Bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; là yếu tố quan trọng để đất nước phát triển bền vững. Trong chức năng, nhiệm vụ của mình, báo chí cũng đã và đang góp phần tích cực cho công cuộc này, mà điển hình phải kể đến là cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" của Báo Người Lao Động.
Cuộc thi lớn của cơ quan báo chí
Trong bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của nước ta có cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức xen kẽ. Các quốc gia trong khu vực chuyển từ biên giới ngăn cách sang biên giới hợp tác theo pháp luật quốc tế là xu thế chủ yếu. Trong khi đó, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền trên biển Đông còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro, khó lường. Các thế lực thù địch, phản động gia tăng chống phá ta về nhiều mặt. Đàm phán phân giới, cắm mốc biên giới Tây Nam Tổ quốc diễn ra đã nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Việc quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên những vùng biển còn gặp nhiều khó khăn, thử thách. Nhiều địa phương biên giới, kinh tế - tài chính - xã hội còn khó khăn, vất vả, trình độ dân trí chưa đồng đều, bảo mật an ninh, trật tự xã hội diễn biến phức tạp...
Chính vì thế, phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đây cũng là vấn đề đã, đang được Đảng, Nhà nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai, thực hiện. Trong đó, nâng cao chất lượng phối hợp tuyên truyền bảo vệ biên giới quốc gia, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức với phương châm "sâu, rộng, hiệu quả, sát thực tiễn, sát đối tượng" được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Thời gian qua, bằng nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa như chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" với các hợp phần "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", "Cờ Tổ quốc biên cương", "Đường cờ Tổ quốc" và đặc biệt là việc tổ chức cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm", Báo Người Lao Động đã góp thêm một tiếng nói quan trọng vào công cuộc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Có thể khẳng định đây là một cuộc thi lớn của cơ quan báo chí, có ý nghĩa sâu sắc trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thông qua cuộc thi, những giá trị lịch sử, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề chủ quyền được khẳng định. Qua 3 lần tổ chức cuộc thi, từ ý tưởng viết về chủ quyền biển đảo, nội dung của cuộc thi đã được mở rộng thành viết về chủ quyền quốc gia, thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tượng dự thi. Số lượng bài dự thi không ngừng tăng lên cả về chất và lượng. Từ đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ tới đầu sóng Trường Sa hiên ngang; từ tình yêu quê hương mộc mạc đến lý tưởng sống quên mình cho Tổ quốc; từ tấm bản đồ chủ quyền Việt Nam đến những tiết học biên giới… hiện lên thiêng liêng theo từng con chữ, trong từng bài viết. Mỗi tác giả khai thác một đề tài khác nhau nhưng tựu trung lại đó là ý thức và trách nhiệm về chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc mình.
Chính chủ đề của cuộc thi "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" đã trở thành "slogan" trong lòng bạn đọc. Cuộc thi đã trở thành một dấu ấn riêng, thành điểm sáng của Báo Người Lao Động.
Chuẩn Đô đốc Phạm Khắc Lượng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân (bìa trái), cùng PGS-TS Hà Minh Hồng, Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), trao giải cho các tác giả đoạt giải cuộc thi viết “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm” lần 3. Ảnh: TẤN THẠNH
Khẳng định chủ quyền quốc gia
Trong tình hình mới hiện nay, vấn đề bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của bất kỳ một quốc gia nào cũng đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức. Đó là thách thức từ các cường quốc, các xung đột vùng lãnh thổ; là sự tăng cường của các tổ chức phi quân sự và phi chính phủ; là nguy cơ chiến tranh và khủng hoảng chính trị trong nội bộ mỗi quốc gia; tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động, khó lường.
Từ những nguy cơ, thách thức đó, chúng ta phải nâng cao năng lực tự bảo vệ của mình, mà trước hết là phải nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia cho mọi công dân bằng các nhóm giải pháp cụ thể. Một là, về công tác giáo dục và tuyên truyền: Mọi tầng lớp trong xã hội cần được tiếp cận với thông tin chính xác và đầy đủ về ý nghĩa và quan trọng của chủ quyền quốc gia. Các chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân và hoạt động truyền thông của các cơ quan báo chí phải giúp người dân hiểu rõ được trách nhiệm và vai trò của họ trong bảo vệ đất nước. Hai là, xây dựng ý thức dân tộc: Cần bồi dưỡng và vun đắp ý thức dân tộc và lòng tự hào về quê hương, đất nước thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội.
Ba là, thúc đẩy nghiên cứu về chủ quyền và an ninh quốc gia: Tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu và chuyên gia tiến hành các nghiên cứu, phân tích và chia sẻ thông tin về các vấn đề liên quan đến chủ quyền và an ninh quốc gia, giúp mọi người có cái nhìn tổng quan và sâu sắc hơn về vấn đề này. Bốn là, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Năm là, xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh, bảo đảm khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia trước mọi thách thức. Sáu là, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế, đối thoại quốc tế, tạo ra môi trường hòa bình, ổn định chung để cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của nhau.
Trở lại với những gì cuộc thi "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" đã làm được, có thể khẳng định cuộc thi này đáp ứng tiêu chí của nhiều nhóm giải pháp nêu trên, trở thành một giải pháp sinh động, hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia cho mọi công dân. Không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh, cuộc thi đã tạo ra một diễn đàn yêu nước sâu rộng, để mọi người dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài cùng nhau góp ý tưởng, góp của, góp công cho công cuộc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Để cuộc thi tiếp tục thực sự là diễn đàn khẳng định chủ quyền, trong thời gian tới, theo tôi, Báo Người Lao Động cần tiếp tục nghiên cứu để đổi mới, nâng tầm cuộc thi để tạo sự lan tỏa lớn hơn nữa. Trong đó, cần có sự phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan để phổ biến rộng rãi thông tin về cuộc thi cho mọi đối tượng. Song song đó cần thiết lập giải thưởng hấp dẫn, mở rộng cơ cấu giải thưởng, nên có giải tập thể, giải phong trào để khuyến khích đông đảo mọi người tham gia. Ngoài ra, nên có kỷ niệm chương (có thể thiết kế biểu tượng chủ quyền) cho tác phẩm đoạt giải bởi ý nghĩa và tầm vóc của cuộc thi rất lớn.
Tôi đánh giá cao ý tưởng tổ chức cuộc thi "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm". Những giá trị mà cuộc thi mang lại không chỉ cho bản thân quý báo mà cho tất cả mọi người cùng tôn vinh và khẳng định chủ quyền quốc gia. Bởi lẽ có bảo vệ vững chắc chủ quyền, chúng ta mới có tự do, phát triển, hòa bình và thịnh vượng.
Tôi mong rằng trong thời gian tới, Báo Người Lao Động tiếp tục duy trì cuộc thi này để góp thêm một công cụ hiệu quả, một tiếng nói quan trọng, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Mời bạn đọc tham gia 2 cuộc thi
Từ thành công của cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 3 và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" lần 2 năm 2022 - 2023, từ ngày 28-7, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 4 và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" lần 3 năm 2023 - 2024. Thời hạn nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 31-5-2024. Mời bạn đọc gửi tác phẩm dự cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" qua hộp thư: chuquyenbiendao@nld.com.vn; cuộc thi ảnh qua hộp thư: thiengliengcotoquoc2023@gmail.com.
Bạn đọc quét mã QR để xem chi tiết về thể lệ 2 cuộc thi hoặc truy cập tại: https://nld.com.vn/ban-doc/hap-dan-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-va-cuoc-thi-anh-thieng-lieng-co-to-quoc-20230731170758153.htm.
Bình luận (0)