Ly thân: Khoảng lặng thử thách tình yêu

Có người chọn ly thân để hàn gắn, có người rẽ lối để buông tay. Dù thế nào, đó cũng là hành trình nhiều giằng xé

"Chúng tôi vẫn là vợ chồng, chỉ là không còn sống chung một mái nhà". Câu nói tưởng chừng đơn giản ấy lại phản ánh một thực tế ngày càng phổ biến trong đời sống hôn nhân hiện đại: ly thân.

Học cách lắng nghe

Chị Thảo Trinh (37 tuổi, nhân viên tài chính tại TP HCM) và anh Anh Quân từng có một cuộc sống hôn nhân bình yên suốt 8 năm. Hai năm gần đây, anh Quân được thăng chức, áp lực công việc khiến anh ít quan tâm vợ con, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều mình chị gánh vác. Mâu thuẫn nhỏ ngày càng chồng chất, họ bắt đầu cãi vã vì những điều tưởng như vụn vặt: đón con trễ, chiếc áo chưa ủi, nhà cửa bề bộn…

Mệt mỏi, chị Trinh đề nghị ly thân trong 6 tháng. Hai người vẫn cùng chăm lo cho con, vẫn chia sẻ tài chính nhưng không sống cùng. "Khi tách nhau ra, tôi mới hiểu mình không chỉ giận chồng vì chuyện nhà, mà vì cảm giác bị bỏ rơi" - chị Trinh chia sẻ. Còn anh Quân nói: "Tôi đã quá chủ quan, nghĩ vợ mình khó chịu, nói nhiều… Đến khi không còn nghe tiếng càu nhàu mỗi tối, tôi nhận ra mình nhớ điều đó".

Sau 5 tháng ly thân, họ quyết định trở lại sống chung, không phải vì áp lực xã hội hay con cái, mà vì thực sự muốn bắt đầu lại. Với chị Trinh, ly thân là khoảng dừng cần thiết để học lại cách nắm tay nhau đúng cách.

Ly thân: Khoảng lặng thử thách tình yêu- Ảnh 1.

Minh họa AI: VY THƯ

Vợ chồng anh Đặng Dũng, chị Huyền Mai (Đà Nẵng) kết hôn đã 15 năm. Khi con gái bước vào tuổi dậy thì, những khác biệt trong cách giáo dục con khiến vợ chồng họ căng thẳng triền miên. Anh muốn nghiêm khắc, chị lại nhẹ nhàng. Con gái thu mình, trong khi cha mẹ giận nhau không nói chuyện hàng tuần.

Họ quyết định ly thân "có kế hoạch", mỗi người tạm ở riêng một tháng nhưng cùng đi tư vấn tâm lý. Chính thời gian đó giúp họ nhận ra vấn đề không nằm ở chuyện "ai đúng, ai sai" mà là thiếu lắng nghe và thiếu tiếng nói chung trong cách nuôi dạy con. Ly thân trở thành một "khoảng nghỉ chiến lược" để vợ chồng học cách làm cha mẹ, làm bạn đời. "Nếu không có khoảng thời gian ly thân đó, có lẽ hôn nhân của chúng tôi đã đi vào ngõ cụt" - chị Mai tâm sự.

Bước đệm cho sự ra đi

Ngược lại, chị Thanh Giang (41 tuổi, Hà Nội) từng hy vọng ly thân là cơ hội để chồng suy nghĩ lại sau khi phát hiện anh ngoại tình. Nhưng sau 3 tháng sống riêng, chị nhận ra anh không hề có ý định sửa sai. "Anh ấy tận dụng khoảng thời gian ly thân để sống bên người khác mà không hề thấy tội lỗi" - chị Giang kể. Cuối cùng, chị chọn ly hôn. Với chị Giang, ly thân không phải là "cơ hội thứ hai" mà là phép thử để kiểm tra lòng người. Dù cái kết là "đường ai nấy đi" nhưng ít ra chị đã bước ra khỏi cuộc hôn nhân ấy bằng sự tỉnh táo.

Chị H.T.N.M (34 tuổi, sống tại TP Thủ Đức, TP HCM) từng tin rằng hôn nhân là hành trình có thể "gắng thêm chút nữa". Chồng chị, anh T.H.L, là người ít nói, sống nội tâm. Những năm đầu, sự trầm tính ấy khiến chị cảm thấy an toàn. Nhưng càng sống lâu, chị càng thấy cô đơn ngay trong chính tổ ấm của mình. "Anh ấy không bạo lực, không ngoại tình, không cờ bạc. Nhưng anh cũng không trò chuyện, không chia sẻ, không ôm vợ lấy một cái những khi mỏi mệt, đau ốm..." - chị M. nhớ lại.

Sau nhiều lần cố gắng kết nối nhưng bất thành, chị đề nghị ly thân 3 tháng. Chị dọn ra ngoài sống tạm với em gái, để xem liệu sự xa cách có khiến anh thay đổi. Nhưng 3 tháng trôi qua, anh không hỏi han, không chủ động nhắn tin, không động thái níu kéo, chỉ lặng lẽ gửi tiền sinh hoạt cho con, như nghĩa vụ. "Sự im lặng ấy khiến tôi đau hơn cả những cuộc cãi vã" - chị M. thở dài.

Cuối cùng, chị chủ động viết đơn ly hôn. Không phải vì ghét bỏ chồng mà vì nhận ra mình đang sống trong một mối quan hệ hình thức, không hơi ấm, không sẻ chia. "Ly thân cho tôi cơ hội nhìn rõ anh không làm gì sai nhưng cũng không làm gì để giữ tôi lại" - chị M. trải lòng. 

Dù chọn ly thân hay không, hãy luôn chọn đối thoại thay vì im lặng, chọn lắng nghe thay vì buông bỏ.

"Chữa lành" bằng sự chân thành

Theo chuyên gia tâm lý Ngô Minh Thy, không phải cặp đôi nào gặp khủng hoảng cũng cần đến ly thân như một "liều thuốc thử" cho hôn nhân. Có những người thay vì chọn cách tách ra để suy nghĩ, họ chọn ở lại để đối thoại, điều chỉnh.

"Sự xa cách về tinh thần không nhất thiết phải giải quyết bằng cách xa cách về thể chất. Thay vì dọn ra riêng, vợ chồng nên cùng ở lại, bắt đầu học lại cách trò chuyện, lắng nghe, thấu hiểu và nhường nhịn nhau. Việc không ly thân nhưng vẫn tìm ra hướng đi mới chứng minh một điều: đôi khi, điều hôn nhân cần không phải là khoảng cách, mà là sự cam kết cùng khắc phục từ cả hai phía. Bởi có những mối quan hệ càng xa càng lạnh nhưng cũng có những tình yêu, càng gần nhau càng nhìn rõ được sự thiếu sót của mình để hoàn thiện" - bà Ngô Minh Thy nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, hôn nhân không hoàn hảo nhưng nếu vẫn còn yêu thương, còn mong muốn gìn giữ thì ở lại đối diện với nhau bằng sự chân thành cũng là một con đường "chữa lành" đầy can đảm và đáng trân trọng.