Nam kỹ sư trầm cảm nặng vì rối loạn cương dương kéo dài

(NLĐO) - Nam kỹ sư 42 tuổi nhập viện trong tình trạng trầm cảm nặng, mất ngủ, có ý nghĩ tự tử sau thời gian dài chịu đựng rối loạn cương dương.

Bệnh nhân sống ở Hà Nội, có vợ và ba con, kinh tế gia đình ổn định. Cách đây gần hai năm, sau thời gian dài làm việc căng thẳng xuyên đêm, anh xuất hiện rối loạn giấc ngủ, thường xuyên mệt mỏi, mất tập trung và phải uống cà phê để tỉnh táo.

Nam kỹ sư trầm cảm nặng vì rối loạn cương dương kéo dài- Ảnh 1.

Bác sĩ tư vấn, thăm khám cho 1 nam bệnh nhân bị suy giảm chức năng tình dục. Ảnh: Hà Phương

Trầm cảm vì mất ngủ

Mỗi tối, dù lên giường lúc 23 giờ nhưng phải đến 1 - 2 giờ sáng bệnh nhân mới ngủ được, giấc ngủ chập chờn, không sâu. Cùng lúc, đời sống tình dục vợ chồng suy giảm, bệnh nhân khó cương cứng, giảm hứng thú, tự ý dùng thực phẩm chức năng nhưng không cải thiện lâu dài. Vợ phàn nàn về chất lượng "chuyện chăn gối", khiến anh ngày càng tự ti và rơi vào trạng thái bi quan.

Gần một năm nay, các triệu chứng trầm cảm rõ rệt hơn. Bệnh nhân có tình trạng chán ăn, sụt cân, mất ngủ kéo dài, cảm giác vô dụng, giảm hoạt động, ít ra ngoài, gần như không còn khả năng quan hệ tình dục.

Dù được điều trị ngoại trú, bệnh nhân vẫn buồn chán, tự ti và xuất hiện ý nghĩ muốn tự tử. Người thân cho biết anh là con thứ hai trong gia đình bốn anh em, người anh trai ruột đã tự sát cách đây 7 năm.

Khi nhập viện, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, nhưng tư duy bi quan, có ý tưởng tự tử. Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân bị trầm cảm nặng, cần điều trị nội trú và theo dõi sát tình trạng rối loạn chức năng tình dục kéo dài do có liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Chiều 14-7, chia sẻ tại tọa đàm về rối loạn cương dương và sức khỏe tâm thần, bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh, Phòng Rối loạn liên quan đến stress, sức khỏe tình dục và giới tính, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết sau 3 tuần điều trị kết hợp giữa thuốc, tư vấn tâm lý và phục hồi chức năng tình dục, bệnh nhân đã ổn định tâm lý, cởi mở hơn khi trao đổi về vấn đề sinh lý và có thể quan hệ tình dục trở lại.

Rối loạn cương dương có thể là dấu hiệu sớm của trầm cảm

Theo bác sĩ Trần Thị Thu Hà, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), rối loạn cương dương là một trong những rối loạn phổ biến nhất ở nam giới. Biểu hiện thường gặp là khó cương hoặc không duy trì được độ cương khi quan hệ, ngoài ra có thể đi kèm xuất tinh sớm, xuất tinh muộn, không đạt cực khoái...

Tại Việt Nam, nghiên cứu quy mô nhỏ tại một địa phương, với gần 750 nam giới đã ghi nhận gần 67% nam giới từ 20-60 tuổi từng gặp tình trạng này. Dự báo, năm 2025 thế giới có khoảng 322 triệu nam giới mắc rối loạn cương dương, gấp đôi so với năm 1995.

Bác sĩ Vân Anh chia sẻ về mối liên hệ giữa rối loạn cương dương và sức khỏe tâm thần

Nguyên nhân rối loạn cương dương có thể đến từ căng thẳng kéo dài, trầm cảm, rối loạn nội tiết, tác dụng phụ của thuốc điều trị hoặc lối sống thiếu lành mạnh như thức khuya, lạm dụng chất kích thích.

Theo bác sĩ Vân Anh, thời gian qua, nhiều bệnh nhân nhập viện vì trầm cảm, nhưng khi khai thác kỹ lâm sàng, phát hiện họ gặp rối loạn cương dương kéo dài. Đáng chú ý, phần lớn bệnh nhân là người trẻ tuổi, đang học tập hoặc làm việc trong môi trường áp lực cao.

Ngoài nguyên nhân tâm lý và công việc, một số trường hợp liên quan đến việc sử dụng chất gây nghiện hoặc thuốc hỗ trợ không rõ nguồn gốc.

Bác sĩ khuyên nam giới nên đi khám sớm khi có dấu hiệu rối loạn cương dương, không tự ý dùng thực phẩm chức năng hay giấu bệnh. Việc điều trị cần kết hợp thuốc, tư vấn và thay đổi lối sống.