Mua hàng online: Coi chừng "tiền mất, tật mang" vì thiếu kiểm chứng

(NLĐO) - Sở Công Thương TP HCM cho biết hàng hóa được quảng cáo trên mạng có thể không giống với thực tế, đặc biệt là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...

Chiều 15-5, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương TP HCM, đã thông tin về chất lượng hàng hóa trên môi trường mạng.

Ông Huy cho biết hiện nay, công tác quản lý chất lượng hàng hóa trên môi trường mạng còn gặp nhiều thách thức do tính ẩn danh, tính xuyên biên giới và sự phát triển nhanh của công nghệ.

Mua hàng online: Coi chừng "tiền mất, tật mang" vì thiếu kiểm chứng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường thông tin tại buổi họp báo chiều 15-5; Ảnh: PHAN ANH

Số lượng giao dịch khổng lồ, sự đa dạng của các loại hình kinh doanh (từ các sàn thương mại điện tử lớn đến các website bán hàng cá nhân, bán hàng qua mạng xã hội) và chủ thể tham gia đông đảo khiến việc bao quát, giám sát trở nên vô cùng khó khăn.

Nhiều đối tượng kinh doanh không công khai địa chỉ, không đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng tài khoản mạng xã hội, sàn thương mại điện tử trung gian để chào bán hàng hóa; gây khó khăn trong việc xác định chủ thể và xử lý hành vi vi phạm.

Mặt khác, hàng hóa được quảng cáo trên mạng có thể không giống với thực tế, đặc biệt là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng nhanh. Nhiều sản phẩm không có nhãn phụ, hóa đơn chứng từ hoặc nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Một số hành vi vi phạm trên môi trường mạng hiện nay vẫn chưa có quy định xử lý cụ thể hoặc mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng tái phạm.

Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn tâm lý ham rẻ, dễ bị thu hút bởi các quảng cáo cường điệu, sai sự thật và chưa có thói quen kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, người bán trước khi giao dịch.

Để ngăn chặn và giải quyết hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường mạng, Sở Công Thương TP HCM đã tham mưu hoàn thiện chính sách quản lý liên quan đến hoạt động thương mại điện tử theo hướng phù hợp với thực tiễn. Trong đó có việc quản lý tài khoản ảo, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng mức chế tài xử phạt để đủ sức răn đe.

Sở Công Thương TP HCM cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường TP HCM phối hợp với các cơ quan chức năng mở đợt tấn công cao điểm từ 15-5 đến 15-6 để đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ... theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Xử lý 393 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động thương mại điện tử

Từ năm 2024 đến tháng 5-2025, Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra, xử lý 393 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

Các hành vi vi phạm chủ yếu: kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định…

Cơ quan chức năng đã tạm giữ gần 129.000 đơn vị sản phẩm, gồm vàng, trang sức, quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm… có tổng trị giá hơn 8,8 tỉ đồng và đã xử phạt với số tiền hơn 8 tỉ đồng.