Những bước đi chiến lược của ngành cao su (*): Phát triển xanh xuyên biên giới
Trong giai đoạn 2020-2025, VRG đã chuyển mình từ một nhà sản xuất cao su truyền thống trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, các dự án của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tại Campuchia còn góp phần thúc đẩy phát triển xã hội và bảo vệ môi trường tại quốc gia láng giềng.
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đang có 16 công ty cao su tại Campuchia, trải dài trên 7 tỉnh với diện tích khoảng 87.000 ha. Đây là nơi có sản lượng cao su lớn thứ 2 của tập đoàn, sau thủ phủ cao su Đông Nam Bộ. Trong tương lai, khi diện tích trồng cao su trong nước bị thu hẹp, Campuchia có thể trở thành vùng nguyên liệu chủ lực của VRG.
Phát triển kinh tế không quên môi trường
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi có dịp thăm lại các công ty cao su thuộc VRG tại Campuchia ở cụm 1, gồm: Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom, Công ty CP Cao su Bà Rịa - Kampong Thom, Công ty TNHH Phát triển cao su Phước Hòa - Kampong Thom và Công ty CP Cao su Chư Sê - Kampong Thom và nhận thấy nhiều sự thay đổi tích cực. Không chỉ văn phòng các công ty khang trang mà khu nhà ở công nhân, trường học, trạm xá, nhà máy sản xuất cũng xanh - sạch hơn so với lần ghé thăm vào năm 2022.
Dẫn chúng tôi dạo quanh khu làng công nhân, ông Lê Quốc Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Bà Rịa - Kampong Thom, giới thiệu dãy nhà công nhân những ngày đầu xây dựng từ 2009 theo kiểu nhà sàn vẫn còn được sử dụng nhưng được gia cố theo lối sống mới. Khu vực dưới sàn không dùng để nuôi gia súc tập quán xưa mà được quây lại để cất xe, đồ đạc. Nhiều công nhân đã sắm được xe máy xịn, thậm chí cả ô tô, để dọc theo khu công nhân.
Ông Hùng còn đưa chúng tôi ghé thăm khu rừng nguyên sinh ở cạnh khu dân cư, được công ty bảo tồn với nhiều cây gỗ lớn, 4 - 5 người không ôm hết, thu hút chim muông. "Từ vùng đất hoang sơ, dự án cao su trở thành quê hương thứ hai cho nhiều công nhân địa phương. Thời đầu, bà con chưa hiểu còn vào rừng khai thác gỗ, lâm sản nên công ty phải rào kẽm gai, cử người bảo vệ. Nay ý thức người dân tốt hơn nên kẽm gai quanh rừng bị hỏng cũng không cần gia cố lại" - ông Hùng khoe.

Xe tải lấy hàng tại Công ty CP Cao su Chư Sê - Kampong Thom
Ông Vương Nguyễn Phương Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển cao su Phước Hòa - Kampong Thom, cho biết trong dự án có suối, rừng phòng hộ được công ty bảo vệ nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, yếu tố môi trường, tăng trưởng xanh và bền vững cũng được công ty chú trọng. Tại nhà máy, hệ thống đốt bằng dầu DO được thay thế hoàn toàn bằng nhiên liệu sinh học, chủ yếu là gỗ điều, một phụ phẩm nông nghiệp rất dồi dào tại Campuchia. Không chỉ giảm phát thải, việc chuyển đổi này cũng giúp công ty tiết kiệm chi phí hơn.
Tại khu vực tập kết mủ, công nhân được tuyên truyền bảo vệ môi trường, tập kết rác đúng nơi quy định. Nước thải mủ cũng được thu gom vào hầm chứa để tận thu, không để chảy tràn vừa lãng phí vừa ô nhiễm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Cao su Tân Biên - Kampong Thom, từ ngày 15-7, công ty đã được cấp chứng nhận thích ứng EUDR của Liên minh châu Âu (EU), một tiêu chuẩn khắt khe minh chứng cho sự phát triển bền vững của công ty. Không những thế, công ty còn tập trung an sinh xã hội, tham vấn cộng đồng, lắng nghe công nhân, người dân để điều chỉnh kịp thời.
Bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế
Ông Hoàng Hữu Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Bà Rịa - Kampong Thom, không giấu được tự hào khi công ty có quy mô nhỏ, quản lý chỉ hơn 5.000 ha cao su nhưng lại là đơn vị đầu tiên có lợi nhuận gửi về nước.
Năm 2024, công ty đạt lãi ròng gần 167 tỉ đồng; 6 tháng đầu năm 2025, lợi nhuận công ty đạt gần 73 tỉ đồng, đạt 58% kế hoạch cả năm và phấn đấu cả năm sẽ vượt 8% chỉ tiêu đề ra.
Tương tự, Công ty TNHH Phát triển cao su Phước Hòa - Kampong Thom đạt doanh thu 255 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận gần 56 tỉ đồng; thu nhập bình quân người lao động 320-350 USD/người/tháng.
Công ty TNHH Phát triển Cao su Tân Biên - Kampong Thom cũng ghi nhận kết quả tích cực, với doanh thu đạt 280 tỉ đồng, lợi nhuận 93 tỉ đồng, hoàn thành lần lượt 50% và 57% kế hoạch năm 2025.
Đặc biệt, Công ty CP Cao su Chư Sê - Kampong Thom, đơn vị có quy mô lớn nhất trong cụm dự án tại Campuchia với hơn 16.000 ha, đang giữ vai trò "anh cả" trong hệ thống các công ty thành viên của VRG ở nước bạn. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc, cho biết năm nay thời tiết thuận lợi, nên mùa thu hoạch bắt đầu sớm. Trong nửa đầu năm, công ty đã đạt doanh thu 861 tỉ đồng, lợi nhuận 225 tỉ đồng; hoàn thành lần lượt 61% và 72% kế hoạch năm. Do đó, cả năm 2025, công ty dự tính có thể vượt kế hoạch hơn 40%.
Công ty đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030, với kế hoạch tái canh khoảng 950 ha/năm bắt đầu từ năm 2027 (chiếm khoảng 6% diện tích) nhằm bảo đảm phát triển bền vững rừng trồng và duy trì sản xuất ổn định, tạo việc làm lâu dài cho người lao động. Ngoài ra, công ty đang xúc tiến một dự án quy mô lớn với diện tích 37.000 ha tại Campuchia, trong đó cao su tiếp tục là ngành chủ lực. Dự án cũng tích hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao và thương mại hóa tín chỉ carbon.
Với quy mô mới, sản lượng của công ty dự kiến đạt khoảng 50.000 tấn mủ/năm, tương đương 10% sản lượng toàn VRG.
Phát triển thành tập đoàn kinh tế đa ngành hiện đại
Theo ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc VRG, trong giai đoạn 2020-2025, VRG đã chuyển mình từ một nhà sản xuất cao su truyền thống trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành hiện đại, đặt nền móng vững chắc cho phát triển bền vững.
Về chuyển đổi số, tập đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo, triển khai chiến lược số toàn diện, như: nâng cấp hệ thống E-office tích hợp ký số, ứng dụng họp trực tuyến, số hóa quản lý văn bản và sản xuất tại nhiều đơn vị. Việc này đã giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản trị.
Về chuyển đổi xanh phát triển bền vững, tập đoàn đã ban hành và thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn 2050, với nhiều kết quả nổi bật. Có 18 đơn vị đạt chứng chỉ rừng bền vững VFCS/PEFC-FM, 41 nhà máy được cấp PEFC-CoC. Triển khai 11 dự án điện mặt trời áp mái, tiết kiệm gần 99 tỉ đồng và giảm phát thải 59.000 tấn CO2. 36 đơn vị đạt ISO 14001:2015, 46 hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Tiên phong thử nghiệm và đáp ứng tiêu chuẩn chống phá rừng EUDR của EU.
Định hướng sắp tới, VRG tiếp tục ưu tiên phát triển theo mô hình "kinh tế xanh - công nghệ số - trách nhiệm xã hội", trong đó tập trung mở rộng diện tích cao su đạt chuẩn quản lý rừng bền vững; phát triển sản phẩm chế biến sâu thân thiện môi trường; tích hợp công nghệ thông minh trong quản trị và sản xuất; hợp tác quốc tế về kinh tế tuần hoàn, ESG và năng lượng tái tạo.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-7