấy thu nhập của nhóm lao động nước ngoài đang dần được cải thiện.

Cũng theo thống kê, nam giới chiếm đa số trong các nhóm thị thực E-9 (90,9%), thị thực chuyên môn kỹ thuật (71,8%) và lao động thăm thân (57,3%). Ngược lại, phụ nữ chiếm tỉ lệ cao hơn trong nhóm thị thực kết hôn (79,6%) và du học (53,3%).

Lương đến 50 triệu đồng/tháng, thị trường Hàn Quốc hút lao động đến làm việc- Ảnh 2.

Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), thuộc Bộ Nội Vụ, trong năm 2024, có 158.588 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, vượt 26,9% so với kế hoạch năm. Trong số này, lao động nữ chiếm hơn 33% (52.898 người).

Hàn Quốc đang nổi lên như điểm đến đầy tiềm năng. Dù số lượng lao động Việt sang Hàn năm 2024 là 13.649 người, đứng sau Nhật Bản và Đài Loan nhưng tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiếp nhận từ phía Hàn Quốc ngày càng rõ rệt, đặc biệt nhờ hiệu quả của Chương trình Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS).

Ghi nhận tại nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, lượng người đến đăng ký thi tiếng Hàn theo chương trình EPS tăng đột biến. Gần đây, hơn 1.500 người đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để làm thủ tục.

Lương đến 50 triệu đồng/tháng, thị trường Hàn Quốc hút lao động đến làm việc- Ảnh 3.

Trung tâm đăng ký visa Hàn Quốc (quận 3, TP HCM) tiếp nhận lượng lớn người lao động đến làm thủ tục

Tại TP HCM, Trung tâm đăng ký visa Hàn Quốc (quận 3), cảnh xếp hàng xuyên đêm diễn ra thường xuyên. Có mặt từ 3 giờ sáng, ông Đinh Văn Sao (49 tuổi, quê Bình Thuận) vẫn nhận số thứ tự 150. "Giờ đó đã là trễ rồi. Có người đến từ nửa đêm, thậm chí 11 giờ khuya hôm trước để giữ chỗ. Dù mệt nhưng ai cũng cố gắng chờ" – ông Sao nói.

Quyết định đến Hàn Quốc làm việc của ông Sao bắt xuất phát từ người em trai, người từng nhiều lần sang làm lao động thời vụ và có thu nhập ổn định. Ông cho hay, ruộng vườn ở quê thu nhập bấp bênh. Em trai bảo nên đi để đổi đời. Thế là 4 anh em bàn nhau cùng làm hồ sơ. Dù đã có ý định từ năm ngoái, nhưng ông phải đợi đến sau Tết mới xoay xở vay mượn đủ tiền để hoàn tất thủ tục.

Lương đến 50 triệu đồng/tháng, thị trường Hàn Quốc hút lao động đến làm việc- Ảnh 4.

Lao động chờ đến lượt làm thủ tục xin visa sang Hàn Quốc

Do không ai trong gia đình nắm rõ các thủ tục cần thiết, mỗi người phải chi 6,5 triệu đồng để thuê dịch vụ tư vấn và hỗ trợ. Ngoài ra, khi cộng thêm các khoản chi phí phát sinh khác, tổng số tiền bỏ ra lên đến khoảng 40 triệu đồng/người.

Thỉnh thoảng, ông Sao lại đứng lên đi lại để đỡ mỏi sau nhiều giờ chờ đợi. Dù mệt mỏi, ông vẫn quyết tâm ở lại đến khi làm xong hồ sơ. "Chỉ cần nộp xong, tôi về quê nghỉ vài hôm, chờ ngày bay. Cực vậy chứ cơ hội này không phải lúc nào cũng có" - ông Sao nói.

Lương đến 50 triệu đồng/tháng, thị trường Hàn Quốc hút lao động đến làm việc- Ảnh 5.

Nhiều người chấp nhận chờ đợi từ nửa đêm chỉ để nhận số thứ tự, chuẩn bị cho thủ tục xin visa Hàn Quốc

Hiện lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc chủ yếu theo Chương trình EPS. Trong đó, lĩnh vực sản xuất chế tạo thu hút đông lao động nhất, với các công việc như vận hành máy móc, lắp ráp linh kiện, gia công cơ khí, thực phẩm... Ngành ngư nghiệp cũng tuyển nhiều lao động, chủ yếu là nam giới, làm việc trên tàu đánh bắt xa bờ hoặc tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, một bộ phận lao động làm trong ngành nông nghiệp, thực hiện các công việc như trồng trọt, chăn nuôi... phù hợp với cả nam và nữ, đặc biệt vào mùa vụ. Một số ít lao động cũng làm việc trong ngành xây dựng hoặc dịch vụ.

Trước khi xuất cảnh, người lao động phải vượt qua kỳ thi tiếng Hàn (EPS-TOPIK), khám sức khỏe và tham gia đào tạo định hướng. Hợp đồng lao động kéo dài 4 năm 10 tháng và có thể được gia hạn nếu được chủ sử dụng chấp thuận.