Tin vui về sếu đầu đỏ ở Đồng Tháp

(NLĐO) - Hai cán bộ Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) đang sang Thái Lan để họp bàn kế hoạch đưa sếu đầu đỏ về Việt Nam nhằm bảo tồn loài sếu.

Ngày 11-4, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết vừa có buổi làm việc và ký kết biên bản ghi nhớ với Hội Sếu Quốc tế (ICF), Hiệp hội Vườn thú Việt Nam (VZA) về việc hợp tác bảo tồn sếu đầu đỏ.

"Hiện nay, 2 cán bộ của Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đang có chuyến công tác quan trọng tại Thái Lan để bàn thảo kế hoạch với Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan nhằm đưa sếu về Việt Nam" – ông Thiện cho biết thêm.

Tin vui về sếu đầu đỏ ở Đồng Tháp - Ảnh 1.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, Hội Sếu Quốc tế và Hiệp Hội Vườn thú Việt Nam chụp ảnh lưu niệm sau khi ký kết hợp tác bảo tồn sếu đầu đỏ. Ảnh CTTĐT.

Hơn một thập kỷ qua, số lượng sếu đầu đỏ hoang dã ở Việt Nam và Campuchia đã suy giảm hơn 80%. Theo đó, từ 850 cá thể được ghi nhận vào năm 2010, giảm xuống còn dưới 160 cá thể được ghi nhận trong cuộc điều tra quần thể gần đây nhất vào năm 2022.

Tin vui về sếu đầu đỏ ở Đồng Tháp - Ảnh 2.

Phối cảnh khu nuôi bảo tồn sếu thuộc Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Trước tình hình này, ICF sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác giữa các chương trình phục hồi quần thể sếu đầu đỏ ở Thái Lan và Việt Nam. Đồng thời, ICF, VZA và Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan sẽ tư vấn kỹ thuật, đào tạo cán bộ cho Vườn Quốc gia Tràm Chim về việc nuôi, thả, giám sát sếu đầu đỏ, quản lý môi trường sống của sếu trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Đối với Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan, hàng năm, tùy theo nhu cầu và khả năng sẽ cung cấp sếu đầu đỏ con cho Vườn Quốc gia Tràm Chim để nuôi tiếp tục và thả về tự nhiên. Quá trình này tuân theo quy định pháp lý của quốc gia và Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan, cũng như sự an toàn của động vật.

Tin vui về sếu đầu đỏ ở Đồng Tháp - Ảnh 3.

Khu A4 và vùng đệm thuộc Vườn quốc gia Tràm Chim, nơi thả sếu ra tự nhiên.

Hiện nay, Đồng Tháp đang quy hoạch khu A4 thuộc Vườn quốc gia Tràm Chim là nơi thả nuôi sếu ra tự nhiên. Xung quanh khu vực này là vùng đệm với diện tích 1.623 ha sẽ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Trong thời gian chờ nhận sếu từ Thái Lan chuyển về, Vườn Quốc gia Tràm Chim đang cải tạo môi trường sinh thái tự nhiên để sếu có thể thích nghi và gắn bó lâu dài.