"Chúng tôi ly hôn trong êm đẹp, không cãi vã, không tranh chấp" - nhiều người thường nói vậy. Nhưng khi đề cập con cái, không ít người im lặng, thở dài.
Cạn tình, cạn nghĩa
Từng là cặp đôi được bạn bè ngưỡng mộ, chị H.T.M (36 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM) và anh N.Q.T (38 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) kết hôn sau 2 năm yêu nhau. Cả hai có với nhau 2 bé gái: 9 tuổi và 7 tuổi.
Ba năm nay, thu nhập từ công việc của anh sụt giảm nhiều, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Anh chán nản, hầu như tuần nào cũng vài ba cuộc nhậu; chị mệt mỏi vì phải tính toán từng đồng trong việc chi tiêu. Mâu thuẫn ngày càng tăng, chị đòi ly hôn, anh tự ái gật đầu. Cả hai đồng thuận mỗi người nuôi một bé.
"Tôi nghĩ mỗi người nuôi một đứa con là chuyện bình thường nhưng không ngờ đó là sai lầm. Dường như tôi đang tước đi những điều quý giá nhất của các con: một gia đình trọn vẹn, một tuổi thơ bình yên" - chị M. tâm sự.
Hai đứa trẻ từng thân thiết như hình với bóng, bây giờ sống ở hai nơi, chỉ gặp nhau khi nào ba mẹ rảnh. Bé nhỏ buồn và ít nói hơn từ sau khi xa chị. Mỗi lần được gặp chị, bé ôm riết không rời, gào khóc khi chia tay. "Có lần tôi nghe hai chị em tâm sự, bé chị nói: "Nếu em thấy buồn thì lấy điện thoại mẹ gọi chị. Dù chị không đến được nhưng chị vẫn là chị ruột của em". Không ít lần các con hỏi tôi: "Vì sao người lớn có thể chia con như chia đồ vật vậy? Sao nhà mình không còn là nhà nữa?". Tôi đã khóc" - chị M. rưng rưng.
Trong một căn nhà nhỏ ở quận Gò Vấp (TP HCM), ông L.V.H (68 tuổi) và bà N.T.Q (66 tuổi) mỗi ngày lủi thủi vào ra sau khi vợ chồng con trai ly hôn, con dâu đưa cháu gái 5 tuổi rời đi.
"Lúc đầu con dâu còn dẫn cháu về chơi mỗi tháng nhưng về sau càng thưa dần. Gọi điện không nghe máy, nhắn tin thì trả lời bận việc. Con trai đi làm việc tận ngoài Bắc, lâu lâu mới về. Nhớ cháu mà chúng tôi không biết phải làm sao" - ông H. nói, giọng trầm xuống.
Bé Thảo từng là "mặt trời nhỏ" của ông bà. Con bé hay ríu rít với bà, mè nheo ông kể chuyện cổ tích, tối đến đòi nằm giữa hai ông bà để ngủ. Từ ngày cha mẹ ly hôn, mọi điều thân thuộc ấy biến mất.
Bà Q. cho biết gần đây ông bà nghe hàng xóm nói mẹ con bé đã có người mới nên có thể muốn cắt đứt hoàn toàn liên lạc với gia đình chồng cũ. "Chúng tôi chưa từng cãi nhau với nó, cũng chưa hề nói nặng lời. Vợ chồng nó ly hôn hoặc sẽ tái hôn với ai khác là chuyện của hai đứa nhưng đâu vì thế mà cấm luôn tình thân?" - bà Q. thở dài.
Từ ngày xa cháu, ông vẫn giữ thói quen để dành tiền tiêu vặt cho bé Thảo, bà thì giữ từng chiếc áo cũ, từng đôi giày cháu để lại. Những ngày cuối tuần, ông bà vào ra ngóng trông, để rồi thở dài thất vọng.

Minh họa AI: Vy Thư
Ứng xử văn minh, tử tế
Ly hôn là giải pháp cuối cùng khi hôn nhân không thể cứu vãn, đó có thể là sự giải thoát cho 2 người nhưng lại khiến những người liên quan phải chịu tổn thương vì đứt gãy các mối liên hệ.
"Trong bối cảnh nhiều cuộc ly hôn trở thành "cuộc chiến" kéo dài, gây tổn thương nặng nề cho con trẻ và cả những người thân hai bên nội ngoại, thì việc giữ lại sự tử tế và ứng xử văn hóa giữa hai người là hành động thể hiện trách nhiệm và nhân cách; là cách bảo vệ những người thân và gìn giữ giá trị gia đình dưới một hình thức mới.
Một cuộc ly hôn không tổn thương không chỉ tốt cho con trẻ, mà còn là khởi đầu cho một hành trình mới, bình yên hơn cho cả hai người và những người thân yêu xung quanh.
Vậy nên, không tranh chấp trong ly hôn là điều tốt nhưng quan trọng không kém chính là ứng xử văn minh, giữ lại tình yêu thương cho con, cho gia đình 2 bên và cho chính những điều đẹp đẽ đã từng có trong cuộc hôn nhân ấy" - chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Ánh chia sẻ.
Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Nguyễn Trung Tín cũng cho rằng ly hôn là chấm dứt hôn nhân, không có nghĩa chấm dứt tình thân.
Những người lớn có thể bước ra khỏi cuộc hôn nhân nhưng những đứa trẻ thì không thể bước ra khỏi mối quan hệ ruột thịt.
"Chia con mỗi người nuôi một đứa có thể khiến trẻ bị tổn thương nặng nề về tâm lý. Trẻ bị chia tách khỏi anh chị em thường có cảm giác mất mát, cô đơn, giảm kỹ năng xã hội và dễ trầm cảm. Trẻ thiếu vắng sự hiện diện của cha hoặc mẹ trong thời gian dài cũng có thể bị lệch lạc về phát triển tâm lý giới tính và hành vi" - chuyên gia tâm lý Nguyễn Trung Tín lưu ý.
Ông Tín cho rằng cần duy trì sự hiện diện song hành của cả cha và mẹ trong cuộc sống của con, dù không còn là vợ chồng, để con thấy rằng tình yêu thương của cha mẹ dành cho con vẫn vẹn nguyên. Đặc biệt, việc ngăn cản mối liên hệ của trẻ với ông bà nội/ngoại là sự thiệt thòi lớn, tước đi một nguồn yêu thương và chăm sóc cần thiết.
"Giữ quan hệ với ông bà là mối dây ràng buộc tạo nền tảng tinh thần cho trẻ. Vì vậy, nên tạo điều kiện để con được gặp gỡ, gần gũi ông bà hai bên. Nếu cần, có thể thiết lập lịch thăm gặp rõ ràng, tạo sự ổn định cho trẻ" - ông Nguyễn Trung Tín khuyên.
Hạnh phúc là sự lựa chọn của người lớn nhưng tương lai là của những đứa trẻ. Hãy bao dung, thấu hiểu để con trẻ vẫn có thể lớn lên trong tình thương trọn vẹn.
Bình luận (0)