Muôn kiểu trừ lương

Bị trừ lương vì những lỗi không rõ ràng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và mất niềm tin vào môi trường làm việc của người lao động

"Tháng nào cũng hồi hộp không biết mình bị trừ bao nhiêu và trừ vì lỗi gì". Đó là chia sẻ của chị Lương Thị Hồng - công nhân một xưởng may ở phường Tân Tạo, TP HCM - về cảm giác mỗi lần nhận lương.

"Phạt nặng tay"

Dù đi làm đủ ngày, tăng ca liên tục nhưng khoản lương cuối tháng của chị thường bị "hao hụt" vì những lý do "vô lý nhưng không dám cãi".

Chị Hồng năm nay 32 tuổi, làm việc tại xưởng may này được 4 năm. Mức lương cơ bản khoảng 5,2 triệu đồng/tháng, cộng với tăng ca, thưởng chuyên cần, mỗi tháng chị nhận 7 - 8 triệu đồng. Thế nhưng, gần nửa năm nay, bảng lương của chị luôn thấp hơn bình thường từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng.

Chị kể bảng lương tháng 4 chị bị trừ 600.000 đồng vì gây lỗi kỹ thuật 6 lần, lương tháng 5 bị trừ 800.000 đồng vì bị 3 sản phẩm bị lỗi hoàn thiện. "Nhưng tôi không được đối chiếu sản phẩm lỗi hay giải trình. Mấy người cùng tổ cũng bị như vậy, chúng tôi có thắc mắc thì quản lý bảo đó là quy định từ trên, lên mà hỏi giám đốc" - chị Hồng bức xúc.

Không riêng gì xưởng may của chị Hồng, tình trạng trừ lương tùy tiện, không minh bạch đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là ở khối lao động phổ thông, nơi Công đoàn cơ sở yếu hoặc không có đại diện bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ).

Tại một công ty chế biến thực phẩm ở KCN Vĩnh Lộc (TP HCM), anh Phạm Văn Duy, nhân viên bảo trì thiết bị, cũng gặp tình cảnh tương tự. Dù là lao động kỹ thuật và có bằng trung cấp cơ khí, anh vẫn bị trừ từ 300.000 đến 1 triệu đồng vì những lỗi mà anh và đồng nghiệp không ngờ tới.

"Có tháng tôi bị trừ vì quản lý kiểm tra camera không thấy tôi ở xưởng, dù lúc đó tôi đang đi mua thiết bị. Có tháng tôi bị trừ tiền vì không báo cáo lỗi máy kịp thời gây ảnh hưởng dây chuyền trong khi tôi có báo cáo đầy đủ. Rồi họ nói mẫu báo cáo không đúng" - anh Duy bày tỏ.

Muôn kiểu trừ lương - Ảnh 1.

Trả lương công bằng, minh bạch không chỉ là nghĩa vụ pháp lý, mà còn là nền tảng giữ chân người lao động

Trong bảng lương, công ty ghi rất chung chung: "Trừ lỗi thao tác kỹ thuật", "Trừ vi phạm quy trình", không có biên bản cụ thể hay xác nhận lỗi từ NLĐ. Anh Duy cho biết từ đầu năm đến nay, anh đã bị trừ tổng cộng hơn 4 triệu đồng vì những lỗi "không nhìn thấy được".

Ngoài ra, có DN trừ nửa ngày công chỉ vì nhân viên đi trễ… 30 phút. Câu chuyện của chị Lưu Hoàng Chi Lê, nhân viên thiết kế tại một công ty nội thất ở phường An Phú Đông (TP HCM), là ví dụ điển hình cho kiểu "phạt nặng tay" này.

Chị Lê chia sẻ: "Mỗi ngày tôi phải đi hơn 10 km đến công ty. Có hôm kẹt xe cả 1 giờ trên đường. Dù chỉ trễ khoảng 20 - 30 phút nhưng mỗi lần như vậy công ty đều trừ luôn… nửa ngày lương. Không có ngoại lệ. Tôi bị dính 8 lần rồi".

Điều khiến chị bức xúc hơn là sự thiếu công bằng trong cách tính giờ công, vì có những hôm chị ở lại làm việc đến 21 giờ để hoàn thành bản vẽ nhưng không hề được ghi nhận là tăng ca. Còn đi muộn một chút là bị trừ thẳng tay, không cần giải trình.

Vi phạm luật lao động

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Trưởng Văn phòng Luật sư Đắc Nhân Tâm, cho biết theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do họ gây ra khi có lỗi rõ ràng; được xác minh bằng biên bản, có tham khảo ý kiến NLĐ và mức khấu trừ không quá 30% tiền lương thực nhận của tháng đó.

Bên cạnh đó, điều 94 cũng quy định tiền lương phải được trả đầy đủ, đúng hạn. Nếu DN có quy chế thưởng - phạt thì nội dung này phải được xây dựng công khai, có sự tham vấn của đại diện tập thể lao động. "Việc DN tự ý trừ lương với lý do mơ hồ như "không đạt tiêu chuẩn", "vi phạm quy trình" mà không có chứng cứ cụ thể là vi phạm nghiêm trọng. NLĐ có thể yêu cầu Công đoàn cơ sở, thanh tra lao động hoặc khởi kiện ra tòa án lao động để đòi quyền lợi" - luật sư Tâm nói.

TS Nguyễn Thị Minh Trang, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ lao động, đánh giá nhiều DN núp bóng "quy chế nội bộ", coi đó như công cụ để áp đặt quyền lực lên NLĐ.

Việc xây dựng các lỗi vi phạm "mềm dẻo" như lỗi thái độ, lỗi không báo cáo, lỗi chưa đạt chất lượng... giúp họ hợp thức hóa việc trừ lương mà không cần quy trình xử lý kỷ luật nghiêm ngặt như luật quy định.

"NLĐ trong nhóm trình độ thấp thường e ngại khiếu nại vì sợ mất việc, đặc biệt khi làm theo dạng hợp đồng thời vụ hoặc khoán sản phẩm. Ngoài ra, phần lớn không nắm được quy định pháp luật và thiếu sự hỗ trợ từ Công đoàn" - TS Trang nhìn nhận.

Do vậy, NLĐ cần chủ động giữ lại bảng chấm công, các phiếu báo lỗi, bảng lương hằng tháng và đề nghị công ty xác nhận rõ ràng lý do trừ lương. Nếu thấy bất hợp lý, hãy làm đơn gửi Công đoàn cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên, họ sẽ hỗ trợ xử lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ. 

Tăng cường đối thoại xã hội

Theo bà Ingrid Christensen, Giám đốc quốc gia ILO tại Việt Nam, đối thoại xã hội là một hợp phần quan trọng của Khung Chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026, được ký kết giữa ILO và đại diện cơ quan của Chính phủ, các tổ chức đại diện NLĐ và người sử dụng lao động. Chương trình thể hiện cam kết triển khai thực hiện các cơ chế tăng cường quản trị thị trường lao động và quan hệ lao động, trong đó đối thoại xã hội đóng vai trò then chốt.