Ngược xuôi "Đưa trường học đến thí sinh"
Thành công của "Đưa trường học đến thí sinh" 24 năm qua chính là sự nỗ lực, sáng tạo và nhiệt huyết của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và ê-kíp thực hiện chương trình
"Đưa trường học đến thí sinh" thường khởi đầu vào tháng 3 và kết thúc vào tháng 9 hằng năm, được Báo Người Lao Động tổ chức với nhiều hình thức ở các địa phương, số người tham dự trực tiếp mỗi chương trình lên đến hàng ngàn. Vì vậy, trước đó nhiều tháng, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và ê-kíp thực hiện phải lên kế hoạch rồi họp thường xuyên để thống nhất phương án, địa điểm, nội dung…, bảo đảm chương trình diễn ra hiệu quả nhất có thể.
Áp lực truyền hình trực tiếp
Đến thời điểm này, "Đưa trường học đến thí sinh" là chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh duy nhất do một cơ quan báo chí tổ chức được truyền hình trực tiếp ở tất cả địa phương chọn thực hiện.
Chính vì được truyền hình trực tiếp mà không như các buổi tư vấn dành cho học sinh và giáo viên đơn thuần tổ chức ở sân trường, "Đưa trường học đến thí sinh" thường diễn ra như ngày hội. Cũng vì được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình, chương trình được lãnh đạo các địa phương, trường ĐH, CĐ, THPT đặc biệt quan tâm.
Hàng tháng trời, trưởng văn phòng đại diện khu vực của báo cùng phóng viên địa bàn nơi được chọn tổ chức chương trình phải làm việc với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, đài phát thanh - truyền hình (PT-TH) địa phương. Hai bên phải thống nhất được địa điểm tổ chức bảo đảm số lượng hơn 2.000 học sinh tham dự; bảo đảm yếu tố đường truyền để truyền hình trực tiếp; bảo đảm chỗ ngồi, dù che nắng, âm thanh đạt chuẩn của nhà đài... Các yếu tố rất quan trọng như kịch bản, người dẫn chương trình (MC) được chuẩn bị kỹ lưỡng. Với nơi được chọn tổ chức chương trình ở xa, các cuộc họp trực tuyến diễn ra liên tục để Ban Tổ chức "chốt" các khâu với phóng viên địa bàn, vì ê-kíp thực hiện chỉ có thể có mặt trước một ngày.
Năm 2025, "Đưa trường học đến thí sinh" lần đầu được tổ chức tại Trường THPT Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng ngày 16-3. Nơi đây cách xa Đà Lạt gần 110 km, là một thử thách đối với nhiệm vụ truyền hình trực tiếp. Sau nhiều lần khảo sát, những khó khăn tưởng như không vượt qua cuối cùng cũng được Báo Người Lao Động và Đài PT-TH Lâm Đồng thống nhất để chương trình được truyền hình trực tiếp.

MC của chương trình trao đổi với học sinh để tìm hiểu những thắc mắc, nguyện vọng... của các em. Ảnh: HUẾ XUÂN
Theo đó, ê-kíp Đài PT-TH Lâm Đồng gần 20 người phải có mặt trước một ngày, mang theo xe màu và khối lượng trang thiết bị đồ sộ. Trong khi đó, đoàn công tác Báo Người Lao Động cũng di chuyển bằng ô tô đến Bảo Lộc vào chiều 15-3. Khi đoàn đến điểm tư vấn để chuẩn bị thì trời mưa to, gió lớn. Những tấm bạt căng ở sân trường tơi tả, ghế nhựa ướt nhem, dây điện lẫn với loa đài phủ kín bạt nằm trong mưa…
Chúng tôi thắc thỏm nhìn nhau. Mãi đến lúc trời sập tối thì mưa tạnh, cả ê-kíp tất tả dựng lại phông bạt, lau khô bàn ghế, chạy thử chương trình… Thật may, chương trình sáng hôm sau diễn ra tốt đẹp, không gặp sự cố nào với sự háo hức của thầy trò ở Bảo Lộc và hàng trăm ngàn học sinh, phụ huynh theo dõi qua màn ảnh nhỏ.

Trưởng VPĐD Báo Người Lao Động khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên cũng lăn xả khuân bàn, dọn ghế... để chuẩn bị tổ chức chương trình. Ảnh: HUẾ XUÂN
Không may mắn như vậy, vài chương trình đang được truyền hình trực tiếp thì gặp sự cố bất khả kháng là mất điện, như tại Trường THPT Sào Nam (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam năm 2017), Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng năm 2018)… Rất may, ngành điện lực đã nhanh chóng khắc phục sự cố và đài PT-TH vẫn tiếp tục phát sóng. Rút kinh nghiệm, Ban Tổ chức đã làm việc chặt chẽ hơn với điện lực các địa phương, đề nghị họ cam kết cung cấp điện xuyên suốt thời gian diễn ra chương trình để bớt được một phần áp lực, lo lắng.
Mồ hôi, nụ cười và nước mắt
Để đến được với học sinh, Ban Tư vấn cùng Ban Tổ chức và ê-kíp "Đưa trường học đến thí sinh" phải lặn lội tới điểm tổ chức chương trình với nhiều phương tiện, nhiều chặng đường khác nhau. Những chuyến tàu lắc lư trong đêm, những chuyến ô tô đường xa mà mọi người phải tranh thủ tựa vào nhau chợp mắt; những bữa ăn vội vã để kịp chuẩn bị chương trình…
Hình ảnh quen thuộc phía sau "sân khấu" là các phóng viên, biên tập viên, thành viên ban tổ chức "dầm mưa dãi nắng" xếp hàng ngàn chiếc ghế trên sân trường, khiêng bàn, sắp xếp sân khấu, treo băng rôn... trước khi chương trình diễn ra. Dù mệt nhoài nhưng ai cũng vui vì có thể đến các địa phương để tổ chức chương trình tư vấn ý nghĩa cho học sinh. Đây cũng là một kênh để quảng bá thương hiệu Báo Người Lao Động. Càng tổ chức chỉn chu, chuyên nghiệp, báo lại càng tạo được uy tín và sức hút.
Trước giờ chương trình lên sóng, cả ê-kíp lăn xả tìm cho đủ danh sách học sinh được trao học bổng; sắp xếp chỗ ngồi cho ban tư vấn, khách mời, học sinh, phụ huynh, giáo viên. Khi chương trình diễn ra, mọi người lo phát rồi thu hồi phiếu câu hỏi; tiếp cận học sinh để tìm hiểu các em muốn hỏi gì rồi đưa đến vị trí mà âm thanh, máy quay có thể "bắt" hình, "bắt" tiếng…
Thời lượng 120 phút mỗi chương trình đối với học sinh, thầy cô ban tư vấn và người xem có thể trôi qua thật nhanh nhưng với chúng tôi, những người thực hiện, đôi khi lại thật dài. Nhiều hôm nắng gay gắt, từ người chụp ảnh, quay phim, MC đến biên tập kịch bản, phóng viên tường thuật trực tuyến đều ướt đẫm mồ hôi…
Trong 120 phút ấy, rất nhiều câu hỏi đã không thể được giải đáp. Nhiều lúc cả ê-kíp chùng xuống khi thấy ánh mắt đượm buồn của học sinh. Thậm chí, có em còn bật khóc vì câu hỏi của mình chưa đến được với thầy cô. Hành trang sau mỗi buổi tư vấn ở các địa phương là hàng trăm câu hỏi được Ban Tổ chức "gói ghém" mang về với nhiều trăn trở.
Suốt 24 năm qua, "Đưa trường học đến thí sinh" đã tổ chức hàng trăm buổi tư vấn tại chỗ - truyền hình trực tiếp, với hàng triệu học sinh - giáo viên nhiều thế hệ tham gia, hàng trăm trường ĐH, CĐ cử đại diện tư vấn. Chương trình ngày càng được tổ chức chuyên nghiệp với sự đồng hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia tư vấn nhiều kinh nghiệm, các doanh nghiệp…
Từ tư vấn cho học sinh, báo tổ chức thêm chương trình tập huấn kiến thức, kỹ năng hướng nghiệp cho giáo viên ở hàng chục địa phương. Từ các chương trình trực tiếp, trực tuyến đến những talkshow được báo thường xuyên tổ chức, việc tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh ngày càng toàn diện, hiệu quả, thu hút hơn. Đó chính là nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ ban tư vấn và những người thực hiện "Đưa trường học đến thí sinh", để chương trình trở thành một trong những "đặc sản" của Báo Người Lao Động, được học sinh và thầy cô nhiều địa phương tin tưởng, chờ đón.
TS TRẦN ĐÌNH LÝ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM:
Chuyên nghiệp, tận tâm
Là người công tác trong lĩnh vực giáo dục, tôi có cơ hội đồng hành với Báo Người Lao Động suốt 24 năm qua trong nhiều chương trình ý nghĩa, nhất là "Đưa trường học đến thí sinh". Đây là một sáng kiến không chỉ mang giá trị truyền thông mà còn lan tỏa tri thức, truyền cảm hứng, mở ra cơ hội học tập và thay đổi cuộc đời cho hàng triệu học sinh cả nước.
Chúng tôi - những người làm giáo dục - luôn xem "Đưa trường học đến thí sinh" như một cây cầu gắn kết giữa giảng đường và vùng sâu, vùng xa; giữa chính sách và thực tiễn; giữa ước mơ và hiện thực. Sự chuyên nghiệp, tận tâm và tinh thần phục vụ cộng đồng của Báo Người Lao Động đã giúp chương trình trở thành "người bạn đồng hành" đáng tin cậy của biết bao thế hệ học sinh, phụ huynh và giáo viên hướng nghiệp.
Không dừng lại ở việc cung cấp thông tin tuyển sinh, chương trình còn mang đến các buổi tập huấn thiết thực cho hàng ngàn giáo viên hướng nghiệp tại các địa phương, giúp họ cập nhật xu hướng nghề nghiệp, nắm bắt tinh thần đổi mới giáo dục, từ đó truyền tải kiến thức một cách hiệu quả đến học sinh. Tôi luôn trân trọng những chuyến đi đầy tâm huyết ấy - nơi mà các thầy cô địa phương thường nói với tôi: "Nếu không có chương trình này, chắc chúng tôi còn lạc hậu lắm!".