Mưa lũ ngày càng cực đoan, khó lường
Những cơn bão trái mùa, những trận mưa xối xả gây lũ lụt lịch sử ngay khi chưa vào cao điểm mùa mưa đang gióng lên hồi chuông báo động
Theo quy luật khí hậu, tháng 7 và tháng 8 hằng năm mới là cao điểm mùa mưa lũ ở miền Bắc. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, khu vực này đã liên tiếp hứng chịu nhiều đợt mưa lớn diện rộng.
Mưa bão không còn theo quy luật
Thống kê từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho thấy riêng trong tháng 6-2025, khu vực Bắc Bộ đã xảy ra gần 20 ngày mưa. Trong đó, đợt mưa dài nhất là 8 ngày (từ ngày 3 đến 10-6), các đợt khác kéo dài 3-4 ngày.
Tại miền Trung, đợt mưa lũ từ ngày 10 đến 14-6 là do ảnh hưởng bão số 1 (Wutip) có tính chất đặc biệt, bất thường và cực đoan, hiếm gặp trong lịch sử khí tượng thủy văn khu vực này. Đây là cơn bão đầu tiên trên biển Đông xuất hiện trong tháng 6 sau hơn 40 năm, đồng thời là cơn bão đầu tiên gây mưa đặc biệt lớn ở Trung Trung Bộ trong tháng 6 kể từ năm 1952, với lượng mưa vượt xa các kỷ lục trước đây.
Mưa rất to đến đặc biệt to đã xảy ra trên diện rộng từ Nam Hà Tĩnh đến Quảng Nam (cũ), tổng lượng mưa phổ biến 250-550 mm, nhiều nơi trên 800 mm. Trạm Bạch Mã (TP Huế) ghi nhận mức 1.203 mm trong 3 ngày - cao nhất lịch sử trong tháng 6, vượt kỷ lục 410 mm/ngày tại Nam Đông (TP Huế) năm 1983. Bất thường hơn, có tới 32 trạm ghi nhận lượng mưa trong 6 giờ vượt 200 mm, trong đó trạm Lộc Trì (TP Huế) ghi nhận tới 319,4 mm trong 6 giờ - mức cực đoan hiếm thấy trong chuỗi số liệu tháng 6.

Báo Người Lao Động tặng quà cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng (cũ). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hoàn lưu bão số 1 đã gây ra một đợt lũ lớn sớm và bất thường, tập trung từ ngày 11 đến 14-6 trên các sông từ Nam Quảng Bình (cũ) đến Quảng Nam (cũ). Đỉnh lũ phổ biến ở mức báo động 2-3, có nơi vượt báo động 3. Cụ thể, sông Thạch Hãn (6,04 m) và sông Bồ (4,50 m) đều ghi nhận đỉnh lũ cao nhất trong tháng 6 trong vòng 30 năm qua. Đợt thiên tai này cho thấy sự dịch chuyển về thời vụ, mức độ cực đoan của thời tiết, khí hậu ngày càng bất thường và khó lường.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình (cũ), Quảng Trị (cũ), Huế, Đà Nẵng (cũ) và Quảng Nam (cũ), bão số 1 và mưa lũ đã khiến 9 người tử vong, gần 100 căn nhà bị sập đổ, hư hỏng; 59.988 ha lúa, hoa màu bị ngập; 2.341 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; 8 tàu bị chìm, hư hỏng.
Cuối tháng 6 vừa qua, mưa lớn ở tỉnh Thái Nguyên (cũ) đã khiến 2 cháu bé thiệt mạng do lũ cuốn. Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên (cũ) cho thấy từ 16 giờ ngày 29 đến 16 giờ, ngày 30-6, địa phương này có mưa rất to, nhiều nơi lượng mưa trên 100 mm.
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa tháng 6-2025 tại Sông Mã (Sơn La) là 379 mm, vượt kỷ lục năm 1995 là 11 mm; Thái Nguyên (cũ) 994 mm, vượt kỷ lục năm 1979 khoảng 6 mm; Lạng Sơn 442 mm, vượt kỷ lục năm 1978 hơn 100 mm; Bắc Giang (cũ) 562 mm, vượt kỷ lục năm 1986 hơn 50 mm; Hoành Sơn (Hà Tĩnh) 364,5 mm, vượt kỷ lục năm 2021 là 119 mm.
Do mưa nhiều nên dù đã vào hè, thời tiết miền Bắc không quá nóng. Trong tháng 6, miền Bắc chỉ ghi nhận 3 đợt nắng nóng (nhiệt độ cao nhất trong ngày trên 35 độ C) nhưng không kéo dài.
Thách thức mọi dự báo
Theo TS Trương Bá Kiên - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu - do tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan với tần suất và cường độ gia tăng xảy ra nhiều hơn.
ENSO trung tính là trạng thái mà cả El Niño và La Niña đều không có hiệu lực, các điều kiện khí hậu toàn cầu trở nên khó dự đoán hơn. Với trạng thái ENSO trung tính như năm nay, TS Trương Bá Kiên cho rằng các đợt mưa lớn thường xuất hiện xen kẽ, có thể là một đợt mưa lớn, sau đó tạm ngưng rồi đến giai đoạn nắng nóng, tiếp theo là dông bão, rồi lại tái diễn chu kỳ tương tự. Do vậy, dù tổng lượng mưa cả năm dự báo ở mức trung bình nhiều năm nhưng xác suất xảy ra các đợt mưa lớn, cường độ cao là khá lớn, mang tính biến động cao và khó dự báo chính xác.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho rằng mưa lớn kỷ lục không chỉ xảy ra trong mùa mưa mà đã trở nên thông thường, thậm chí xuất hiện ngay trong những tháng mùa khô. Nguyên nhân là do tác động của ENSO và biến đổi khí hậu toàn cầu làm gia tăng tính bất thường, cực đoan của thời tiết. Điều này dẫn đến các đợt mưa lớn bất ngờ, thời gian ngắn nhưng cường độ rất mạnh, gây khó khăn trong dự báo và ứng phó.
Theo ông Khiêm, tổng lượng mưa có thể ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm nhưng lại xuất hiện dồn dập trong thời gian ngắn (1 giờ, 3 giờ hay 6 giờ). Đây là yếu tố bất thường xảy ra trong thời gian qua và có thể xuất hiện nhiều hơn.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân và chính quyền các cấp, đặc biệt ở khu vực miền núi, đô thị và vùng trũng thấp, cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo mưa lớn và thời tiết nguy hiểm từ cơ quan khí tượng thủy văn. Bên cạnh đó, cần chủ động các phương án phòng tránh và ứng phó phù hợp với điều kiện từng khu vực, bao gồm sơ tán dân cư khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước tại đô thị và dự trữ các vật tư, thiết bị cần thiết…
"Trong các bản tin dự báo, cảnh báo, chúng tôi luôn nhấn mạnh việc đề phòng các trận mưa lớn cục bộ gây ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất, ngập úng ở đô thị" - ông Khiêm nhấn mạnh, đồng thời cho biết đang đẩy mạnh ứng dụng AI để khâu dự báo nhanh, chính xác hơn.
Mưa tháng 7 dự báo cao hơn cùng kỳ 20%-50%
Tháng 7-2025, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo tổng lượng mưa phổ biến ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị (cũ) phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 20% - 50%. Khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một số đợt mưa lớn diện rộng. Người dân cần đề phòng mưa lớn có thể gây ra lũ lụt, ngập úng ở các vùng trũng và sạt lở đất ở vùng núi.