Bẫy chuột, chết người

Gia đình thuộc diện nghèo nên ngoài thời gian đi làm mướn, cả gia đình H. bỏ công chăm sóc cho khoảnh ruộng nhỏ. Khổ nỗi, lúa ít mà chuột lại không “tha’’ cho họ

- Nhà nước đã tuyên truyền, khuyến cáo nhiều về việc bẫy chuột làm chết người; trên tivi cũng đưa nhiều thông tin về việc này. Bị cáo có thường xem tivi không?

- Dạ, tối ngày lo đi mần, bị cáo ít coi tivi lắm...

- Nếu bị cáo không làm theo lời mẹ bị cáo (làm bẫy điện- PV), có được không?

- Dạ, không làm thì mẹ bị cáo chửi… Cả nhà chỉ có gần 200 m2 ruộng mạ mà chuột cứ cắn phá hoài…

Đó là đoạn đối đáp giữa tòa với bị cáo N.M.H (31 tuổi, ngụ Bến Tre). H. bị TAND tỉnh Bến Tre xử phạt 2 năm tù về tội “Giết người” (khoản 2, điều 93 BLHS) với vai trò đồng phạm giúp sức. Cùng trong vụ án, mẹ của H., bà N.T.T (61 tuổi), bị xử phạt 5 năm tù về tội “giết người”.

Gia đình thuộc diện nghèo nên ngoài thời gian đi làm mướn, cả gia đình H. bỏ công chăm sóc cho khoảnh ruộng nhỏ. Khổ nỗi, lúa ít mà chuột lại không “tha’’ cho họ. Sau một đêm nhìn thấy đám mạ bị cắn nát, xót của, bà T. giục con trai giăng bẫy điện. Nhưng rồi, mới làm được 2 ngày, một người dân nghèo đi soi ếch nửa đêm đã vô tình vướng phải bẫy điện và tử vong.

Sau khi vụ án xảy ra, gia đình H. chạy vạy ngược xuôi được 10 triệu đồng đưa gia đình nạn nhân để lo chi phí mai táng. Sau khi tòa án xử xong, hai mẹ con chấp nhận mức án, không làm đơn kháng cáo vì “nghèo quá, tiền đâu mà đóng án phí nếu chẳng may bị bác kháng cáo”. May sao, VKSND tỉnh Bến Tre thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của họ, nhất là trong vụ án có cả hai mẹ con cùng bị đi tù nên đã kháng nghị lên cấp phúc thẩm cho H. được hưởng án treo.

“Xin HĐXX  cho bị cáo được hưởng án treo vì bị cáo là lao động chính nuôi mẹ và hai con nhỏ. Với lại, được ở ngoài bị cáo mới có thể đi làm mướn để có tiền bồi thường lo chu cấp cho hai con của người bị hại mỗi tháng (900.000 đồng/hai bé/tháng)’’ - bị cáo H. run rẩy nói lời nói sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án.

HĐXX Tòa Phúc thẩm nhận định dù không muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng các bị cáo biết được việc làm đó là nguy hiểm mà vẫn làm, xét xử các bị cáo ở khoản 2 điều 93 BLHS là đúng người, đúng tội. Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của hành vi mà bị cáo H. gây ra, tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 2 năm tù là tương xứng. Tuy nhiên, xét hoàn cảnh gia đình bị cáo, HĐXX chấp nhận kháng nghị, sửa án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo H. 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo (thời gian thử thách là 4 năm).

Ngẩn người trước vành móng ngựa một lúc lâu, H. chậm rãi lê đôi dép mòn vẹt ra về cùng người dì ruột… Dẫu không phải bị giam nhưng nỗi âu lo về gánh nặng cơm áo, về những năm tháng phải chịu tù tội của mẹ già và nhất là sự ăn năn, hối hận vì đã vô tình gây ra cái chết cho một người khiến bước chân H. thêm nặng trĩu…