Nở rộ "bẫy" tuyển dụng
Nhiều sinh viên và lao động phổ thông rơi vào bẫy việc làm tinh vi trên mạng xã hội chỉ sau vài cú nhấp chuột
Gần đây, trên các nhóm chia sẻ việc làm qua TikTok, Facebook, Zalo... liên tục xuất hiện tin tuyển dụng hấp dẫn.
Việc không có, tiền mất trắng
"Cần cộng tác viên bán hàng online - việc nhẹ, lương 8-10 triệu đồng/tháng", "Tuyển nhân viên đóng gói tại nhà, không cần kinh nghiệm, thu nhập ổn định"... cùng cam kết như không ràng buộc thời gian, không yêu cầu trình độ, không cần phỏng vấn trực tiếp là những nội dung thu hút người cần việc. Tuy nhiên, đằng sau hàng loạt lời rao "ngọt ngào" ấy là những cái bẫy tinh vi giăng sẵn chờ cá nhân nhẹ dạ.
Nguyễn Thị Kim Hà (20 tuổi, sinh viên năm 2 một trường đại học ở TP HCM) kể sau khi đọc tin tuyển cộng tác viên bán hàng online, tin tưởng vào hình ảnh thương hiệu lớn, Hà nhanh chóng liên hệ với người tự xưng "trưởng nhóm tuyển dụng". Người này yêu cầu Hà chuyển 600.000 đồng tiền "đặt cọc giữ vị trí".
"Chuyển tiền xong, họ gửi phiếu trúng tuyển rồi tiếp tục yêu cầu tôi nộp thêm 300.000 đồng tiền đồng phục, 200.000 đồng tiền thẻ ra vào. Tôi nghĩ công việc tốt nên không cảnh giác. Khi họ chặn liên lạc, tôi mới biết mình bị lừa" - Hà ấm ức.
Tương tự, Nguyễn Văn Khôi (sinh viên một trường cao đẳng nghề ở TP HCM) cũng là nạn nhân khi ứng tuyển vị trí nhân viên bán hàng cho một chuỗi cà phê. Khôi được yêu cầu chuyển khoản 1,2 triệu đồng để mua đồng phục và đóng phí đào tạo. Đến lúc tìm tới địa chỉ theo lời hẹn, anh phát hiện đó chỉ là quán cà phê nhỏ, không hề có doanh nghiệp nào hoạt động. "Họ phỏng vấn qua video call, có cả hình ảnh ngồi trong quán với phông nền văn phòng khiến tôi tin tưởng. Không ngờ tất cả đều là giả" - Khôi bức xúc.
Nhận diện hành vi lừa đảo
Thực tế cho thấy các đối tượng thường đánh vào tâm lý cần việc nhanh, thu nhập cao, không yêu cầu kinh nghiệm của người trẻ. Sau khi thuyết phục nạn nhân chuyển phí đặt cọc, phí đồng phục hoặc phí đào tạo, chúng lập tức cắt liên lạc, xóa dấu vết.
Sinh viên và lao động phổ thông là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong các chiêu trò lừa đảo tuyển dụng. Thiếu kinh nghiệm và kỹ năng kiểm chứng thông tin khiến họ dễ dàng rơi vào bẫy tinh vi.

Sinh viên có nhu cầu tìm việc làm thêm được khuyến cáo tìm hiểu kỹ
Chuyên gia dự báo nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn nhìn nhận các thủ đoạn lừa đảo đang ngày càng tinh vi, đánh vào tâm lý nóng vội, muốn tìm việc nhanh, thu nhập cao mà không cần kỹ năng hay ràng buộc.
"Người lao động cần hiểu việc làm là mối quan hệ hai chiều. Doanh nghiệp cần người có thực lực, không phải "mua bán niềm tin". Những tin tuyển dụng dùng từ ngữ sáo rỗng, đưa ra mức lương quá cao hoặc yêu cầu đặt cọc, nộp phí... đều mang dấu hiệu đáng ngờ" - ông Tuấn khuyến cáo.
Để tránh "sập bẫy", ông Dương Việt Linh, Giám đốc kinh doanh của nền tảng tuyển dụng Việc Làm Tốt, đưa ra lời khuyên người tìm việc cần xác minh kỹ thông tin nhà tuyển dụng qua website chính thức, gọi điện đến tổng đài công ty hoặc tham khảo ý kiến từ cộng đồng uy tín. Đặc biệt, tuyệt đối không chuyển khoản đặt cọc khi chưa xác minh rõ ràng tính pháp lý của doanh nghiệp.
Khuyến cáo từ cơ quan chức năng
Theo các cơ quan chức năng, thủ đoạn lừa đảo việc làm tuy không mới nhưng ngày càng mang tính tổ chức và tinh vi. Các đối tượng tạo fanpage giả, dùng logo thương hiệu nổi tiếng, lập cả website "ma" để tạo lòng tin. Chúng thường xuyên thay đổi số điện thoại, tài khoản, địa chỉ… để tránh bị truy vết, phát hiện.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia bảo mật của Viettel Cyber Security, cho rằng trong bối cảnh các chiêu trò lừa đảo tuyển dụng nở rộ, mạng xã hội và các sàn giao dịch việc làm cần siết chặt kiểm duyệt nội dung, xác minh người đăng tin. Hệ thống giới thiệu việc làm công lập cũng nên đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo điều kiện để người lao động tiếp cận thông tin chính thống dễ dàng hơn.
Về phía người tìm việc, đặc biệt là sinh viên, cần nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức về pháp luật lao động, kỹ năng kiểm chứng thông tin và tinh thần chủ động bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Không ai có thể bảo vệ người lao động tốt hơn chính họ, khi họ biết cách tự bảo vệ bản thân trước "bẫy" đang giăng trên không gian số thì nỗi lo mới bớt nhức nhối.
Theo Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP HCM, thời gian gần đây, các thủ đoạn lừa đảo trên mạng tiếp tục gia tăng, nhắm vào sinh viên, lao động phổ thông, phụ nữ nội trợ và người cao tuổi.

“Bẫy” không chỉ trên mạng mà còn tại nhiều quảng cáo trên tường, cột điện mà thời gian qua lực lượng chức năng liên tục bóc gỡ. Ảnh: ANH VŨ
Các chiêu trò phổ biến gồm giả danh cơ quan chức năng để đe dọa, mạo danh nhà tuyển dụng hứa việc nhẹ lương cao, giả người quen vay tiền, dụ đầu tư tài chính - tiền ảo... Đặc biệt, tình trạng giả công ty tuyển dụng đang bùng phát mạnh mẽ trong dịp sinh viên nghỉ hè. Đối tượng thường lập fanpage giả, sử dụng hình ảnh của công ty thật, đưa ra mức lương hấp dẫn để dụ nạn nhân đặt cọc, mua đồng phục hoặc thực hiện các "nhiệm vụ ảo" nhằm chiếm đoạt tiền.
Tội phạm mạng hoạt động có tổ chức, đánh trúng tâm lý cả tin, sự thiếu hiểu biết của nạn nhân và sử dụng nhiều nền tảng như Facebook, Zalo, Telegram, các ứng dụng giả mạo… gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng.
Công an TP HCM khuyến cáo người dân không chia sẻ thông tin cá nhân, không truy cập đường dẫn lạ, không chuyển tiền theo yêu cầu từ người lạ. Khi nghi ngờ bị lừa đảo, cần lưu giữ bằng chứng và trình báo cơ quan công an ngay. Công an cũng kêu gọi các cơ quan báo chí, trường học và doanh nghiệp cùng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về an ninh mạng.
Tiếp cận kênh tìm việc chính thống
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM Nguyễn Văn Hạnh Thục đưa ra lời khuyên khi có nhu cầu tìm việc, người lao động nên ưu tiên tiếp cận qua các kênh chính thống như sàn giao dịch việc làm, trung tâm giới thiệu việc làm công lập hoặc các nền tảng uy tín có xác minh rõ ràng nhà tuyển dụng.
"Sinh viên mới ra trường rất dễ bị dụ dỗ vì thiếu trải nghiệm. Cần truyền thông mạnh mẽ trong nhà trường về các thủ đoạn lừa đảo để các em cảnh giác từ đầu" - bà Hạnh Thục nhấn mạnh.