Những "lồng sắt" treo… sinh mạng
Vụ cháy thương tâm khiến 8 người thiệt mạng tại cư xá Độc Lập (phường Phú Thọ Hòa, TP HCM) không phải là một thảm họa bất ngờ.
Đó là hệ quả tất yếu của một thực trạng đã được cảnh báo suốt hàng chục năm, nơi những "lồng sắt" không chỉ giam cầm không gian sống mà còn triệt tiêu cả hy vọng thoát thân khi hiểm họa ập đến.
Trong vụ cháy rạng sáng 6-7, điều khiến người ta ám ảnh nhất không phải là ngọn lửa, mà là những tiếng kêu cứu tuyệt vọng, vọng ra từ phía sau những khung sắt kiên cố, bịt kín lối thoát hiểm.
Không khó để bắt gặp hình ảnh ấy ở nhiều chung cư cũ tại TP HCM, những "lồng sắt" được hàn cố định nhô ra ngoài, trở thành một phần "mặc định" của kiến trúc đô thị. Nhiều nơi thậm chí còn cơi nới đến 2-3 tầng, giăng khung sắt kín mít, xây kiên cố như phòng ngủ phụ, nhà kho, nơi phơi quần áo… mà quên mỗi mét vuông thêm ra ấy có thể phải trả giá bằng sinh mạng.
Người dân có nhiều lý do: nhà chật, thiếu không gian sinh hoạt, sợ trộm cắp... Nhưng vấn đề ở chỗ thay vì sử dụng các giải pháp mở được khi cần thiết, họ chọn hàn chết các khung sắt. Những "lồng sắt" này trở nên quen thuộc đến mức nhiều người mới chuyển đến nếu không thấy khung sắt lại… cảm thấy bất an. Và, khi trở thành một thói quen, một thứ "chuẩn an toàn" trong tư duy, thì việc tháo bỏ thật không dễ.
Một lãnh đạo PCCC TP HCM từng nói nhiều chung cư cũ không có lối thoát hiểm thứ hai. Khi lửa bốc từ tầng trệt, cư dân ở trên cao hoàn toàn không còn đường ra. Ban công - vốn là "phao cứu sinh" cuối cùng - bị bịt kín. Lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận từ bên ngoài, trong khi bên trong cũng không thể tự phá ra. Không ít lính cứu hỏa đã chia sẻ cảm giác đau đớn và bất lực khi nghe nạn nhân kêu cứu qua khung sắt mà không thể làm gì.
Chính quyền đã từng tiến hành hàng loạt cuộc kiểm tra, xử phạt. Quy định về PCCC cũng nêu rõ yêu cầu không được rào chắn cố định. Thế nhưng, thực thi lại là chuyện khác. Sự thiếu quyết tâm, thiếu phối hợp, thiếu đồng thuận từ chính người dân khiến mọi chỉ đạo dễ rơi vào tình trạng "trên nóng dưới nguội".
Để thay đổi "thói quen chết người" đó, không thể trông chờ vào sự tự giác. Cần một lộ trình cụ thể, đồng bộ và dứt khoát. Chính quyền phải phối hợp chặt chẽ giữa các ban - ngành, lập danh sách vi phạm, ra thời hạn buộc tháo dỡ và kiên quyết cưỡng chế nếu không chấp hành. Không thể để nơi làm, nơi ngó lơ, càng không thể để luật pháp bị vô hiệu hóa bởi thói quen cá nhân.
Bên cạnh đó, cần cung cấp các giải pháp thay thế hợp lý, như thiết kế rào chắn có thể mở từ bên trong, lắp đặt thiết bị báo cháy, bố trí thang thoát hiểm phụ… để người dân an tâm khi tháo bỏ khung sắt mà vẫn không thấy thiếu an toàn. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền bằng những câu chuyện thật từ các nạn nhân, lính cứu hỏa, người thoát chết… Điều này có sức lay động hơn văn bản hành chính.
Hàng chục năm qua, "lồng sắt" tồn tại như một biểu tượng nghịch lý, người dân tự nhốt mình trong đó để thấy an toàn nhưng chính sự an toàn giả tạo ấy đang cướp đi mạng sống thật. Nếu chúng ta không hành động, không thay đổi, sẽ còn nhiều tiếng kêu cứu bị chôn vùi trong lửa.
Hãy tháo khung sắt và tháo luôn thói quen tự giam cầm chính mình!