Biên chế - “bê” ra “chiến” thôi!

Trước khi giải quyết những vấn đề vĩ mô về tổ chức bộ máy, phải làm sao để biên chế không còn là pháo đài bất khả xâm phạm, là nơi dung thân của những kẻ "vô dụng, bất tài".

Câu chuyện muôn thuở về bộ máy nặng nề, phình to, kém hiệu quả nay lại tiếp tục làm nóng diễn đàn Quốc hội. Người ta lại tiếp tục bàn đến chuyện sáp nhập cơ quan này với cơ quan kia, địa phương nọ với địa phương khác, thu gọn đầu mối.

Có phải chưa làm đâu, đã làm nhiều lần rồi ấy chứ! Cơ khổ, mỗi lần sắp xếp lại thì lại có hai vector trái chiều: Số đầu mối giảm - số lượng con người tăng và việc của dân, của doanh nghiệp thì cứ ì ra đó. Rồi Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói chỉ giảm được một số về hưu và nghỉ trước tuổi là chủ yếu thôi.

Người viết không thể hiểu hết được cái sự phức tạp của công việc quản lý nhà nước nên không dám lạm bàn về lĩnh vực vĩ mô này với cả "rừng" quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn. Chỉ dám có thắc mắc nhỏ là ta hay so sánh trình độ, năng suất lao động của người Việt Nam với các nước nhưng lại không tìm thấy so sánh nào về năng suất, năng lực của công chức ta với công chức các nước nhỉ ?

Đối với doanh nghiệp, khi hoạt động không hiệu quả, họ buộc phải giảm chi phí, cái giảm đầu tiên luôn là lương và nhân công. Theo đó, ai làm không hiệu quả, bộ phận nào không hoặc chưa thật sự cần thiết thì phải giảm ngay. Nhưng bộ máy của chúng ta thì khó thật, giảm như vậy thì lấy ai đi họp, rồi "con em" mình nheo nhóc thì sao, cho nghỉ hết thì ai làm? Lo chứ! Nhưng khổ thay, theo lập luận đó thì hình như lương từ ngân sách có lẽ vẫn là một khái niệm "trừu tượng" mà không rõ nguồn gốc.

Nói thẳng: một bộ phận không nhỏ công chức hiện nay không hiểu một cách thấu đáo rằng mình đang sống bằng tiền thuế của nhân dân, mà nghĩ rằng mình đang sống bằng "biên chế". Vậy nên, họ tìm mọi cách để vào được biên chế và rồi cứ thế ung dung "sáng cắp ô đi, trưa cắp ô về" cho đến lúc về hưu, hưởng chế độ chính sách, thậm chí dành nhiều thời gian để suy nghĩ làm sao có thể "khai thác" tốt hơn vị trí biên chế đó.

Chúng ta cũng làm đủ thứ việc: tuyển dụng thông qua thi tuyển, thi nâng ngạch, quy hoạch đào tạo, bổ nhiệm thông qua quy trình, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ... rất bài bản, khoa học và "đúng quy trình" nhưng chẳng hiểu sao, nhiều vị khi ra trước vành móng ngựa hoặc khi phải kiểm điểm vẫn nói rằng "do thiếu hiểu biết". Chẳng hiểu sao tìm một bản đánh giá "không hoàn thành nhiệm vụ" khó như mò kim đáy bể. Và, chẳng hiểu sao trình độ như "hotgirl" xứ Thanh vẫn thăng tiến vù vù và chễm chệ trong danh sách quy hoạch phó giám đốc cấp sở. Nhưng có lẽ cô này năng lực cao thật, vì từ bấy đến nay cô đã luyện được bí kiếp "mất tích vô phương kiếm"!

Theo thiển ý của người viết, trước khi giải quyết những vấn đề vĩ mô về tổ chức bộ máy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thể quan tâm hơn đến thực chất năng lực, năng suất lao động của công chức trong bộ máy hiện nay - điều mà có lẽ ông sẽ nhanh chóng nhận ra chỉ cần qua vài cuộc "kinh lý"; làm sao để biên chế không còn là pháo đài bất khả xâm phạm, là nơi dung thân của những kẻ vô dụng, bất tài.