Bài học sau vành móng ngựa
Vì công việc, hằng ngày nhóm phóng viên pháp đình chúng tôi phải “đáo tụng đình’’, để rồi vui buồn với nhiều số phận, nhiều cảnh đời và học được ở nơi tận cùng nỗi đau ấy nhiều bài học bổ ích
TAND TPHCM xét xử sơ thẩm vụ án tham nhũng ở huyện Hóc Môn. Vì yêu cầu thời sự (vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm), chúng tôi phải đến tòa từ sớm để chụp hình các bị cáo được dẫn giải từ trên xe tù xuống, ra trước vành móng ngựa cho đến kết thúc phiên tòa.

Minh họa: NGUYỄN TÀI
Tôn trọng nhân phẩm
Dưới ống kính của phóng viên, có bị cáo bình thản, lạnh lùng; có người bối rối, xấu hổ… Tất cả các trạng thái tâm lý biểu hiện qua nét mặt và hành vi của họ, chúng tôi có nhiệm vụ phải ghi lại, bởi tác phẩm ảnh báo chí là “ngòi bút’’ phản ánh chân thực, đầy đủ nhất. Cũng vì vậy, suốt mấy ngày phiên tòa diễn ra, chúng tôi đã nhận lấy rất nhiều câu xách mé, những lời sỉ vả, mắng nhiếc, những cái nhìn thiếu thiện cảm. “Bị cáo của hôm qua với hôm nay có gì khác nhau không, có mập hơn hay ốm hơn mà nhà báo chụp hoài vậy?’’; “Chụp gì mà chụp, tạt cho một ca nước vào máy ảnh bây giờ’’… Vì công việc, chúng tôi đành làm ngơ để tác nghiệp.
Nhưng có một lần… Vụ án giết người, cướp tài sản đối với N.T.N và L.H.S đưa ra xét xử. Đây cũng là một vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm bởi tính chất liều lĩnh, quyết liệt của hung thủ. Hai bị cáo được dẫn giải ra trước vành móng ngựa trong ánh chớp liên tục của những chiếc máy ảnh, kể cả khi họ ngồi yên, cố thu mình lại, còng lưng, cúi gằm mặt đã rất lâu trước vành móng ngựa. “Làm ơn đừng chụp hình phạm nhân nữa, cho họ thở một chút mấy anh chị ơi!’’ - người cảnh sát dẫn giải lên tiếng.
Dẫu chỉ bấm vài ba tấm hình làm tư liệu và trở về chỗ ngồi từ lâu nhưng khi nghe lời khẩn cầu đầy tình người ấy, tôi lại thấy hối hận. Cuộc đời ai cũng có lúc phạm sai lầm và họ phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng trên tất cả, họ là một con người có cảm xúc, sự riêng tư cần được tôn trọng. Không thể vì một phút nông nổi, tham lam, thiếu kiềm chế mà người ta bị mất luôn danh dự, lòng tự trọng, cơ hội được trở về làm người lương thiện. Bài học đó không mới nhưng không ít lần vì mải mê tác nghiệp để có những bức ảnh tả thực mang tính báo chí, có lúc, có người trong chúng tôi đã quên.
Sự tha thứ
Tôi còn nhớ như in một phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản cách đây chưa lâu. Trước vành móng ngựa là một bà lão tóc bạc trắng, người ốm yếu, xanh xao, bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 6 năm tù. Sau lưng bà là những người bị bà chiếm đoạt tiền hụi của 12 năm trước - người ít thì vài ba triệu đồng, người nhiều cả trăm triệu đồng. Vậy mà họ vẫn sẵn sàng bỏ công ăn việc làm đến tòa từ sáng sớm để xin tòa xem xét cho bà được hưởng án treo; ân cần dành cho bà những lời an ủi, vỗ về; cái nắm tay chia sẻ khi bà được giảm án nhưng vẫn bị buộc phải ngồi tù 3 năm.
Có một cô gái bị một thanh niên tấn công dã man, suýt mất mạng để cướp tài sản, thế nhưng khi nghe tin anh ta có thể đối diện với bản án tử hình, cô lại thấy nặng lòng. Bỏ qua nỗi đau cơ thể mỗi khi trái gió trở trời, bỏ qua sự thù hận thông thường, cô đến tòa tha thiết xin cho bị cáo được giảm án, cũng không đòi hỏi phải bồi thường. “Mình mong rằng anh ta sẽ hiểu hành động của mình để cố gắng cải tạo, làm người có ích cho gia đình và xã hội’’ - cô nhỏ nhẹ tâm sự.
Và tôi rất nhớ một người vợ bị chồng say rượu dùng phảng làm cỏ chém đến nỗi tật nguyền vẫn không nửa lời oán trách chỉ vì tình nghĩa vợ chồng mấy chục năm đầu gối tay ấp...
Lòng nhân đạo
Giữa tháng 5-2011, TAND TPHCM xét xử vụ tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy. Bị cáo là P.M.N (SN 1984), từng nghiện ma túy, từng đi tù vì cướp giật tài sản. Trở về xã hội, N. tự hứa sẽ cố gắng làm người lương thiện để phụng dưỡng cha mẹ già đã có một khoảng thời gian dài đau khổ bởi đứa con hư hỏng. Nhưng đi đến đâu, N. cũng bị từ chối. Không vượt qua được định kiến xã hội, trong một lần tình cờ gặp lại một người bạn tù, được rủ rê, N. mua ma túy về chia nhỏ bán cho người nghiện kiếm lời và lại bị bắt...
“Bị cáo nói ra hoàn cảnh của mình không phải để chối tội mà đó là sự thật. Khi trở về hòa nhập cộng đồng, bị cáo đã rất quyết tâm trở thành người đàng hoàng. Nhưng rồi bị cáo đã không đủ nghị lực vượt qua được hoàn cảnh sống khó khăn cũng như sự xa lánh, dị nghị của xã hội… Qua đây, bị cáo cũng mong xã hội chấp nhận, mở rộng vòng tay với một người có nhân thân xấu như bị cáo, cho bị cáo một việc làm ổn định để bị cáo đủ nghị lực từ bỏ con đường xấu, sống có ích cho gia đình và xã hội’’ - N. tha thiết.
Khát vọng hướng thiện
Đối với những ai từng nhiều lần tham dự phiên tòa, lời nói sau cùng của bị cáo trước khi HĐXX vào nghị án chỉ là một thủ tục mà có người không thiết nói, có người nói như đọc một bài đã học thuộc lòng... Dẫu là thế nhưng phía sau sự bướng bỉnh, bất cần đời hay những lời nói có vẻ sáo mòn của các bị cáo vẫn là nỗi sợ cô đơn, bị gia đình bỏ rơi và xã hội xa lánh; là mong ước cháy bỏng được sớm quay về sống một cuộc đời tự do, được nhìn nhận như một con người đúng nghĩa trên bước đường hướng thiện sau này. |