NSND Trịnh Kim Chi: Khán giả là động lực để nghệ sĩ cống hiến

Điều hạnh phúc nhất đối với người nghệ sĩ là khi nhìn thấy ánh mắt rưng rưng của khán giả sau những vai diễn

NSND Trịnh Kim Chi cho rằng sân khấu hôm nay không chỉ là nơi giải trí mà còn là nơi khơi dậy tình yêu quê hương, lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập dân tộc.

.Phóng viên: Hai suất diễn vở "Ngày ấy cổng trời" (tác giả Nguyễn Kháng Chiến) do chị dàn dựng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Chị nói gì về vở diễn này?

NSND Trịnh Kim Chi: Khán giả là động lực để nghệ sĩ cống hiến- Ảnh 1.

NSND Trịnh Kim Chi. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

- NSND TRỊNH KIM CHI: Vở "Ngày ấy cổng trời" - như một nén tâm hương dâng lên dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi bắt tay vào dàn dựng vở kịch này, tôi và ê-kíp đã làm việc với tất cả tình cảm, trách nhiệm và niềm tự hào. Chúng tôi không chỉ kể lại một giai đoạn lịch sử mà còn muốn tái hiện khí chất, niềm tin và lý tưởng sống của một thế hệ vàng - những con người đã dám yêu, dám hy sinh, dám giữ trọn niềm tin vào ngày đất nước hòa bình, tự do.

.Trong chương trình "Một đời người, một rừng cây" kỷ niệm 50 năm ngày Đài Truyền hình TP HCM (HTV) phát sóng, chị đã đại diện nghệ sĩ TP HCM giao lưu, nói những lời tri ân sâu sắc đến đội ngũ nhà báo làm công tác truyền hình. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với chị?

- Tôi tự hào là một diễn viên gắn bó với HTV từ những năm mới bước chân vào nghề. Nửa thế kỷ qua, HTV không chỉ là nơi ghi dấu những bước tiến của truyền thông - truyền hình, mà còn là một mái nhà thân thương, nơi chắp cánh cho biết bao thế hệ nghệ sĩ như tôi được thể hiện tài năng, gửi gắm đam mê và sống trọn vẹn với nghề.

NSND Trịnh Kim Chi: Khán giả là động lực để nghệ sĩ cống hiến- Ảnh 2.

NSND Trịnh Kim Chi và diễn viên Trọng Hiếu trong vở “Khát vọng ngày mai” (Ảnh: THANH HIỆP)

Với riêng bản thân tôi, những lần được tham gia biểu diễn trên sân khấu truyền hình HTV luôn là những kỷ niệm đẹp. HTV đã tạo điều kiện để nghệ sĩ được tỏa sáng, luôn trân trọng, nâng niu những giá trị văn hóa, nghệ thuật (VHNT) dân tộc.

.Chị có thể chia sẻ góc nhìn của mình về hoạt động VHNT tại TP HCM sau 50 năm đất nước thống nhất?

- Trong suốt 50 năm qua, VHNT TP HCM đã luôn bám sát đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thể hiện rõ vai trò đồng hành, cổ vũ các nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn phát triển đất nước. Từ sáng tác đến biểu diễn, từ lý luận đến đào tạo, mọi mặt đều ghi nhận nhiều bước tiến mạnh mẽ, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của người dân. TP HCM thường xuyên tổ chức các cuộc thi, trại sáng tác, góp phần bồi dưỡng và phát hiện tài năng mới.

.Hội Sân khấu TP HCM đã có những đóng góp gì vào việc thúc đẩy VHNT của TP HCM?

- Sân khấu kịch TP HCM từng trải qua thời kỳ hoàng kim với những vở diễn đi vào lòng người, như: "Lá sầu riêng", "Người ven đô", "Rồng Phượng", "Chiến binh", "Đường bay", "Dạ cổ hoài lang"… Nhiều tên tuổi lớn như: NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc, NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Đàm Loan, NSND Hồng Vân… vẫn luôn tỏa sáng. Nghệ thuật cải lương có các tác phẩm: "Tiếng trống Mê Linh", "Đời cô Lựu", "Tô Ánh Nguyệt"… cùng các nghệ sĩ gạo cội là những viên ngọc quý của nghệ thuật sân khấu nước nhà.

TP HCM vừa tổ chức thành công Liên hoan Sân khấu TP HCM lần 1. Thành quả này sẽ thúc đẩy sự sáng tạo cho các đơn vị xã hội hóa và công lập, hướng đến dàn dựng, công diễn những tác phẩm được công chúng đón nhận. Hội Sân khấu TP HCM cũng đã tổ chức diễn đàn "Không gian đối thoại nghệ sĩ và công chúng", qua đó lắng nghe ý kiến phản hồi của khán giả và các chủ thể sáng tạo cũng có dịp để trao đổi, hoàn thiện tác phẩm.

.Để công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực VHNT của TP HCM có chất lượng hơn, theo chị cần phải làm gì?

- TP HCM luôn chú trọng đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ kế thừa. TP HCM đang triển khai "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2035", đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, ứng dụng AI vào sáng tạo nội dung số, đầu tư vào các công trình thiết chế văn hóa. TP HCM là địa phương tiên phong cả nước trong việc phát triển các không gian sáng tạo, xây dựng thị trường văn hóa năng động, thúc đẩy giao lưu và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Bên cạnh việc tiếp tục làm tốt những việc vừa kể trên, cần tăng cường đầu tư cho lực lượng trẻ vận dụng kiến thức công nghệ vào lĩnh vực VHNT. Tạo cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, xã hội hóa mạnh mẽ cho hoạt động VHNT.

.Những hạn chế, khó khăn trong hoạt động VHNT TP HCM là gì?

- Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng đời sống VHNT thành phố vẫn còn không ít bất cập. Vẫn còn nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mới, chưa thực sự góp phần hiệu quả trong việc xây dựng con người và môi trường văn hóa tích cực. Một số lĩnh vực còn phát triển thiếu đồng bộ, lúng túng trong cách tiếp cận các vấn đề mới. Những tác phẩm VHNT thực sự có giá trị cao cả về tư tưởng và nghệ thuật vẫn chưa nhiều. Một số sản phẩm còn chạy theo thị hiếu thị trường, thiếu chiều sâu.

Hoạt động lý luận, phê bình cũng chưa phát triển tương xứng, chưa làm tròn vai trò định hướng thẩm mỹ, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành thị hiếu lành mạnh trong công chúng. Hiện nay, chúng ta còn thiếu những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn, vừa có tài năng vừa có phẩm chất đạo đức. Công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng - đặc biệt là tài năng trẻ và trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống - còn nhiều bất cập. Chính sách đãi ngộ và môi trường hoạt động cho nghệ sĩ cũng chưa thực sự thu hút và nuôi dưỡng được sự cống hiến lâu dài.

Bên cạnh đó, vi phạm tác quyền trong âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật vẫn diễn ra phổ biến và chưa được xử lý triệt để. Các hội VHNT gặp nhiều khó khăn về cơ chế hoạt động, tài chính và cả trong việc thu hút đội ngũ trẻ. Nhiều thiết chế văn hóa xuống cấp, lạc hậu; công trình mới thì chưa được triển khai kịp thời. Trong khi đó, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân - đặc biệt là giới trẻ - ngày càng cao và đa dạng. Cần nhìn nhận nghiêm túc những bất cập này, qua đó sớm có những giải pháp khắc phục theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

.Việc phổ biến tác phẩm trên không gian mạng hiện nay đang diễn ra mạnh mẽ. Chị đánh giá như thế nào về xu hướng này?

- Không thể phủ nhận mạng xã hội là kênh quảng bá hữu hiệu nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Nhiều sản phẩm văn hóa kém chất lượng, lệch lạc về nội dung tư tưởng xuất hiện tràn lan, tác động tiêu cực đến thị hiếu, đặc biệt là giới trẻ. Công tác kiểm duyệt, định hướng trong môi trường số vẫn còn lúng túng, thiếu biện pháp chế tài đủ mạnh.

TP HCM đang đứng trước thời cơ lớn để chuyển mình. Trước hết, cần đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cần gắn chặt với xu thế toàn cầu hóa và chuyển đổi số. Phải sớm cụ thể hóa các chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương, chú trọng phát triển nguồn nhân lực có năng lực, đạo đức và khả năng sáng tạo. 

"NSND Trịnh Kim Chi bày tỏ: "TP HCM là nơi tập hợp mọi sắc màu văn hóa, là trung tâm sáng tạo nghệ thuật lớn nhất cả nước - đó cũng là niềm tự hào và cũng là động lực để các văn nghệ sĩ sáng tạo, dấn thân, cống hiến cho nghệ thuật, cho khán giả, cho đất nước".