Nhiều sạp ở các chợ sỉ có tiếng tại TP HCM vẫn cửa đóng then cài
(NLĐO)- Hầu hết tiểu thương cho biết họ đóng cửa sạp tạm nghỉ vì buôn bán ế ẩm, không liên quan đến hóa đơn hàng hoá
Nhiều tiểu thương TP HCM tạm nghỉ vì kinh doanh ế ẩm, đang tìm kiếm giải pháp để vượt qua giai đoạn buôn bán khó khăn.
Tiểu thương tạm nghỉ vì kinh doanh ế ẩm
Tại chợ Tân Bình, một trong những chợ sỉ quần áo lớn nhất TP HCM, hoạt động mua bán vẫn diễn ra như thường lệ nhưng lượng khách thưa thớt. Ông Nguyễn Dũng, chủ sạp thời trang hơn 20 năm, cho biết kinh doanh ngày càng xuống dốc do sức mua giảm mạnh, trong khi các khoản chi cho hoạt động vẫn ở mức cao.
Khi PV đặt câu hỏi có phải các sạp đang đóng cửa vì lo sợ bị kiểm tra, ông Dũng lý giải nguyên nhận đến từ buôn bán ế ẩm hoặc sử dụng để làm kho chứa hàng, không phải né tránh.
Liên quan quy định mới về việc hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối trực tiếp với cơ quan thuế, ông Dũng vẫn còn băn khoăn về những tình huống cụ thể. Chẳng hạn, trường hợp tiểu thương đã nhập hàng về nhưng bán không được, nửa năm sau phải trả lại, vậy lúc đó xử lý hóa đơn thế nào cho đúng?
"Tôi không ngại làm theo quy định, chỉ sợ làm sai rồi bị phạt. Rất mong được chỉ dẫn rõ cách làm để yên tâm thực hiện" - ông Dũng bày tỏ.

Nhiều sạp trong chợ Tân Bình đóng cửa

Chợ Tân Bình vắng khách mua sắm

Sạp trong chợ Tân Bình treo bảng cho thuê
Cùng chung nỗi lo, bà Ngô Thị Minh Nhung, một tiểu thương lớn tuổi đang bày hàng tại sạp gần đó, chia sẻ rằng bà không rành công nghệ, mọi thao tác đều phải nhờ con cháu hỗ trợ. Bà mong muốn có thể kê khai tổng doanh thu cuối ngày rồi xuất hóa đơn một lần, thay vì phải làm từng lượt bán lẻ, để bớt áp lực cho những người lớn tuổi, không thạo máy móc.
"Tôi còn không nhớ nổi mật khẩu VNeID, mỗi lần cần mở là phải gọi tụi nhỏ. Chỉ mong cơ quan chức năng hướng dẫn rõ ràng để chúng tôi làm cho đúng, khỏi lo sai mà bị phạt. Giờ tôi cũng đã cài phần mềm rồi, chỉ còn chờ ai hướng dẫn thêm" - bà cho hay.
Về chuyện một số tiểu thương đóng cửa quầy sạp, bà Nhung cho rằng cũng chỉ vì bán ế quá nên tạm nghỉ.

Nhiều sạp trong chợ An Đông đóng cửa, dán bảng sang hoặc cho thuê
Người bán dè dặt
Tại chợ An Đông, không khí cũng không nhộn nhịp hơn là bao. Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, chuyên bán vải, cho biết từ sáng tới trưa chỉ có vài khách ghé sạp. Chỉ sang những sạp đã đóng cửa bên cạnh, bà bảo: "Ế quá nên họ nghỉ, chứ có bao nhiêu khách đâu mà bán. Còn ai mở cửa thì vẫn cố gắng buôn bán thôi".
Nói về quy định bắt buộc phải xuất hóa đơn điện tử từ ngày 1-6, bà Thảo cho biết đã được hướng dẫn mua phần mềm với giá gần 2 triệu đồng/năm nhưng đến nay vẫn chưa xuất hóa đơn lần nào, vì khách chẳng ai đòi hỏi, mà bản thân cũng chưa biết bắt đầu thế nào cho đúng.
"Tôi đang ráng tìm hiểu kỹ các quy định để khỏi làm sai rồi bị phạt" - bà Thảo nói.
Dù các tiểu thương đều giải thích đóng cửa sạp do bán buôn ế ẩm nhưng chúng tôi vẫn thấy không ít người tỏ ra khá dè dặt. Một số chỉ mở hé cửa, không buôn bán gì, số khác tỏ ra cảnh giác khi thấy người lạ đi quanh chợ, nhất là khi có ai đó dừng lại hỏi han chuyện kinh doanh hay đưa máy chụp hình sạp hàng. Họ thường chỉ cười trừ, lắc đầu từ chối trả lời, dù chúng tôi chỉ hỏi nhẹ nhàng về tình hình buôn bán và chuyện thuế.
Tình hình hoạt động tại hai chợ sỉ Tân Bình và An Đông

Chợ An Đông vắng khách

Một sạp tại chợ An Đông chỉ mở hé cửa


Hàng loạt sạp đóng cửa
