Nhà ga T3 bắt đầu đón khách

Nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên từ ngày 17-4

Theo kế hoạch, các chuyến bay đầu tiên giữa TP HCM và Vân Đồn (Quảng Ninh) của Vietnam Airlines sẽ được chuyển sang khai thác tại nhà ga T3, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là bước đi đầu tiên trong kế hoạch khai thác nhà ga T3 mới, hiện đại và có quy mô lớn nhất cả nước hiện nay.

Mọi việc đã sẵn sàng

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), cho biết đến ngày 16-4, toàn bộ hạng mục thi công đã hoàn tất. Các đơn vị đang hoàn thiện những khâu cuối sẵn sàng khai thác chuyến bay đầu tiên.

Chuyến bay của Vietnam Airlines giữa TP HCM và Vân Đồn là chuyến bay thương mại đầu tiên khai thác tại nhà ga T3, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình đưa nhà ga mới vào hoạt động. Việc chuyển đổi khai thác nhằm mang đến trải nghiệm thuận tiện, nhanh chóng và thoải mái hơn cho hành khách. Trong thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục cập nhật lộ trình chuyển khai thác các đường bay nội địa khác sang nhà ga T3.

Sau đó, Vietjet Air cũng sẽ chuyển toàn bộ hoạt động bay quốc nội sang ga này. Dự kiến đến cuối tháng 4, toàn bộ các chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines sẽ chính thức chuyển sang nhà ga T3, ngoại trừ các đường bay đến Côn Đảo, Cà Mau và Rạch Giá vẫn tiếp tục khai thác tại nhà ga T1.

Trong khi đó, nhà ga T1 sẽ phục vụ các chuyến bay nội địa của các hãng Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines và VASCO. Nhà ga T2 tiếp tục đảm nhiệm chức năng phục vụ các chuyến bay quốc tế như trước.

Nhà ga T3 nằm cách biệt với nhà ga T1 nên nếu đi nhầm, hành khách mất ít nhất 15-20 phút để di chuyển đến đúng địa điểm khởi hành. Vì vậy, hành khách được khuyến cáo cần lưu ý các tuyến đường di chuyển mới.

Nhà ga T3 đón chuyến bay thương mại đầu tiên vào hôm nay (17-4)Ảnh: LAM GIANG

Nhà ga T3 đón chuyến bay thương mại đầu tiên vào hôm nay (17-4)Ảnh: LAM GIANG

Bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, những ngày qua, để bảo đảm đưa nhà ga T3 vào khai thác đúng tiến độ, ACV cho biết trên công trường nhà ga T3 đã huy động hơn 2.500 công nhân và kỹ sư; hàng trăm máy móc thiết bị để thi công ngày đêm, 3 ca 4 kíp, nỗ lực tối đa nhằm đưa công trình vào khai thác đúng kế hoạch.

Nhà ga T3 là một trong những công trình giao thông trọng điểm hoàn thành, khai thác vào dịp lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trước việc chuyển đổi khai thác các chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines và Vietjet Air sang nhà ga T3, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm hành khách được phục vụ thuận tiện, an toàn - đặc biệt trong tình huống hành khách có thể lỡ chuyến do đi nhầm nhà ga.

Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu ACV và Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp chặt chẽ với các đơn vị phục vụ mặt đất để thống nhất kế hoạch chuyển đổi, tăng cường truyền thông giúp hành khách dễ nhận biết điểm đến đúng. Đặc biệt, cần bố trí thêm nhân sự hướng dẫn tại sân bay trong thời gian đầu vận hành nhà ga T3, nhất là với hành khách nối chuyến.

Hiện nay, cổng vào nhà ga T3 nằm trên đường 18E và C2, phường 12, quận Tân Bình, TP HCM. Các hãng Vietnam Airlines và Vietjet Air được yêu cầu xây dựng chính sách hỗ trợ riêng cho hành khách lỡ chuyến do đi nhầm nhà ga, bên cạnh việc tăng cường truyền thông và bố trí nhân viên hỗ trợ tại sân bay. Việc này được kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa thiệt hại cho hành khách trong giai đoạn đầu thay đổi.

Nhà ga T3 hiện đại cùng hệ thống đường dẫn, cầu vượt đồng bộ sẽ phục vụ gần 80% số chuyến bay nội địa đi, đến từ sân bay này, giúp giải tỏa hành khách, giảm áp lực cho các nhà ga hiện hữu. Với mục tiêu trở thành một trong những nhà ga hiện đại và thân thiện nhất khu vực, nhà ga T3 được kỳ vọng sẽ góp phần nâng tầm chất lượng dịch vụ ngành hàng không Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Công trình sau khi hoàn thành sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại tàu bay code C và code E, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

"Việc xây dựng nhà ga T3 đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay quốc tế Long Thành và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, giảm tải cho nhà ga quốc nội T1 đang quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách" - đại diện ACV nói. 

Lưu ý quan trọng cho hành khách

Để bảo đảm hành trình thuận lợi, hành khách được khuyến nghị kiểm tra kỹ thông tin nhà ga khởi hành trên vé, tìm hiểu sơ đồ nhà ga T3, đến sân bay ít nhất 2 giờ trước giờ bay và ưu tiên sử dụng các hình thức check-in trực tuyến trên website, ứng dụng di động hoặc tại các kiosk tự phục vụ của các hãng hàng không tại sân bay.

Sở Giao thông Công chánh TP HCM cho biết đang rà soát, lên phương án phân luồng, điều tiết giao thông để bảo đảm kết nối với nhà ga T3, đồng thời tăng chuyến trên các tuyến xe buýt số 152, 103, 109, 721 và lộ trình các tuyến xe buýt kết nối với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu ACV và cảng hàng không bố trí vị trí đỗ thuận lợi nhất cho các tuyến xe buýt đang hoạt động tại cảng để hành khách dễ dàng nhận biết và sử dụng dịch vụ xe buýt; phối hợp với cơ quan chức năng địa phương để có phương án trung chuyển hành khách khi xảy ra ùn tắc tại khu vực cảng hàng không.

Cần tăng cường xe buýt

PGS-TS Phạm Xuân Mai, chuyên gia giao thông, cho rằng khi nhà ga T3 đi vào hoạt động, thì cần tăng cường hệ thống giao thông công cộng để hỗ trợ. Vì hiện nay, 4 tuyến xe buýt ra vào sân bay chỉ đáp ứng được khoảng 3% nhu cầu, 97% hành khách còn lại (khoảng 132.000 - 165.000 hành khách) sử dụng các loại xe cá nhân, taxi, xe công nghệ, xe dịch vụ đều có công năng vận chuyển thấp, tính theo hệ số sử dụng mặt đường. Và đây là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc.

Cụ thể, lượng hành khách đi qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ước đạt khoảng 137.000 - 170.000 hành khách/ngày lúc cao điểm, số lượng này khi ra khỏi sân bay sẽ tỏa ra 5 đường chính là Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Bạch Đằng - Hồng Hà, Trường Sơn và các tuyến nối tiếp như Trường Chinh, Lê Văn Sĩ, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Kiệm, Phạm Văn Đồng... và 8 nút giao thông gồm Lăng Cha Cả, Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi, Bảy Hiền, ngã tư Phú Nhuận, Tân Kỳ Tân Quý... Ngoài ra, các tuyến đường này còn gánh thêm lượng hành khách qua lại hằng ngày sẽ tạo ra một tải lượng rất lớn.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM cho thấy ở các giờ cao điểm, có đến 8/11 tuyến đường xung quanh sân bay (trọng điểm là Cộng Hòa và Hoàng Văn Thụ) và 8 nút giao thông khu vực này có mức phục vụ LOS là "F", tức là mức ùn tắc giao thông cao và rất cao.

Do đó, để hạn chế ùn tắc khu vực sân bay khi nhà ga T3 đi vào hoạt động, theo đề xuất của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Bách khoa TP HCM, nên bố trí 2 trạm xe buýt ở sân bay. Cụ thể 1 trạm xe buýt dành cho hành khách đi ga T1 và T2 đặt tại giao điểm giữa đường Bạch Đằng - Trường Sơn và 1 trạm xe buýt đặt ngay tại sảnh ra của nhà ga T3 ở tầng trệt.

2 trạm xe buýt này là đầu mối kết hợp 18 tuyến xe buýt sân bay (14 tuyến Express, tuyến con thoi và 1 tuyến buýt đêm) do Trường ĐH Bách khoa TP HCM đề xuất đã được Sở Giao thông Công chánh thông qua sẽ đảm nhận được từ 28%-30% nhu cầu đi lại của hành khách sân bay, tập trung cho phân khúc hành khách giá rẻ của VietJet và một số hãng bay khác.

Đặc biệt, 18 tuyến xe buýt sân bay sẽ sử dụng xe buýt thuần điện, sạch, xanh, đẹp, tăng tiện nghi, thoải mái cho hành khách và bảo vệ môi trường.

Thu Hồng

Nhà ga T3 bắt đầu đón khách- Ảnh 2.