“Chưa thấy vụ nào bi kịch thế này”
Bảy người con ở gần bên nhưng không quan tâm đến cuộc sống, tình cảm của cha mẹ già, để họ phải kéo nhau ra tòa ở tuổi gần đất xa trời
Trời mưa xối xả, bị cáo L.V.Th (91 tuổi; ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) được dìu vào phòng xử án. Ngồi co ro trước vành móng ngựa, thỉnh thoảng ông Th. đưa đôi tay gầy guộc, yếu ớt kéo chiếc khăn trên cổ như để xua đi cái lạnh. Nghe đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đọc cáo trạng, ông run run phản đối: “Tôi không có giết bà ấy, chỉ định tự tử một mình thôi”.
Mâu thuẫn vợ chồng dai dẳng
Ông Th. và bà L.T.B (85 tuổi) sống cùng người con trai thứ 7 tên là L.V.M. Từ năm 2002, 2 vợ chồng thường xảy ra cự cãi nên bà B. bỏ qua nhà người thân ở. Gần 8 năm sau, bà B. quay về chăm sóc chồng, phát hiện ông Th. tự ý sang nhượng phần đất cho con trai cả (ông L.V.T) nên cả 2 tiếp tục phát sinh mâu thuẫn, sống ly thân. Bà B. lấy vách ngăn đôi căn nhà, sống một mình, tự lo cơm nước, thuốc men. Ông Th. sống cùng con trai L.V.M ở nửa căn nhà còn lại.
Giữa tháng 4-2014, ông Th. sang nhà L.V.T đòi số tiền sang nhượng đất còn thiếu nhưng bà B. ngăn cản. Tức giận, ông Th. bỏ về nhà, nảy sinh ý định dùng thuốc trừ sâu đầu độc vợ. Ông vào phòng ngủ của con trai lấy lọ thuốc trừ sâu rót vào bình trà mà bà B. đã pha sẵn để uống mỗi sáng. Sau đó, ông Th. chống gậy sang nhà một người con ruột ở gần đó.
Từ nhà ông L.V.T trở về, bà B. rót ly trà nóng đưa lên miệng uống nhưng phát hiện mùi hôi nồng nặc nên cầm bình trà đi trình báo công an.

Con đàn cháu đống, cha mẹ vẫn bơ vơ
Tại cơ quan điều tra, ông Th. thừa nhận hành vi phạm tội nhưng trước tòa, ông nhất quyết cho rằng việc đổ thuốc trừ sâu vào bình trà là để mình tự uống cho chết vì quá buồn phiền vợ con chứ không có ý định giết ai.
Vị chủ tọa hỏi: “Nếu muốn tự tử, sao bị cáo không uống trực tiếp mà lại đổ vào bình trà?”. Ông Th. lấy tay ôm ngực, không trả lời.
Khi được HĐXX mời lên hỏi bình trà có pha thuốc trừ sâu là của ông Th. hay bà B., ông L.V.M lắc đầu: “Tôi đi bán cả ngày nên không quan tâm”. Trả lời câu hỏi có phải là con ruột của bị hại và bị cáo không, ông M. khẳng định “phải” nhưng “bà ấy chửi cha con tôi hoài”.
Tương tự, khi vị chủ tọa hỏi L.V.T rằng cha ông bị truy tố về tội “Giết người” có oan ức không, ông này liền trả lời: “Tôi thấy đúng”. Vị chủ tọa hỏi tiếp: “Nhà ông ở sát vách nhà cha mẹ nhưng sao chẳng quan tâm, phụng dưỡng, bỏ họ sống bơ vơ lúc tuổi già?”. Ông L.V.T tỏ thái độ trách cứ: “Từ ngày tôi có gia đình tới giờ, ông ấy không cho món gì hết. Có cái nền nhà mà ông ấy cũng bán chứ có cho không tôi đâu, giờ tôi còn phải đóng lãi 800.000 đồng mỗi tháng”.
Nghe qua lời của các con ông Th., vị chủ tọa phân tích: “Nếu có hiếu, khi thấy cha mẹ không hợp nhau, không sống với nhau được thì các con phải thay nhau chăm sóc, an ủi họ. Từng xử nhiều vụ án nhưng tôi chưa thấy vụ nào bi kịch như vụ án này. Bởi lẽ, con cháu nhiều nhưng để cha mẹ già phải kéo nhau ra tòa như thế này”.
Một thành viên của HĐXX hỏi bà B. trước giờ nghị án: “Trong quá trình điều tra, bà làm đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho chồng. Vậy trước tòa, bà vẫn giữ nguyên quan điểm đó?”. Vịn tay vào ghế để đứng lên, bà B. xua tay: “Tòa kêu ông ấy phải chia đôi 1 công đất chung thì tôi mới chịu, không thì cứ bỏ tù đi. Ông ấy có về nhà, tôi cũng không sống chung đâu”.
Phiên xử kết thúc, ông Th. được vài người dự khán dìu ra trước sân tòa để về nhà. Lần mò bước xuống cầu thang, bà B. đi thẳng ra cổng, không một lần nhìn lại chồng. Tình nghĩa vợ chồng giữa họ dường như đã cạn...
Đại diện VKSND TP Cần Thơ đề nghị miễn hình phạt cho ông L.V.Th vì tuổi đã già. Tuy nhiên, HĐXX nhận định hành vi của bị cáo rất nguy hiểm cho xã hội nên tuyên phạt 8 năm tù về tội “Giết người”.