Nghề giúp việc gia đình "lên đời"
Nghề giúp việc gia đình đang "lên đời" nhờ nền tảng công nghệ cho phép chọn lịch làm việc, thương lượng tiền công…
Trong lúc loay hoay tìm người giúp việc gia đình theo giờ, chị Lê Phương Hoa (ngụ phường Thủ Đức, TP HCM) được bạn bè giới thiệu ứng dụng Vua Thợ - nền tảng công nghệ chuyên kết nối các dịch vụ lao động phổ thông, trong đó có giúp việc nhà.
Tiện cả đôi bên
Ứng dụng Vua Thợ do Công ty TNHH Công nghệ Vua Thợ (phường An Khánh, TP HCM) phát triển vào năm 2023. Ứng dụng này tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích yêu cầu của khách hàng, từ đó tự động ghép nối với người lao động (NLĐ) phù hợp về kỹ năng, vị trí địa lý.

Người giúp việc theo giờ sử dụng ứng dụng Vua Thợ để nhận lịch làm việc tại TP HCM. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Qua trải nghiệm, chị Hoa cho hay nhờ công nghệ này, thời gian tìm kiếm và chờ đợi được rút ngắn đáng kể trong khi khả năng kết nối việc làm và chất lượng dịch vụ lại được nâng cao. Chỉ nhập yêu cầu "tìm giúp việc theo giờ", chị lập tức nhận được danh sách 4 người phù hợp với mức tiền công dao động 50.000 - 80.000 đồng/giờ.
"Dựa trên hồ sơ cá nhân, hình ảnh và đánh giá của khách hàng trước, tôi dễ dàng chọn được một chị giúp việc ngoài 40 tuổi... Mọi thứ rõ ràng, nhanh gọn và đáng tin cậy, tôi thấy yên tâm hơn nhiều so với tìm qua người quen hoặc trung gian" - chị Hoa đánh giá.
Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên - 45 tuổi, quê Đồng Tháp - mỗi ngày đều đặn di chuyển nhiều nơi ở TP HCM để giúp việc theo giờ. Không thông qua ai giới thiệu, không bị ép giá cũng không lệ thuộc vào trung tâm nào, công việc của bà được quản lý hoàn toàn qua ứng dụng bTaskee. Đây là một nền tảng công nghệ chuyên kết nối người giúp việc và khách hàng.
Bà Quyên cho biết bà có thể chủ động chọn khu vực giúp việc nhà, giờ làm, biết rõ khách là ai và được báo trước tiền công. "Nếu làm tốt, khách đánh giá 5 sao thì mình dễ có thêm việc. Tất cả minh bạch, công bằng nên tôi thấy rất thoải mái" - bà bày tỏ.
Chuyên nghiệp hóa
Là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực giúp việc nhà tại Việt Nam, Công ty TNHH bTaskee (phường Diên Hồng, TP HCM), nhiều năm qua xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tiện ích thông qua hai ứng dụng chính: bTaskee dành cho khách hàng và bTaskee Partner dành cho cộng tác viên.
Công ty TNHH bTaskee cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam thành lập trung tâm đào tạo nghề giúp việc và phát triển cộng đồng Tasker - nơi các cộng tác viên có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và phát triển nghề nghiệp bền vững.
Hai nền tảng này đóng vai trò cầu nối trực tiếp giữa người cần dịch vụ với người cung cấp, cho phép đôi bên chủ động đăng - nhận việc nhanh chóng chỉ với vài thao tác trên điện thoại. Đến nay, bTaskee đã phục vụ hơn 1 triệu khách hàng và tạo thu nhập ổn định cho trên 10.000 cộng tác viên ở hơn 20 tỉnh, thành. Không những thế, bTaskee còn từng bước mở rộng hoạt động ra khu vực Đông Nam Á với sự hiện diện tại Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Ông Nathan Do - CEO, nhà sáng lập Công ty TNHH bTaskee, cho biết từ các dịch vụ truyền thống, bTaskee phát triển hệ sinh thái lên đến 18 loại dịch vụ, gồm: nấu ăn, đi chợ, trông trẻ, giặt ủi, khử khuẩn, chuyển nhà… bTaskee hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng dịch vụ gia đình toàn diện hàng đầu khu vực.
Trong khi đó, cũng với mục tiêu số hóa ngành dịch vụ, nền tảng Vua Thợ đang xây dựng hệ sinh thái lao động phổ thông theo hướng bền vững. Theo ông Tống Phước Đại, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Vua Thợ, nền tảng này ưu tiên tạo tác động xã hội hơn là lợi nhuận, nhằm giúp người lao động "sống được bằng nghề".
Vua Thợ đã thu hút khoảng 500 người giúp việc hoạt động tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số đô thị lớn khác. "Chúng tôi đang triển khai các chính sách về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ tai nạn nghề nghiệp, nhất là với lao động lớn tuổi, nhằm nâng cao chất lượng sống, hướng đến phát triển bền vững ngành dịch vụ gia đình trong thời đại số" - ông Đại cho biết.

Một lớp đào tạo kỹ năng nghề giúp việc do Công ty TNHH bTaskee tổ chức dành cho cộng tác viên mới. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Tạo sự minh bạch, an toàn
Người giúp việc không chỉ dọn dẹp, nấu ăn mà còn phải biết chăm sóc người cao tuổi, sử dụng thiết bị gia dụng hiện đại, giao tiếp lịch sự. Đây là công việc có kỹ năng, đáng được xã hội công nhận và công nghệ đang giúp tái định nghĩa nghề này.
Các ứng dụng kết nối giúp việc tạo ra môi trường minh bạch và an toàn hơn cho NLĐ. Họ có quyền từ chối công việc nếu điều kiện không phù hợp, được hỗ trợ khi xảy ra tranh chấp. Một số doanh nghiệp còn cung cấp bảo hiểm tai nạn, đồng phục, bảng tên và tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ nhằm nâng cao hình ảnh nghề nghiệp.
Về phía khách hàng, việc tìm người không còn phụ thuộc vào lời giới thiệu hay cảm tính. Thay vào đó, họ có thể chọn người đã được kiểm tra lý lịch, đào tạo và có đánh giá rõ ràng trên ứng dụng. Chính sự rõ ràng trong tiêu chuẩn và quy trình tạo ra niềm tin hai chiều giữa người thuê và người làm, giúp nghề giúp việc phát triển bền vững hơn.
Tuy nhiên, theo luật sư Trương Văn Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, một số chính sách pháp lý hiện nay vẫn chưa theo kịp tốc độ cuộc sống. Bộ Luật Lao động 2019 đã có chương riêng cho lao động giúp việc gia đình nhưng việc thực thi còn nhiều bất cập, nhất là với nhóm lao động tự do không ký hợp đồng.
"Nếu có khung pháp lý chặt chẽ, kết hợp với hệ sinh thái số minh bạch, nghề giúp việc hoàn toàn có thể trở thành một phần thiết yếu của nền kinh tế dịch vụ hiện đại" - luật sư Trương Văn Tuấn nhìn nhận.