Ngòi bút chạm đến trái tim người lính

Hiệu quả truyền thông và giá trị tinh thần sâu rộng mà chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" mang lại chính là phần thưởng lớn dành cho Báo Người Lao Động

Trong suốt quá trình công tác, tôi đã có cơ hội làm việc và tiếp xúc nhiều cơ quan báo chí. Nhưng với tôi, Báo Người Lao Động luôn để lại ấn tượng đặc biệt - không chỉ là một tờ báo giàu truyền thống cách mạng mà còn là một người bạn đồng hành thủy chung, một người chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền giữa thời bình.

Những năm gần đây, khi chủ quyền biển đảo trở thành mối quan tâm chung của toàn dân tộc, Báo Người Lao Động đã không ngừng khẳng định vai trò tiên phong trong việc lan tỏa tinh thần yêu nước, ý chí bảo vệ Tổ quốc bằng những chương trình, hoạt động sâu sắc, đầy cảm xúc và tạo hiệu ứng xã hội cao.

Là người lính hải quân, tôi nhiều lần xúc động khi đọc những bài viết của cuộc thi "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"; những bộ ảnh chất chứa niềm tự hào từ cuộc thi "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" của Báo Người Lao Động. Những tác phẩm ấy không đơn thuần là sản phẩm báo chí, mà chính là tiếng nói từ trái tim của những ngòi bút yêu nước chân thành, dấn thân, đi đến tận cùng, chạm được vào cảm xúc của người lính nơi đầu sóng ngọn gió hay biên giới xa xôi.

Tôi đặc biệt ấn tượng với chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" do Báo Người Lao Động phát động, thực hiện. Đây là một sáng kiến vừa có chiều sâu chính trị vừa lan tỏa giá trị biểu tượng đầy xúc động của Quốc kỳ.

Các hoạt động trao tặng cờ Tổ quốc không chỉ tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho ngư dân bám biển, lực lượng vũ trang, kiều bào... mà còn góp phần cụ thể hóa chủ quyền bằng chính hành động của người dân. Lá cờ Tổ quốc tung bay giữa đại dương là tuyên ngôn sống động khẳng định: "Biển của Việt Nam - người dân Việt Nam đang bám biển và gìn giữ từng ngày".

Ngòi bút chạm đến trái tim người lính- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thiện Nhân (bìa trái) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, Đại biểu Quốc hội khóa XV và ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo - trao giải Nhất cuộc thi “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm” năm 2023-2024Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" vừa được vinh danh giải nhì Giải thưởng Sáng tạo TP HCM lần thứ 4 - năm 2025. Đây là sự tôn vinh hoàn toàn xứng đáng. Nhưng hơn cả giải thưởng, chính hiệu quả truyền thông và giá trị tinh thần sâu rộng mà chương trình mang lại mới là phần thưởng lớn nhất. Nhìn những lá cờ Tổ quốc giữa trùng khơi, trò chuyện cùng ngư dân, tôi thực sự xúc động khi nghe những lời bày tỏ: "Có lá cờ mang theo trên biển là thấy Tổ quốc hiện diện ngay bên mình, chúng tôi yên tâm bám đảo, bám biển để ổn định sinh kế lâu dài". Tình yêu nước có khi bắt đầu từ những điều rất giản dị như thế.

Với riêng mình - một người lính từng nhiều năm gắn bó cùng biển đảo, tôi cảm nhận rõ ngòi bút yêu nước của các phóng viên, nhà báo của Báo Người Lao Động đã chạm đến trái tim người lính. Đó là sự đồng cảm, cổ vũ, tiếp sức tinh thần và gắn kết giữa báo chí cách mạng với lực lượng vũ trang - những người đang ngày đêm canh giữ chủ quyền đất nước.

Tôi thực sự trân trọng tinh thần dấn thân và trách nhiệm xã hội của những người làm báo. Họ đã đến với Trường Sa, nhà giàn, vùng sâu, vùng xa; họ đã sống cùng cán bộ, chiến sĩ, đồng bào... để những bài viết không chỉ là thông tin, mà còn là những nhịp đập chân thực của cuộc sống. Không làm truyền thông theo xu hướng nhất thời, họ kiên trì theo đuổi giá trị bền vững: Khơi dậy tình yêu Tổ quốc, tinh thần đoàn kết dân tộc và trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Báo Người Lao Động (28.7.1975 - 28.7.2025), tôi xin gửi đến toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của báo lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Mong rằng các đồng chí sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa lý tưởng, ngọn lửa yêu nước để đồng hành với bạn đọc, tiếp tục là một lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, góp phần giữ gìn và khẳng định chủ quyền quốc gia trong kỷ nguyên mới. 

Ông PHẠM TIẾN NAM - Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy các Cơ quan Đảng tỉnh Quảng Trị:

Bền bỉ khơi dậy tinh thần nhân ái, sẻ chia

Tôi vẫn nhớ lần đầu được một phóng viên Báo Người Lao Động gọi điện trao đổi thông tin khi đang công tác ở một huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình trước đây. Phóng viên có giọng nói rõ ràng, nội dung hỏi rất đúng mực và sâu sắc. Ấn tượng đó để lại trong tôi một điều giản dị: Người Lao Động là một tờ báo làm nghề bằng "chữ tâm" và giữ nghề bằng "chữ tín".

Những năm qua, Báo Người Lao Động là tờ báo lớn của công nhân - lao động và là người bạn đồng hành đáng tin cậy của chính quyền các địa phương cả nước. Sau khi sáp nhập với Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị mới dù còn nhiều khó khăn nhưng giàu khát vọng, và tôi luôn trân trọng sự quan tâm, sẻ chia, đồng hành của báo qua từng bài viết, từng chuyên mục.

Giai đoạn tôi làm Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Bình trước đây, Báo Người Lao Động nhiều lần lên tiếng rất kịp thời về những vấn đề mà xã hội quan tâm như đời sống người dân, an sinh xã hội, chuyện giữ rừng, chống thiên tai, phục hồi sản xuất sau bão lũ... Đó là tiếng nói trách nhiệm, gắn bó và có chiều sâu của một cơ quan báo chí.

Điều khiến tôi thực sự ấn tượng là bên cạnh các tuyến bài chính trị, kinh tế - xã hội, Báo Người Lao Động luôn duy trì mảng nội dung nhân ái một cách bền bỉ, đầy cảm xúc. Chương trình "Tự hào Cờ Tổ quốc" là một trong những điển hình với sức lan tỏa rất lớn. Bên cạnh đó, những chương trình như "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" trong đại dịch COVID-19 hay "Trái tim miền Trung", "Hướng về miền Bắc yêu thương"... sau các đợt bão lũ, thiên tai đã khơi dậy tinh thần sẻ chia, "lá lành đùm lá rách" - điều rất cần trong xã hội hôm nay.

Với hành trình phía trước, tôi kỳ vọng Báo Người Lao Động tiếp tục phát huy hơn nữa trách nhiệm xã hội và tính nhân văn, là cầu nối giữa người cần giúp đỡ và những tấm lòng muốn sẻ chia. Trong bối cảnh hiện nay, rất cần tiếng nói của một tờ báo có trách nhiệm, có lòng trắc ẩn, để "không ai bị bỏ lại phía sau".

Mong Báo Người Lao Động bước vào tuổi 50 với thật nhiều năng lượng, giữ vững "chất riêng" của một tờ báo gần dân, trách nhiệm với người lao động; tiếp tục là ngọn lửa thắp lên niềm tin, tình yêu nước và trách nhiệm với dân tộc trong lòng bạn đọc cả nước.

Ông TRẦN HIẾU HÙNG, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau:

Vẫn tràn đầy nhiệt huyết

Người dân Cà Mau - vùng đất cực Nam của Tổ quốc - rất phấn khởi khi chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" được Báo Người Lao Động triển khai thực hiện tại địa phương.

Trong từng chuyến ra khơi khai thác hải sản, cờ đỏ sao vàng tung bay trên những con tàu đã góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Qua đó, ngư dân luôn cảm nhận được Tổ quốc trong tim mình, luôn tin tưởng biển cả quê hương che chở cho những con tàu ngày đêm bám biển... Chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho ngư dân nói riêng và người dân nói chung trong việc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

Tôi tin rằng bước qua tuổi 50, Báo Người Lao Động vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết, mang hơi thở của cuộc sống trong từng câu chữ; chuyển tải những thông điệp tích cực trong từng chuyên mục, chuyên đề; sắc bén trong những trang phóng sự và đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu.

Với riêng lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, tôi kỳ vọng Báo Người Lao Động sẽ tập trung phản ánh, xây dựng những chuyên đề chuyên sâu về du lịch, thể thao và nghệ thuật, qua đó gắn bó hơn với ngành văn hóa, thể thao và du lịch địa phương.

Tôi đặc biệt ấn tượng với chương trình "Mai Vàng tri ân" - trước đây là "Mai Vàng nhân ái" - do Báo Người Lao Động thực hiện. Chương trình đem lại nguồn động viên to lớn, là sự tôn vinh xứng đáng đối với các văn nghệ sĩ, nhà giáo, nhà trí thức, khoa học... Chương trình đã góp phần giúp thế hệ văn nghệ sĩ trẻ vừa tự hào về nghề nghiệp vừa ý thức được trách nhiệm của mình để trau dồi nghề nghiệp, hoàn thiện kỹ năng, đạo đức nhằm cống hiến nhiều hơn cho xã hội.

Hoàng Phúc - Vân Du ghi