Buôn lậu có bảo kê
Một số nhân viên Chi cục Hải quan Hà Nội nhập hàng lậu cho Nguyễn Gia Thiều để nhận tiền bồi dưỡng
Ngày 17-11, HĐXX tiếp tục thẩm vấn bị cáo Nguyễn Gia Thiều về hành vi trốn thuế và các bị cáo nguyên là nhân viên hải quan về hành vi buôn lậu.
Giả mạo 171 chữ ký của cựu hoa hậu Hà Kiều Anh
Trong quá trình thẩm vấn về hành vi trốn thuế gần 100 tỉ đồng mà Nguyễn Gia Thiều cùng các đồng phạm gây ra, bị cáo Thiều luôn dùng từ tránh thuế để thay thế từ trốn thuế. Thiều lập luận: “Phải bị xử phạt hành chính mới biết là trốn thuế, từ khi hoạt động cho đến khi bị bắt, tôi không có sai phạm gì nên chỉ có thể nói là tránh thuế”. Đại diện VKS liền chỉnh: “Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc kê khai gian dối là hành vi trốn thuế”.
Trả lời câu hỏi: “Tránh thuế thì có lợi cho ai và có hại cho ai?” mà HĐXX đưa ra, Nguyễn Gia Thiều đáp tỉnh rụi: “Có lợi cho người tiêu dùng, có lợi cho Công ty Đông Nam của bị cáo và Đông Nam Hồng Kông, có hại cho Nhà nước”. Liên quan đến việc ký những báo cáo thuế của Công ty Tam Nguyên do cựu hoa hậu Hà Kiều Anh làm giám đốc, Nguyễn Gia Thiều thừa nhận mình đã lệnh cho nhân viên giả 171 chữ ký của Hà Kiều Anh. Những người trực tiếp trong vụ giả chữ ký này theo Thiều là ông Lương Thanh Việt (nguyên kế toán trưởng Công ty Tam Nguyên) và bà Nghiêm Thị Thúy (nguyên thủ quỹ Công ty Tam Nguyên). Khi được gọi lên đối chất, ông Việt cho rằng do giả chữ ký không giống của Hà Kiều Anh nên đã nhờ bà Thúy ký. Bà Thúy thừa nhận trước tòa: “Đúng là tôi đã ký giả chữ ký của Hà Kiều Anh vì tôi nghĩ làm lính thì phải nghe lời cấp trên nếu không tôi sẽ bị mất việc”. Về phần mình, cựu hoa hậu Hà Kiều Anh cũng thừa nhận với HĐXX là cô không hề biết việc mình bị giả chữ ký. Khi chủ tọa đặt câu hỏi: “Bà nghĩ gì về trách nhiệm của người đứng đầu pháp nhân với những sai phạm của công ty?; Những hậu quả mà nhân viên gây ra thì ai chịu?”. Hà Kiều Anh lặng thinh.
Chủ tọa hỏi Nguyễn Gia Thiều: “Bị cáo luôn dùng từ tránh thuế chứ không chịu trốn thuế. Với những hành vi gian dối bị cáo đã khai trước tòa, bị cáo còn mong cơ quan thuế cho bị cáo biết mình còn thiếu sót gì để bị cáo bổ sung. Ý thức chấp hành pháp luật của bị cáo ở chỗ nào?”. Cũng như vợ mình, Nguyễn Gia Thiều không trả lời được.
“Bôi trơn” hải quanđể nhập hàng lậu
Chuyển qua hành vi buôn lậu trên 39.000 chiếc ĐTDĐ, trị giá trên 148 tỉ đồng của Nguyễn Gia Thiều cùng đồng phạm, chủ tọa hỏi bị cáo Phạm Anh Vũ (nguyên giám đốc Công ty Thiên Anh): “Cáo trạng quy kết bị cáo giúp sức cho Thiều buôn lậu 4.800 ĐTDĐ là đúng không?”. “Dạ đúng” - Vũ đáp và đưa ra lý do: “Vì bị cáo có người quen làm trong ngành hải quan nên mới nhận giúp anh Thiều nhập theo đường phi mậu dịch”. Theo Phạm Anh Vũ, bị cáo đã nhờ Nguyễn Quang Hoan (nhân viên Công ty TB) và Đào Lê Anh (Chi cục Hải quan Hà Nội) giúp nhập ĐTDĐ với chi phí từ 12 USD-18 USD/chiếc. Hoan và Anh móc nối với một số cán bộ hải quan thuộc Chi cục Hải quan Hà Nội như Lê Văn Nhân, Nguyễn Đăng Chiểu, Đặng Mạnh Quyền, Nguyễn Đình Hiếu... giúp Vũ nhập tổng cộng 4.800 chiếc ĐTDĐ. Tuy nhiên, các bị cáo nguyên là cán bộ hải quan đều phủ nhận sai phạm. Bị cáo Lê Văn Nhân khai: “Anh Hoan nhờ bị cáo giúp nhập ĐTDĐ, bị cáo thấy ĐTDĐ không phải là hàng cấm và Công ty TB cũng có chức năng kinh doanh ĐTDĐ nên bị cáo mới nhờ anh Nguyễn Đăng Chiểu và Nguyễn Đình Hiếu nhận hàng giúp anh Hoan. Bị cáo chỉ nghĩ là giúp anh Hoan làm thủ tục nhanh hơn thôi chứ không hề có mục đích gì khác. Số tiền 10 USD mà anh Hoan chi cho mỗi chiếc ĐTDĐ bị cáo cũng đưa hết cho anh Chiểu và Hiếu”. Khi chủ tọa công bố bản tự khai của Nhân tại Cơ quan Điều tra cho thấy Nhân đã giúp sức cho Hoan và nhận tiền thì Nhân nại lý do: “Vì lúc đó mới bị bắt nên tinh thần không ổn định”.
Đào Lê Anh cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo bàn bạc để nhập lậu ĐTDĐ cho Vũ là không đúng. Đào Lê Anh khẳng định: “Bị cáo chỉ giúp Vũ với tư cách bạn bè chứ không hề vụ lợi gì”. Thế nhưng khi chủ tọa cho gọi Phạm Anh Vũ lên đối chất thì Vũ bác bỏ lời khai của Đào Lê Anh và khai rằng các lần nhập lậu ĐTDĐ đều có chi phí cho Anh.
Bị cáo Nguyễn Đăng Chiểu cũng không chịu thừa nhận hành vi buôn lậu và cho rằng mình làm đúng những gì mà pháp luật quy định. HĐXX liền công bố hàng loạt biên bản đối chất và lời khai của Chiểu tại cơ quan điều tra thì lúc đó Chiểu giở chiêu bài: “Do hoàn cảnh gia đình lúc đó nên khai đại”.
Hôm nay, ngày 18-11, phiên tòa tiếp tục làm việc.