Đại hội là dịp chỉnh đốn đội ngũ
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về vai trò lãnh đạo của Đảng đã chỉ rõ rằng phải luôn chỉnh đốn tổ chức, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn
Hiện nay, các tổ chức Đảng ở cơ sở đang tập trung quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị (Chỉ thị 35) về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021). Nhân dịp này, xin trao đổi mấy suy nghĩ như sau:
Công việc của toàn dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về vai trò lãnh đạo của Đảng đã chỉ rõ: "Đảng phải giữ vững chế độ dân chủ tập trung. Phải luôn luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn. Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, đó là đường lối xây dựng Đảng. Đó không những là công việc của Đảng và của Đảng viên mà cũng là của toàn dân ta…".
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng Đảng và công tác cán bộ rất sáng suốt và rõ ràng là vậy nhưng thực tiễn trong thời gian gần đây, chúng ta thấy hàng loạt cán bộ chủ chốt ở các cấp đã có những vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật Đảng. Điều này cho thấy quyết tâm của Đảng ta trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, cũng phải đặt ra một vấn đề là phải chăng công tác chuẩn bị về nhân sự cho đại hội Đảng bộ các cấp ở các nhiệm kỳ trước là chưa thật tốt?
Qua lắng nghe phản ảnh từ cơ sở thì trước thềm đại hội Đảng bộ các cấp, thậm chí ở cấp chi bộ, lâu nay có chuyện xầm xì việc người được quy hoạch ra ứng cử vào cấp ủy âm thầm tiến hành các bước "vận động ngầm", mà một trong những biểu hiện dễ thấy là họ thay đổi hẳn thái độ đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền, như: ứng xử với cấp dưới "mềm dẻo" thân thiện hơn, đi cơ sở nhiều hơn, chịu khó lắng nghe đề xuất của cấp dưới hơn, tỏ ra quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần của công nhân, người lao động… chứ không như trước đó chỉ nghe báo cáo tình hình qua văn phòng.
Những ứng xử "lạ" như nêu trên là một cách "mua phiếu" trước thềm đại hội, không thể qua mắt được thuộc cấp và cán bộ, Đảng viên dưới quyền nhưng vì sao ít thấy ai lên tiếng phòng chống? Vậy nên, để giữ vững sự trong sáng, kỷ cương, kỷ luật của Đảng thì trước đại hội sắp đến, những hành vi như trên cần phải được ngăn chặn bằng việc quán triệt đến các nhân sự được giới thiệu, tuyên truyền đến tận từng Đảng viên để thấy trách nhiệm của mình.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu tham gia kỳ họp Bộ Chính trị vào ngày 21-6-2019 để phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: TTXVN
Phát huy sức mạnh tổng hợp
Về công tác nhân sự, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng với tiêu đề "Chuẩn bị và tổ chức thật tốt Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng".
Trong bài viết này, có đoạn: "…Thông qua công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội để tập hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; củng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ. Mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và Đảng viên phải xác định đại hội là dịp để chỉnh đốn đội ngũ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần dân chủ, sáng tạo và trách nhiệm để tham gia có hiệu quả nhất vào các quyết định của đại hội...".
Đây là một nội dung hết sức quan trọng trong nhiệm vụ đầu tiên khi bắt tay vào công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội ở mỗi cấp, nhiệm vụ này có tính bao trùm lên toàn bộ hoạt động của các cấp ủy và trách nhiệm của mỗi đảng viên trong toàn Đảng.
Tăng cường kiểm soát
Khi đề cập đến vấn đề nhân sự cấp ủy từng cấp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Cần tăng cường kiểm soát công tác cán bộ và chuẩn bị nhân sự cấp ủy... Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm. Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", quan liêu, tham nhũng; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính...".
(Trích bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trên Tạp chí Tuyên giáo số 7, tháng 7-2019).