Ngừa đột tử: Nghiên cứu mới chỉ ra 56 cách “thay đổi số phận”

(NLĐO) - Một nghiên cứu mới hé lộ 56 yếu tố rủi ro có thể thay đổi, giúp ngăn ngừa đến 63% ca đột tử do ngừng tim. Lối sống là chìa khóa.

Theo SciTech Daily, một nghiên cứu quy mô lớn thực hiện bởi nhóm tác giả từ Trường Y tế công cộng Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) đã thống kê 56 yếu tố rủi ro có thể thay đổi được để ngăn ngừa đột tử do tim.

Sử dụng dữ liệu từ hơn 500.000 thu thập bởi BioBank (ngân hàng dữ liệu sinh học của Anh), các tác giả đã đánh giá 125 yếu tố có thể liên quan đến tình trạng ngừng tim đột ngột (SCA).

Do tỉ lệ tử vong cao và bản chất không thể đoán trước, SCA là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.

Ngừa đột tử: Nghiên cứu mới chỉ ra 56 cách “thay đổi số phận”- Ảnh 1.

Đột tử do ngừng tim đột ngột có thể phòng ngừa nhờ các yếu tố lối sống và việc bảo đảm một số chỉ số thể chất được lành mạnh - Minh họa AI: Thu Anh

Công bố các kết quả trên tạp chí khoa học Canadian Journal of Cardiology, các tác giả cho biết họ đã xác định được 56 yếu tố rủi ro "có thể thay đổi được", là chìa khóa để mọi người có thể tự ngăn chặn biến cố chết người này.

Đó bao gồm các yếu tố lối sống: Các yếu tố liên quan đến tổng lượng và tần suất uống rượu/bia cũng như lượng và tần suất uống từng loại rượu/bia; các yếu tố liên quan đến cách bạn hoạt động thể chất lẫn thời gian tĩnh tại; thói quen ngủ; thói quen ăn uống bao gồm chi tiết về từng loại thực phẩm tiêu thụ.

Bên cạnh đó là các chỉ số thể chất mà bạn có thể làm cho lành mạnh hơn: BMI, các chỉ số liên quan đến mỡ, huyết áp và các chỉ số tim mạch nói chung, các chỉ số về hô hấp...

Các yếu tố tâm lý xã hội cũng có tác động đáng kể đến nguy cơ đột tử: Mức độ chán nản, buồn bã, căng thẳng, lo âu, cô đơn, cô lập xã hội... hay mức độ tham gia vào các hoạt động giải trí/xã hội.

Về tình trạng kinh tế xã hội, các yếu tố liên quan đến tình trạng học vấn, việc làm cũng có tác động đến nguy cơ đột tử.

Theo nghiên cứu, nếu loại bỏ 1/3 các yếu tố nguy cơ tệ nhất, gọi là "loại trừ bảo tồn", 40% các trường hợp SCA có thể được ngăn ngừa.

Hiệu quả phòng ngừa tăng lên 63% nếu loại bỏ 2/3 các yếu tố nguy cơ tệ nhất, tức "loại trừ triệt để".

Nhóm yếu tố liên quan đến lối sống đóng góp nhiều nhất vào khả năng phòng ngừa SCA.

Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh vai trò bảo vệ của một số yếu tố trong số đó: Tiêu thụ trái cây, rượu vang; duy trì tâm trạng tích cực; kiểm soát cân nặng, huyết áp; cải thiện tình trạng học vấn...

Điều đó có nghĩa là nếu thực hiện được những điều này thường xuyên, chúng sẽ góp phần bù đắp phần nào các tác động bất lợi từ các yếu tố khác mang lại.