Miễn viện phí - giấc mơ dần thành hiện thực: Không chỉ trông chờ ngân sách

Cần chiến lược tổng thể gồm nguồn lực bền vững, y tế dự phòng và sự chung tay của nhà nước, người dân, cơ sở y tế, chứ không chỉ dựa vào ngân sách

Tổng Bí thư Tô Lâm đặt vấn đề đến năm 2030 miễn viện phí cho tất cả mọi người dân nhằm xây dựng xã hội có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Cần nguồn lực dài hạn

Miễn viện phí mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phù hợp xu thế chung và đáp ứng kỳ vọng của người dân. Dù vậy, đây là thách thức không nhỏ trong điều kiện kinh tế hiện tại và khi nhiều bệnh viện đang tự chủ tài chính.

Thực tế, tình hình sức khỏe người dân với nhiều bệnh lạ, bệnh hiểm nghèo, chi phí y tế phát sinh khó dự đoán và thường khá lớn, khác với tính ổn định tương đối của chi phí giáo dục, càng làm gia tăng khó khăn cho việc bảo đảm tài chính nếu thực hiện miễn viện phí.

Để hiện thực hóa mục tiêu cao đẹp này, đòi hỏi phải xây dựng một lộ trình bài bản, tính toán kỹ lưỡng. Giải pháp căn cơ trước mắt là chuẩn bị nguồn lực tài chính dài hạn, dựa vào ngân sách nhà nước và hình thành quỹ dự trữ y tế quốc gia. Công việc này cần được bắt đầu ngay từ bây giờ, Chính phủ và các địa phương phải chủ động tạo lập nguồn quỹ này một cách bền vững hằng năm, có như vậy mới mong đáp ứng được yêu cầu vào năm 2030.

Giải pháp đồng bộ

Để hiện thực hóa mục tiêu miễn viện phí, bên cạnh việc chuẩn bị nguồn lực tài chính, cần triển khai đồng bộ các giải pháp căn cơ, bắt đầu từ y tế dự phòng và nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân. Việc làm tốt công tác này, bao gồm dự báo tình hình, truyền thông hiệu quả về lối sống lành mạnh, sẽ giúp ngăn ngừa bệnh nặng, giảm đáng kể chi phí điều trị tốn kém và hiệu quả hơn nhiều so với chỉ tập trung chữa bệnh.

Hiện nay, các vấn đề như ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa bảo đảm, lối sống thiếu khoa học… là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh tật, tạo gánh nặng lớn cho xã hội. Do đó, việc miễn viện phí không chỉ là nỗ lực từ phía nhà nước mà cần sự chung tay của cả cộng đồng. Nhà nước cần tăng cường truyền thông kiến thức y học, kiểm soát chặt chẽ vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và chủ động phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Về phía người dân, cần nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách an sinh. Khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh sớm sẽ giúp điều trị hiệu quả với chi phí thấp hơn.

Miễn viện phí mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phù hợp xu thế chung và đáp ứng kỳ vọng của người dânẢnh: HẢI YẾN

Miễn viện phí mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phù hợp xu thế chung và đáp ứng kỳ vọng của người dânẢnh: HẢI YẾN

Lộ trình và vai trò các bên

Việc miễn viện phí cần được thực hiện theo lộ trình từng bước, bài bản. Trước mắt, Chính phủ và các địa phương có thể xây dựng kế hoạch khám sức khỏe định kỳ phổ cập miễn phí cho toàn dân. Đồng thời, cần phát huy tối đa vai trò của y tế cơ sở trong khám chữa bệnh ban đầu miễn phí, giúp giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên. Các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động cũng cần được khuyến khích xây dựng quỹ hỗ trợ y tế cho người lao động.

Đối với hệ thống bệnh viện tự chủ tài chính, cần có chính sách phù hợp để hài hòa giữa mục tiêu kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Dù là công hay tư, các bệnh viện đều hoạt động dựa trên nền tảng khoa học, pháp lý và hạ tầng chung do nhà nước bảo đảm, do đó đều có trách nhiệm nhất định trong việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh miễn phí ở một mức độ nào đó cho người dân.

Khi toàn xã hội, từ người dân đến các cơ sở y tế, cùng đồng lòng xây dựng nền y tế vì cộng đồng, mục tiêu miễn viện phí sẽ trở nên khả thi. Bên cạnh đó, việc duy trì một hệ thống y tế dịch vụ theo yêu cầu cho những người có khả năng chi trả cao hơn cũng là cần thiết để đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. 

Giấc mơ an sinh trong tầm với

Là người dân, giữa bộn bề lo toan cuộc sống, thông tin về định hướng miễn viện phí cho toàn dân vào năm 2030 thực sự đã chạm đến một niềm mong mỏi sâu thẳm trong tôi và có lẽ, trong rất nhiều người khác nữa. Đó không chỉ là một chính sách, đó là hiện thực hóa giấc mơ về sự an tâm, về một lưới an sinh vững chắc mà mọi công dân đều xứng đáng được hưởng.

Ai trong chúng ta chưa từng trải qua cảm giác lo lắng khi bản thân hay người thân không may đau ốm? Bên cạnh nỗi lo về sức khỏe, gánh nặng tài chính mang tên viện phí luôn là một nỗi ám ảnh vô hình. Nó có thể khiến một gia đình lao đao, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần chỉ sau một cơn bạo bệnh. Đã có biết bao trường hợp ngậm ngùi trì hoãn việc điều trị, chấp nhận sống chung với bệnh tật chỉ vì 2 chữ không tiền. Nỗi sợ chi phí vô hình trung trở thành rào cản lớn ngăn cách người dân, đặc biệt là người nghèo, người có thu nhập thấp, tiếp cận với dịch vụ y tế cần thiết.

Vì vậy, miễn viện phí mang đến một niềm hy vọng lớn lao. Đó là hy vọng về một tương lai mà khi đau ốm, người dân có thể mạnh dạn bước vào bệnh viện mà không phải đắn đo quá nhiều về túi tiền. Đó là sự an tâm khi biết rằng dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất, sức khỏe của mình và người thân vẫn được nhà nước và cộng đồng quan tâm, bảo vệ. Chính sách này, nếu thành hiện thực, sẽ giải phóng một gánh nặng tâm lý và kinh tế khổng lồ, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, cống hiến cho xã hội.

Tất nhiên, tôi hiểu rằng để biến mục tiêu cao đẹp này thành hiện thực là cả một thách thức không nhỏ nên cần những bước đi thận trọng, những giải pháp căn cơ và bền vững. Nhưng chính vì ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vì lợi ích thiết thực mà nó mang lại cho hàng triệu người dân, tôi tin rằng mọi nỗ lực đều hoàn toàn xứng đáng.

Miễn viện phí không chỉ là câu chuyện về tiền bạc, đó là câu chuyện về sự công bằng, về lòng nhân ái, về một xã hội thực sự chăm lo cho con người. Đó là biểu hiện rõ nét nhất của một nhà nước vì dân, đặt sức khỏe và hạnh phúc của người dân lên hàng đầu. Cá nhân tôi và chắc chắn là rất nhiều người dân khác đang dõi theo từng bước đi, đặt trọn niềm tin và kỳ vọng vào quyết tâm chính trị, vào sự chuẩn bị chu đáo của Đảng và nhà nước để giấc mơ an sinh này sớm ngày thành hiện thực, để không ai bị bỏ lại phía sau chỉ vì không đủ khả năng chi trả viện phí.

Nguyễn Nhật