Thời gian gần đây, lộ thông tin cá nhân khi mua hàng online đang trở thành vấn nạn. Đỉnh điểm của vấn nạn khi mới đây, nhiều người phản ánh đơn hàng được giao bởi Viettel Post có thể bị lộ lọt thông tin nên đối tượng xấu có thể đọc đúng tên, sản phẩm.

Cần tăng mức xử phạt để bảo vệ thông tin, dữ liệu của người dùng khi mua sắm online
Chị Lan Dung, một người tiêu dùng ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), phản ánh thường xuyên nhận được các cuộc gọi của nhân viên giao hàng rằng có đơn hàng sắp chuyển đến, "nhiều lần tôi phải quát lên trong điện thoại là có đặt hàng đâu mà nhận" - chị cho hay.
Lợi dụng thói quen nhận hàng từ xa và chuyển khoản dù chưa kiểm hàng, nhiều đối tượng đã có dữ liệu đọc đúng đơn hàng, số tiền để người dùng tin tưởng chuyển khoản, dẫn đến bị lừa đảo, mất tiền oan.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết hiện chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử thực hiện theo Điều 69 Nghi định 52 năm 2013 về thương mại điện tử.
Theo đó, nếu như doanh nghiệp hoặc chủ sàn giao dịch vi phạm những quy định về bảo mật thông tin khách hàng sẽ bị xử phạt hành chính.
Mức xử phạt hành chính được quy định tại Nghị định số 15 năm 2020 với số tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Tuy vậy, trước thực trạng nhức nhối trên, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến nghị cần tiếp tục rà soát các quy định hiện hành về pháp luật bảo mật thông tin của người tiêu dùng, qua đó sửa đổi những quy định còn chồng chéo hoặc không còn phù hợp để hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo mật thông tin trong thương mại điện tử cho đồng bộ, nhất quán với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Cụ thể hóa các trường hợp được yêu cầu cung cấp thông tin; trường hợp cấm, hạn chế cung cấp thông tin nhằm bảo đảm thuận lợi trong việc quản lý và thực thi pháp luật của các doanh nghiệp, bảo đảm quyền được bảo mật thông tin của người tiêu dùng (có thể tham khảo pháp luật của Singapore).
"Cần hướng dẫn rõ ràng quy định doanh nghiệp được phép cung cấp thông tin người tiêu dùng cho nội bộ của doanh nghiệp" - Ủy ban Cạnh tranh quốc gia nhấn mạnh.
Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, các quy định về xử lý vi phạm bảo mật thông tin cần có các biện pháp đảm bảo để được thực thi có hiệu quả hạn chế sự biến tướng của các tội phạm công nghệ cao khi mức xử phạt còn hạn chế.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi nhằm tạo sự thống nhất liên quan đến mức xử lý vi phạm hành chính; đồng thời bổ sung các chế tài hình sự nhằm xử lý các hành vi vi phạm nghĩa vụ bảo mật các thông tin khác của người tiêu dùng.
Bình luận (0)