“Bán” cả trẻ mồ côi
Trường Nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật Tia Sáng, do ông Tô Tuấn Anh làm chủ, đã "bán" ra cộng đồng 5 cháu làm con nuôi cho các gia đình, thu về 20 triệu đồng mỗi cháu
Trường Tia Sáng (667B Quốc lộ 20, xã Đại Lào, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) được UBND thị xã Bảo Lộc cho phép thành lập ngày 21-3-2002, do ông Tô Tuấn Anh làm chủ. Trường nhận nuôi khoảng 30 trẻ khuyết tật, mồ côi, cơ nhỡ... Thời gian gần đây, các bảo mẫu của trường đã làm đơn tố cáo với chính quyền địa phương: Trường nuôi dạy trẻ trong điều kiện không bảo đảm sức khỏe và có dấu hiệu trục lợi trên thân xác trẻ em.
Nón của Cảnh sát Trật tự, Cảnh sát 113 phát hiện tại Công ty Tài Lan Anh. Ảnh: T.HỒNG
Thu tiền nhưng không ra biên nhận
Theo lời kêu cứu của các bảo mẫu Bùi Thị Thanh, Nguyễn Thị Hằng, Bùi Thị Tâm đã từng làm việc tại Trường Tia Sáng, tính đến thời điểm này, đã có khoảng 5 bé trong trường bị đưa ra ngoài làm con nuôi cho các gia đình. Nếu sự việc dừng lại ở đây thì không có gì ầm ĩ. Tuy nhiên, khi đưa trẻ ra ngoài, nhà trường yêu cầu gia đình người nhận bé phải “ủng hộ” số tiền từ 20 - 25 triệu đồng/bé. Người trực tiếp nhận tiền là ông Trần Văn Hữu hoặc ông Nguyễn Văn Mạnh. Hai người này được ông Tô Tuấn Anh ủy quyền quản lý Trường Tia Sáng.
Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng anh K’Brội (ngụ xóm 2, thôn B’ Đơ, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm- Lâm Đồng), người nhận bé trai N.V.Đ (4 tuổi) về làm con nuôi vào tháng 12-2007.
Sự hồn nhiên của các cháu mồ côi, khuyết tật Trường Tia Sáng đang bị lợi dụng Ảnh: T.HỒNG
Anh K’Brội cho biết: Khoảng tháng 10-2007, vợ chồng tôi xem tivi và thấy thông tin về bé N.V.Đ bị bỏ rơi, đang được nuôi dưỡng tại Trường Tia Sáng. Nhìn bé đáng yêu, tôi lập tức đến trường và xin nhận bé làm con nuôi. Lúc đó ông Hữu đi nước ngoài, đại diện nhà trường là ông Mạnh bảo tôi phải có tiền bồi thường cho họ 25 triệu đồng để giúp đỡ mấy bé khác. Chúng tôi xin giảm còn 20 triệu đồng và họ đồng ý.
Tháng 12-2007, sau khi làm đơn xin con nuôi gửi chính quyền xã và mang tiền đến trường nhận bé về. Lúc giao tiền chỉ có tôi, ông Hữu, ông Mạnh. Các ông ấy có làm biên nhận nhận tiền, nhưng không đưa cho tôi mà cất luôn. Khi tôi hỏi, ông Hữu nói: “Được rồi, về đi”.
Ông K’Brội và đứa con vừa “mua” từ trường Tia Sáng với số tiền 20 triệu đồng
Một trường hợp khác là vợ chồng anh Nguyễn Văn Đại (ngụ xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm) nhận bé trai Tô Nhất Anh (thường gọi là bé Cò) làm con nuôi vào tháng 10-2007. Anh Đại bức xúc: “Biết tôi có nguyện vọng xin cháu, ông Hữu không ngần ngại ra giá 22 triệu đồng với lý do đóng góp xây dựng trường. Tôi vét hết trong nhà chỉ còn 15 triệu đồng, năn nỉ mãi ông Hữu không cho đón cháu, yêu cầu phải có đủ 20 triệu đồng. Vì thương bé, vợ chồng tôi phải vay khắp nơi mới đủ tiền.
Ngày 8-10, tôi cầm 15 triệu đồng đến phòng làm việc của ông Hữu để giao tiền. Sau đó, ngày 10-10, tôi đưa thêm 5 triệu đồng mới được đón cháu về. Cả 2 lần đều không có giấy biên nhận nhận tiền”.
Gần gia đình anh Đại, vợ chồng anh Trần Văn Đôn, ngụ xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm, cũng nhận bé trai Tô Mạnh Anh với giá 20 triệu đồng, không giấy biên nhận.
Ngoài 3 bé trai trên, có 2 bé gái cũng bị nhà trường đưa ra ngoài với giá 20 triệu đồng/bé. Bảo mẫu Bùi Thị Thanh kể lại một trong hai trường hợp này: “Đầu năm 2008, có vợ chồng Việt kiều từ Sài Gòn lên trường tìm xin một cháu làm con nuôi. Khi vợ chồng này nhận cháu, chúng tôi hỏi: “Xin đứa bé này chị cho nhà trường bao nhiêu?”. Họ nói: “Xin gì mà xin, tốn 20 triệu đồng đó!”.
Mới đây vào tháng 2-2009, bác sĩ H. ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cũng tìm đến trường xin nhận bé Tiêu làm con nuôi, nhưng ông Hữu yêu cầu “ủng hộ” 30 triệu đồng. Do không có khả năng, bác sĩ H. nhờ một bảo mẫu của trường xin trực tiếp ông Tô Tuấn Anh, nhưng cuối cùng không được.
Do thiếu điều kiện chăm sóc, nhiều trẻ của Trường Tia Sáng bị ghẻ. Ảnh: N.PHÚ
Cái gì ra tiền là... vét
Ngày 3-7, thượng tá Nguyễn Văn Thiệt, Trưởng Công an thị xã Bảo Lộc, cho biết cơ quan công an đang tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ để xác định có hay không việc những người quản lý Trường Tia Sáng đưa trẻ ra cộng đồng, thu hàng chục triệu đồng mỗi cháu. |
Chưa hết, để tư lợi, nhiều cá nhân trong trường còn tùy tiện “bán” tư cách pháp nhân của nhà trường cho các cộng tác viên đi bán hàng từ thiện (đũa, bút bi, máy mát-xa...) với giá cắt cổ. Mỗi giấy giới thiệu, giấy đi đường do trường cấp cho các cộng tác viên có giá 300.000 đồng. Khi các bảo mẫu lên tiếng phản ứng, lập tức ông Hữu và Mạnh cho họ nghỉ việc không lý do.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, vào khoảng tháng 8-2008, một mạnh thường quân người Hàn Quốc đến Trường Tia Sáng thăm và cho mượn 4 giường mát-xa để điều trị cho các em khuyết tật. Thế nhưng, ông Tô Tuấn Anh lại mang 4 cái giường này về nhà riêng (cách trường 4 km) và trưng bảng cho thuê nằm giường với giá 20.000 – 30.000 đồng/giờ. Được 3 tháng, nhà mạnh thường quân phát hiện và lấy giường lại...
Ngoài ra, theo lời các bảo mẫu, hằng năm, tiền hỗ trợ từ các mạnh thường quân bên ngoài không ít, nhưng điều kiện ăn ở, sinh hoạt, thuốc men cho các bé rất thiếu thốn, nhiều bé bị ghẻ lở khắp người.
Chị Thanh, người đi chợ hằng ngày, cho biết mỗi ngày trường chỉ đưa 60.000 đồng đi chợ nấu ăn cho 30 người. Cả bột giặt, sữa, xì dầu, dầu ăn... mạnh thường quân cho rất nhiều nhưng nhà bếp chỉ còn một ít, đa số đều “không cánh mà bay”.
Phải giải thể!
|
Kỳ tới: Núp bóng từ thiện, kinh doanh hàng cấm