"Đây là niềm vui lớn đối với chúng tôi, vì đó thật sự là gia tài quý giá không chỉ của sân khấu kịch nói TP HCM mà còn của sân khấu cả miền Nam" - NSND Trịnh Kim Chi phấn khởi.
"Tôi muốn tri ân các bạn diễn, tri ân đến đông đảo các thế hệ công chúng yêu mến "kỳ nữ" Kim Cương và trên hết là muốn thế hệ nghệ sĩ trẻ sẽ tiếp tục lan tỏa những giá trị nhân văn mà tôi đã gửi gắm vào kịch bản sân khấu" - NSND Kim Cương bộc bạch.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đến 4 đời hoạt động sân khấu, NSND Kim Cương là những người đã khai phá con đường phát triển sân khấu kịch nói miền Nam. Bà đã tập tành sáng tác kịch bản kịch nói vào những năm đầu của thập niên 1960, kịch nói chỉ được biết đến qua các vở ngắn, những lớp diễn trước khi chiếu phim hoặc trong các chương trình đại nhạc hội.
Rồi sau đó, bà đã lập Ban thoại kịch Kim Cương, chọn đề tài khai thác từ những câu chuyện xoay quanh lòng hiếu thảo, nghĩa vợ chồng. Cho đến thời điểm này, NSND Kim Cương cũng không nhớ rõ bà đã viết bao nhiêu kịch bản về đề tài tình mẹ con trong số hơn 70 vở diễn của bà. Tính đến thời điểm hiện nay, chỉ có vài đơn vị nghệ thuật đã dàn dựng kịch mục của thương hiệu "Kim Cương" đó là: Sân khấu IDECAF vở "Người mua hạnh phúc", Sân khấu Hoàng Thái Thanh vở "Bông hồng cài áo", Sân khấu Vàng vở "Lá sầu riêng" - phiên bản cải lương.
NSND Trịnh Kim Chi cho biết: "Sân khấu chúng tôi sẽ nỗ lực khơi lại dòng chảy của kịch nói Kim Cương, tất nhiên NSND Kim Cương sẽ là cố vấn nghệ thuật, giúp chúng tôi thực hiện thật chất lượng các vở diễn gửi đến công chúng".
"Các nghệ sĩ trẻ gắn bó với sân khấu Trịnh Kim Chi rất hồ hởi, vì bằng góc nhìn trẻ trung và sự cảm nhận của thế hệ hôm nay, họ muốn được cống hiến, đưa kịch nói Kim Cương trở lại sàn diễn" - NSND Trịnh Kim Chi cho biết thêm.
Bình luận (0)